Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10567
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Cựu chiến binh xưa hoá… tân binh nay!
15 tuổi 3 tháng người lính này tình nguyện nhập ngũ, không sao, không gạch, không quân hàm. Nhưng anh vẫn là bộ đội “xịn” và là một trong những chiến sĩ trẻ nhất Trường Sơn…
 
Hà “don” cùng đồng đội “vuốt râu hùm”
 
 
Cuối năm 1967, Bác Hồ kêu gọi cả nước cùng dốc lòng dốc sức đánh Mỹ. Cậu học sinh Nguyễn Thanh Hà người xã Yên Lãng huyện Từ Liêm - nay thuộc phường Láng Thượng quận Đống Đa, Hà Nội cũng xung phong đi đánh Mỹ. Nguyễn Thanh Hà sinh ngày 2/9/1952, đang học học kỳ I lớp 8, trường cấp III Yên Hoà. Khi đi khám sức khoẻ, biết thiếu tuổi, Hà đã khai tăng thêm tuổi; biết thiếu cân, Hà xin từ 38kg lên 41kg, thế là đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, và lúc đó mới 15 tuổi 3 tháng. Sau 3 tháng huấn luyện tại Lạc Thuỷ - Hoà Bình thuộc đơn vị C4 D421 E5 F320B Nguyễn Thanh Hà là binh nhì và là 1 trong 2 chiến sĩ đầu tiên được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hai tháng hành quân Nguyễn Thanh Hà luôn là người trong tốp dẫn đầu dù rằng nhỏ tuổi nhất và nhỏ người nhất. Chính vì thế đồng đội đặt cho cậu học sinh này biệt hiệu “Hà don”. Khi đoàn quân dừng chân tại Khe Sanh (Quảng Trị), Hà được chuyển sang C4 bộ binh BT34 Đoàn 559 là Hạ sĩ, chính thức vào đoàn quân đánh Mỹ tại Trường Sơn.
 
Binh trạm 34 đóng tại ngã ba Là Hạc, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế (xã AVai- A Xo, A Bia thuộc huyện A Lưới) và Huyện Tà Ôi, tỉnh Xavalakhét (Lào). Tại đó, Nguyễn Thanh Hà cùng đồng đội nhận nhiệm vụ chốt các cao điểm 832 (đồi Danh), cao điểm ở độ cao 1232 so với mặt nước biển (bên trên dòng sông Xêpon); đánh biệt kích thám báo, đánh quân đổ bộ và nghi binh. Trong các nhiệm vụ đó, nhiệm vụ nghi binh là nguy hiểm nhất, thường được bộ đội Trường Sơn ví là “vuốt râu hùm”. Bởi lẽ, khi đó những người thực hiện nghi binh tìm cách thu hút hoả lực của địch để giảm bớt những đợt bom phá huỷ của chúng xuống các con đường giao liên, vận tải và các kho tàng dọc Trường Sơn.
 
Ban đầu, Hà “don” cùng đồng đội  dựng những kho giả, trận địa giả và đốt khói. Một vài lần địch ném bom. Nhưng sau khi dùng máy bay thám báo chụp được hình ảnh những nơi đã đánh bom không thấy vết xe đi bọn chúng đã chuyển mục tiêu ném bom. Để tiếp tục thu hút được hoả lực của địch, những người chiến sĩ Trường Sơn đã nghĩ ra một cách: dùng lá cây quạt khói và dùng bánh xe lăn đi lăn lại nơi nghi binh. Kẻ địch lại mắc lừa. Không biết bao nhiêu bom đạn của chúng đã dội xuống mà không thu được lợi ích gì! Chúng đâu ngờ rằng, những người chiến sĩ Trường Sơn ấy tuy mới tuổi mười tám đôi mươi, thậm chí mới quá tuổi 15 vài tháng như Hà “don” nhưng họ có thừa lòng dũng cảm sự gan dạ và thông minh, linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ, tránh được tổn thất, tiếp tục đấu trí với kẻ thù. Ba năm ở chiến trường Trường Sơn, năm nào Hà “don” cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được cấp trên khen thưởng: bằng khen chiến dịch mùa khô 1968-1969, 2 giấy khen mùa mưa 1969 và giấy khen 3 tháng đầu mùa khô 1969-1970. “Lần đầu tiên tôi được chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mình khi hành quân từ Bắc vào, lúc đó tôi 15 tuổi 6 tháng - anh Hà nhớ lại - tôi khá hoang mang… Nhưng trải qua những trận đánh cùng đồng đội sau này, tự nhiên tôi không còn biết sợ là gì. Chẳng phải là được trêu tức giặc Mỹ càng thú vị sao?
 
