Đắk Lắk: Có hay không sự “chống lưng” của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp khai thác cát trái phép? (Bài 3)
Trước những sai phạm của một số doanh nghiệp khai thác cát trái phép tại chân cầu Giang Sơn (tỉnh Đắk Lắk), phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm lời giải đáp. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng lại cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và trả lời một cách bâng quơ, không mang tính thuyết phục, nhiều biểu hiện tiếp tay cho “cát tặc” ngang nhiên lộng hành.
Toàn cảnh bãi tập kết cát dưới chân cầu Giang Sơn
Nhiều biểu hiện tiếp tay?
Như PV Môi trường & Cuộc sống đã phản ánh qua 2 bài viết về những sai phạm của một số doanh nghiệp khai thác cát tại chân cầu Giang Sơn thuộc hai huyện Cư Kuin và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Và tình trạng này diễn ra trong thời gian dài làm dòng sông Krông Ana không ngừng “chảy máu”, nguy cơ sạt lở, sụt lún đe dọa đời sống người dân. Mặc dù những thông tin mà PV phản ánh đều rất chân thực, rõ ràng nhưng các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ và lựa chọn “im lặng là vàng”.
Phóng viên đã có buổi làm việc với Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, đại diện làm việc là ông Nguyễn Văn Thiềm – Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản của Sở TN&MT cho biết: Vấn đề thứ nhất về tình trạng trao đổi đất sai mục đích của các doanh nghiệp mà báo đã phản ánh đúng sự thật, việc mua bán đất là không cấm, nhưng không được phép sử dụng vào cho bãi tập kết cát.
Tàu, bè tập kết cát trên dòng sông Krông Ana
Khi phóng viên đưa ra những hình ảnh của các bãi tập kết cát cao như núi tại bến cát Giang Sơn thì ông Thiềm lý giải rằng, biết doanh nghiệp sai phạm nhưng đang trong thời gian chờ quy hoạch, nên không xử lý được. Qua những gì mà ông Thiềm nói, rõ ràng là đang có sự đồng thuận của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp khai thác, tập kết cát trái phép?
Cũng vấn đề này, đại diện Sở TN&MT cho biết thêm, các bến bãi do bốn doanh nghiệp khai thác cát tại bến đò Giang Sơn, Sở cũng chỉ nắm được trên giấy tờ mà thôi, còn thực tế thì không nắm rõ cụ thể diện tích thực của nó.
Không giấy phép vẫn vô tư khai thác cát
Qua tìm hiểu của PV, doanh nghiệp khai thác cát hoạt động trên địa bàn huyện Cư Kuin có hai đơn vị, đó là Công ty Tây Nguyên và HTX Giang Sơn, hai doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động khai thác cát. Tuy nhiên, những gì mà hai đơn vị này hoạt động lại khác đi so với việc được cấp phép. Còn về phần bến bãi tập kết thì hầu như không có đơn vị nào được cấp phép bến bãi. Cũng theo ông Nguyên Văn Thiềm, trước đây có cấp phép cho Công ty Tây Nguyên nhưng đã thu hồi giấy phép vì lí do nằm sát chân cầu, còn các đơn vị khác thì chưa cấp.
Ông Nguyễn Văn Thiềm – Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản của Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk
Tiếp đó, PV đặt vấn đề liên quan tới hai đơn vị đang khai thác cát rầm rộ tại địa bàn huyện Krông Bông, đó là Công ty Hưng Vũ và HTX Nam Sơn, điều đáng nói ở đây là đơn vị HTX Nam sơn hoàn toàn không có giấy phép hoạt động. Trả lời về vấn đề này, ông Thiềm khẳng định: Nếu thời gian tới đơn vị này không làm được thủ tục thì Sở sẽ yêu cầu dừng hoạt động. Nhưng cụ thể thời gian là bao giờ thì ông Thiềm không nói rõ. Điều này đặt ra nghi vấn về chất lượng quản lý trong bộ máy hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh còn yếu kém dẫn đến “cát tặc” ngang nhiên hoành hành.
Tiếp tục thâm nhập “thủ phủ” bến cát và thực tế ghi nhận được, các bãi tập kết tràn lan chủ yếu vẫn gần chân cầu, sát bờ sông, các thửa đất nông nghiệp dùng làm bến cát trải dài thành từng “núi” cát, tàu ra vào tấp nập. Theo thực tế ghi nhận tại cơ quan quản lý thì số lượng đăng kí của 3 doanh nghiệp là 14 tàu, nhưng thời điểm mà PV có mặt tại hiện trường thì số lượng chỉ tính sơ sơ cũng khoảng trên 30 tàu đang có mặt trên khu vực hút cát. Đặc biệt tàu không có số hiệu tràn lan dọc bờ sông, vậy thì đây có phải khai thác cát trái phép hay không? Đơn vị nào quản lí số tàu này?
Nếu tính công suất khai thác của số tàu đăng kí, vậy có đủ cung cầu hay không? Rõ ràng ở đây “cát tặc” đang lộng hành, nhưng các cơ quan ban ngành đang cố tình làm ngơ để cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động bất hợp pháp?
Quyết định khai thác cát của doanh nghiệp
Tiếp xúc với anh T. và chị H. là công nhân đang bơm cát, trên người họ mặc trang phục bình thường, không có dụng cụ bảo hộ lao động theo quy định. Anh T. cho biết, anh là người làm thuê ở đây, chủ của anh mua tàu riêng và tự đi khai thác cát đem bán chứ không thuộc doanh nghiệp nào cả.
Tiếp cận với một xe tải có trọng tải lớn đang chờ đến lượt xuống bãi bốc cát, a Kh. cho biết, cát ở đây rất nhiều, lượng xe ra vào đông đúc, trong quá trình lấy cát không có trục trặc gì, bởi các doanh nghiệp đã lo từ A tới Z, chúng tôi chỉ biết bốc cát trả tiền rồi đi.
Thực tế “cát tặc” ngang nhiên hoạt động với cường độ và công suất lớn, nhưng khi được hỏi về nhiệm vụ cũng như biện pháp áp dụng cho các doanh nghiệp này, ông Thiềm cũng chỉ trả lời: Thời gian tới Sở sẽ làm mạnh tay với sai phạm của các doanh nghiệp và cá nhân khai thác cát tại bến đò Giang Sơn. Nhưng lời hứa hẹn “thời gian tới” của cơ quan chức năng vẫn chưa cụ thể là khi nào.
Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những sai phạm và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đến đâu khi mà nạn “cát tặc” gia tăng nhanh chóng.
Trần Thọ