Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10733
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Cùng quẫn vì tình - tiền, nhiều bạn trẻ tìm đến thuốc trừ sâu tự tử
Tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), số ca nhập viện vì ngộ độc hoá chất trừ sâu, diệt cỏ có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. 

Điều đáng nói là tình trạng ngộ độc hoá chất trừ sâu diệt cỏ lại không rơi vào những người trực tiếp tiếp xúc với loại hóa chất cực độc này (như nông dân, công nhân) mà hầu hết là nam nữ thanh niên có ý định tự tử vì buồn bã chuyện tình cảm, chán đời vô cớ hay cờ bạc cá độ dẫn đến nợ nần túng thiếu, tuyệt vọng...
 
Lũ lượt nhập viện vì tự tử
 
Hầu như ngày nào, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân (BN) ngộ độc hoá chất trừ sâu, hoá chất diệt cỏ. Có những đợt mỗi ngày 3 BN tự tử bằng paraquat - một loại hoá chất diệt cỏ cực độc, “uống là chết”.  
 
Đáng chú ý là hầu hết BN đều có tuổi đời rất trẻ, trong một ngày buồn chán hay vì những lý do hết “đời thường” đã nông nổi uống hoá chất trừ sâu, hoá chất diệt cỏ để tự tử. Ngoài chi phí chữa trị tốn kém, việc tự tử còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng về sức khỏe, vật chất, tinh thần của BN và gia đình.
 
 
Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh.
 
BN Nguyễn Thị H. (17 tuổi, Hòa Bình) nhập viện điều trị đã được một tuần do ngộ độc hoá chất trừ sâu. Dù được cấp cứu, chống độc nhưng tình trạng BN vẫn nguy kịch do uống khá nhiều hóa chất độc hại vào người. 
 
Theo lời bố mẹ H. thì H. vốn khá hiền lành, trước ngày xảy ra vụ việc đáng tiếc này cháu vẫn vui vẻ, không có biểu hiện gì bất thường. “Hôm đó, trong họ có đám tang, cả nhà tất bật lo hậu sự, có mình con bé ở nhà chả biết nó nghĩ thế nào đi lấy hoá chất trừ sâu uống. Đến đêm, cháu nó bắt đầu kêu nôn nao trong người, nôn nhiều và ngày càng dữ dội. Thấy vậy, bố mẹ gặng hỏi mãi thì đến sáng cháu mới nói là uống hoá chất tự tử…”- người nhà BN buồn rầu kể.
 
Trong tình cảnh tương tự, bác Phạm Văn T. (Thanh Hóa) không giấu nổi vẻ mặt buồn rượi khi kể tình cảnh cô con gái. Gia đình làm nông nghiệp nên trong nhà lúc nào cũng có sẵn hoá chất để phun, không ngờ nó lại hại chính tính mạng cô con gái. 
 
“Các bác sĩ đã cấp cứu, lọc máu “rửa độc” khỏi cơ thể cho cháu nhưng xem ra bệnh tình vẫn nặng lắm. Cháu nó lại không có bảo hiểm y tế nên điều trị rất tốn kém. Thôi thì vì con vì cháu, cố gắng chạy chữa chỉ mong các bác sĩ cứu được con từ cõi chết trở về… Giờ về nhà cũng chỉ dám khuyên bảo nhỏ nhẹ, quát mắng bọn trẻ chỉ sợ chúng làm liều thì khổ…”- bác T. tâm sự.
 
Có vô vàn lý do khiến bạn trẻ tìm đến hoá chất trừ sâu để tự kết liễu cuộc đời mình. Theo các bác sĩ, nhóm đối tượng tìm đến hoá chất trừ sâu nhiều nhất là lứa tuổi thanh niên từ 20-30 tuổi, chủ yếu vì những lý do như: thất tình, nợ nần do cá độ, cờ bạc, thất vọng về gia đình, người thân, cãi vã, “người yêu lạnh nhạt” ..v.v. Thậm chí, các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã từng điều trị cho trường hợp cháu bé khoảng 9 tuổi cũng “uống nhầm” hoá chất trừ sâu vì giận hờn bố mẹ không cho… đi chơi.
 
Quản lý lỏng lẻo, người tử vong, người tàn phế
 
 
"Thả nổi" việc quản lý hóa chất độc hại đã gây nên những hệ lụy vô cùng đáng tiếc. Ảnh minh họa.
 
TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, hoá chất diệt cỏ Paraquat được xếp vào nhóm chất cực độc, uống vào là chết. Song, tình trạng ngộ độc loại hoá chất này lại có chiều hướng gia tăng và “thủ phạm” tiếp tay cho các ca tự tử ngày càng gia tăng cũng bắt nguồn từ việc quản lý, sử dụng bừa bãi hoá chất trừ sâu.
 
“Ngộ độc Paraquat chiếm đến 80-90% các ca ngộ độc hoá chất trừ sâu, hoá chất diệt cỏ. Với loại chất độc này, 10ml hoá chất Paraquat có thể dẫn đến chết người, trong khi lọ hoá chất đóng chai chứa đến 100ml và được bán tự do trên thị trường nên bất kỳ ai cũng có thể mua được chúng. Việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng hóa chất độc hại bừa bãi ở nước ta đang gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi đó, tại một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, chỉ những người đã trải qua đào tạo, tập huấn về cách sử dụng an toàn và được cấp chứng chỉ mới được mua bán và sử dụng Paraquat chứ không thể tùy tiện”- TS. Duệ cho biết.
 
Theo các bác sĩ, BN ngộ độc Paraquat nếu không tử vong thì cũng phải chịu đựng những tổn thương gan, thận hết sức nặng nề, đặc biệt là biến chứng xơ phổi. Hiện nay, các phương pháp điều trị được áp dụng là lọc máu hấp phụ độc chất phối hợp uống các thuốc ức chế miễn dịch chống xơ phổi. Tuy nhiên, với những nạn nhân nhập viện muộn, hoặc uống nhiều Paraquat đã ngấm vào các tổ chức, cơ quan của cơ thể thì bệnh tình gần như là vô phương cứu chữa (tỉ lệ tử vong của loại bệnh này vẫn lên tới 80%).
 
Để phòng tránh ngộ độc các loại hóa chất bảo vệ vốn rất độc hại, cần chú ý các khâu dự phòng từ mua bán, đóng chai, cất giữ đến sử dụng: sản phẩm cần có cần nhãn mác ghi rõ các loại hoá chất, độc tính, cách cấp cứu khi nhiễm độc; cất ở nơi riêng biệt có khóa, ngoài tầm với của trẻ... Không được dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng hoá chất bảo vệ thực vật  vì trẻ dễ nhầm đem ra uống.
 
Nông dân khi phun hoá chất cần mang trang phục bảo hộ lao động đầy đủ, không phun xịt hoá chất khi bụng đói, đang yếu trong người hay mới khỏi bệnh; không hút hoá chất lá, ăn, uống khi phun xịt hoá chất; tắm rửa thật sạch bằng xà phòng sau khi phun xịt hoá chất; khi vòi phun bị nghẹt không dùng miệng để hút; nghỉ ngơi xen kẽ trong lúc làm việc, không phun xịt liên tục quá hai giờ.
 
TS. Phạm Duệ cũng khuyến cáo, nếu phát hiện người ngộ độc hoá chất bảo vệ thực vật cần tìm mọi cách để BN nôn ra (như ngoáy họng, móc họng…), cho uống than hoạt sau đó đưa đi cấp cứu tại BV để được các bác sĩ xử lý kịp thời.
 
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin bài liên quan
Loading...