*Vì sao 15 tuổi tôi đã xung phong đi đánh Mỹ? Câu trả lời thật đơn giản rằng, lúc đó tôi cũng giống như bao thanh niên khác đã hoà vào khí thế của toàn dân tộc trước lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc của Bác Hồ. Chúng tôi đi hăm hở lắm vì một niềm tin vào ngày đất nước thống nhất. Khí thế ấy đã khiến tôi không nhớ rằng lúc đó mình chưa qua tuổi đội và cũng không có giây phút nào nghĩ đến ba mẹ quê nhà. Ngày vào chiến trường, tôi nhận được lá thư của ông chú ruột. Tôi sung sướng và tự hào vô cùng khi đọc những dòng thư: “Những hàng lay ơn Hà Nội nở rộ hôm nay là nhờ có những bước chân của cháu và đồng đội trong chiến trường…Mẹ cháu nhớ thương cháu trong tự hào…”
“Tôi muốn tri ân với đồng đội…”
 
Anh Hà kể: Một đêm cuối năm 1969, tôi đang ngồi trong chiếc hầm chữ A cùng anh em nghe hoạt cảnh chèo “ông Tư Tỏi có máu hàn” thì đồng chí Chính trị viên phó Nguyễn Duy Nghinh nói: “Mày ra ngoài ngồi để anh vào hút điếu thuốc lào”. Tôi bước ra phía ngoài, chưa kịp ngồi xuống thì một trận bom trên cây xuyên xuống  hầm. Ngay chỗ lúc trước tôi ngồi có tiếng rên khe khẽ. Chúng tôi chạy lại. Đồng chí Chính trị viên phó đang ôm đầu gối. Đầu gối của đồng chí ấy nát vụn, máu ròng ròng. Tôi bó chặt phía đùi lại và cùng y tá sơ cứu cho đồng chí ấy.
 
Rồi suốt đêm hôm đó, tôi cùng 2 anh em nữa cõng đồng chí Nghinh về trạm cứu thương của binh trạm. Bác sĩ nói rằng đầu gối của đồng chí ấy đã bị ngoại thư sinh hơi - nhiễm trùng nếu phẫu thuật là chết. Trời sáng, tôi trở lại đơn vị để mang ba lô tới, anh ấy khóc ròng nói: “Anh chết mất. Em lấy quân tư trang của anh mang về mà dùng…” Cũng vì khi đó ở chiến trường rất thiếu thốn nên anh ấy đã đề nghị với tôi như thế. Tôi chỉ cầm con dao găm Mỹ để anh ấy yên lòng…
 
Vừa kể lại cho tôi nghe câu chuyện năm xưa ở chiến trường, ông Hà vừa rớm nước mắt. Ông bảo: “Đấy, sự sống và cái chết nó ngẫu nhiên như thế. Nếu hôm đó đồng chí ấy không đẩy tôi ra ngoài để vào hút điếu thuốc lào thì chắc chắn rằng mảnh bom ấy thuộc về tôi”.
 
Cựu chiến binh xưa hoá… tân binh nay!
 
Tôi tìm đến người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, một người Hà Nội “xịn” đấy và giờ là một chủ doanh nghiệp khá thành đạt. Điều duy nhất tôi cảm nhận được là trong anh vẫn đậm chất người lính: nồng hậu - giản dị. Hiện nay, anh là GĐ Cty TNHH Đồng Hưng. Cty của anh nhiều năm qua vẫn sản xuất giầy bảo hộ lao động cho quân đội, công an. Nhiều năm qua vị GĐ này đã tặng giầy cho các phong trào thể thao thanh thiếu niên từ cấp phường, quận đến cấp quốc gia. Năm ngoái, ở Hà Nội có một nhà hàng mang tên rất đặc biệt “Húng Láng” được khai trương. Người cựu chiến binh này cũng chính là chủ nhà hàng ấy. Nơi đây, không chỉ là nơi giới thiệu các món ăn đặc sản của vùng Hà Nội mà còn có Công ty CP Thương binh đồng đội giúp đỡ những cựu chiến binh và con em của họ công ăn việc làm.
 
Cựu chiến binh Đỗ Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Cty Cp Thương binh Đồng Đội nói: “Trong cuộc sống, có nhiều cựu chiến binh rất thành đạt và giàu có nhưng không phải ai cũng có cái nhìn trân trọng về quá khứ. Nhưng đối với Nguyễn Thanh Hà thì rõ ràng anh ấy là một cựu chiến binh giỏi về kinh doanh và tâm huyết với đồng đội. Khi chúng tôi thành lập Cty cổ phần thương binh đồng đội thì anh ấy đã trực tiếp giúp đỡ mở phòng Đồng đội tại nhà hàng Húng Láng để anh em gặp gỡ những ngày truyền thống. Ngoài ra, anh Hà còn nhượng lại cho chúng tôi một văn phòng có mặt tiền đẹp trên đường Láng và trợ giúp một phần  nhỏ tài chính để chúng tôi mở đại lý giao dịch dịch vụ viễn thông Viettel, tạo công ăn việc làm cho thương bệnh binh và con em của thương bệnh binh”.
 
Khi hỏi anh Hà về điều gì đã hối thúc để có được những thành công trong cuộc sống hôm nay, anh cười rồi trầm trầm đọc: “Thuở ấy tân binh không biết mặt quân hàm/ Trang phục rộng thùng thình ngoại cỡ/ Chiếc thắt lưng nhiều khi khốn khổ/ Tội nghiệp bàn chân đánh vật với đôi giày… Đất nước hôm nay hát khúc thanh bình/ Cựu chiến binh trước thời mở cửa/ Đổi mới thương trường bao điều bỡ ngỡ/ Khiến một lần ta lại hoá tân binh”.
 
Giờ đây, khi tóc đã hoa râm, nhưng vào mỗi dịp 19/5 anh Hà lại trở về chiến trường xưa, nơi ông đã chiến đấu khi tuổi mới 15. Năm ngoái, nhân dịp 30/4, ông cùng những người bạn năm xưa ở tổ 3 người của mình về nghĩa trang Trường Sơn tìm lại được mộ phần của 7 đồng đội. Nhất là ông Hà đã trở về vùng đất A Lưới- nơi ông đã từng đóng quân, từng bị nhiễm chất độc da cam (trên 60 %), sau này đã để lại di chứng ở người con gái út của ông. Cũng trong chuyến đi này, các em học sinh trườngTH CS Lương Thế Vinh (Thành Cổ Quảng Trị) đã nhận được 500 đôi giày từ người cựu chiến binh này mà không biết tên, biết mặt… Thầy giáo Nguyễn Viết Lăng- Giảng viên trường Đại học Thuỷ Lợi- tác giả của ca khúc “Mãi mãi tuổi hai mươi” thì kể: “Chính tôi là người đã vận chuyển 500 đôi giày và thay mặt ông Hà ký nhận với ban tổ chức. Lúc đó tôi không biết ông Hà là ai vì ông ấy tặng giầy cho các em học sinh mà có nói gì về mình đâu. Tôi vừa ngạc nhiên và cảm phục về tấm lòng của ông ấy”.
 
Vậy đấy, từ tuổi thanh thiếu niên - 15 cho đến tuổi hoa niên - 55, người chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thanh Hà vẫn lặng thầm góp sức nhỏ bé của mình cho Tổ quốc thân yêu.
 
*Thiếu tướng Võ Sở - Nguyên Chính uỷ Sư đoàn, phó chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn; Trưởng ban liên lạc toàn quốc bộ đội Trường Sơn: “Sau khi hoà bình lập lại, từ năm 1967, chúng ta bắt đầu tuyển bộ đội nghĩa vụ quân sự, theo quy định là 18 tuổi trở lên. Nhưng vào thời điểm chiến tranh ác liệt, những năm 1968-1973, có rất nhiều thanh thiếu niên ở mọi vùng miền Tổ quốc đã xung phong đi đánh Mỹ khi tuổi mới 17, 18 thậm chí có một số người mới qua tuổi 15, 16. Thực là ở tuổi 15,16,17 những chiến sĩ bộ đội đó còn rất trẻ nhưng họ chiến đấu rất dũng cảm. Cũng bởi vì ở thời điểm đó công tác giáo dục về lòng yêu nước cũng như trách nhiệm của thanh niên với non song đất nước được các nhà trường thực hiện rất tốt. Khi có lời hiệu triệu của Bác Hồ thì dù đang ngồi trên ghế các trường phổ thông nhưng có người đã viết huyết thư, xung phong “xếp bút nghiên” để vào chiến trường đánh Mỹ…”
 
Phạm Hồng Thinh (TT & VH)
ANHTHU
Tin bài liên quan
Loading...