Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10552
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Đàm phán TPP sẽ xong trong năm nay
Mỹ và 11 nước tham gia đàm phán TPP khác còn bất đồng về thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới
 
 

 
Bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở TP Atlanta - Mỹ đã quyết định tiếp tục kéo dài hội nghị thêm 1 ngày, tức đến ngày 4-10 (giờ địa phương).
 
Điều này thể hiện quyết tâm hoàn tất tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này trong năm nay. Tuy nhiên, 2 trở ngại lớn nhất đang ngăn cản các nước sớm tiến tới thỏa thuận cuối cùng là vấn đề mở cửa thị trường đối với các sản phẩm sữa từ New Zealand và Úc - được đánh giá là thách thức đặc biệt nhạy cảm đối với Canada - cũng như thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.
 
Trong đó, bất đồng giữa Mỹ và 11 nước còn lại về vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược đang là rào cản lớn nhất. Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố: “Tôi bảo đảm với mọi người rằng chúng ta sẽ chỉ ký kết thỏa thuận có lợi nhất cho đất nước chúng ta”.
 
 
 

Bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán TPP tiếp tục kéo dài hội nghị đến ngày 4-10 (giờ Mỹ) Ảnh: REUTERS
 
 
11 nước đối tác của Mỹ kiên quyết phản đối thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới kéo dài hơn 5 năm. Trong khi đó, Mỹ lại muốn khoảng thời gian này là 12 năm.
 
Trong nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp, Washington chấp nhận giảm xuống còn 8 năm nhưng vẫn vấp phải sự phản đối, nhất là từ Úc, New Zealand và Chile. Các nước cho rằng thời gian bảo hộ lao động do Washington đưa ra sẽ chỉ giúp các hãng dược Mỹ tiếp tục độc quyền các sản phẩm sinh dược đắt tiền, cản trở các quốc gia khác sản xuất những sản phẩm tương tự nhưng giá thành thấp hơn.
 
 
Thế nhưng, theo báo The Guardian hôm 4-10, Bộ trưởng Bộ Thương mại Úc Andrew Robb cho biết Úc và Mỹ đang thu hẹp dần khoảng cách về vấn đề này.
 
Trong lúc cuộc đàm phán TPP đang diễn ra ở Atlanta, nhiều cuộc phản đối ở bên ngoài hội nghị tập trung vào vấn đề sinh dược và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức y tế toàn cầu, chẳng hạn như tổ chức Bác sĩ Không biên giới. Những người chỉ trích TPP lâu nay vẫn chĩa mũi dùi vào lời kêu gọi kéo dài bảo hộ quyền sáng chế của phía Mỹ, đồng thời nhấn mạnh điều đó sẽ dẫn đến hậu quả là giá thuốc cao hơn và các nhà bào chế dược được hưởng lợi trong khi các chương trình y tế công cộng bị tổn hại.
 
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch kêu gọi nhóm đàm phán Mỹ không nên vội vã khép lại đàm phán nếu như không đạt được kết quả tốt nhất cho nước Mỹ.
 
Cuộc đàm phán TPP nếu thành công sẽ dẫn đến sự ra đời của khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.
 
Giới phân tích nhận định trong trường hợp bộ trưởng thương mại các nước tham gia đàm phán TPP gồm Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ không đạt được thỏa thuận cuối cùng tại Atlanta, tiến trình đàm phán TPP vẫn có thể được hoàn tất trong năm nay khi các nhà đàm phán gặp lại nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới ở Philippines.
 
NGÔ SINH
Tin bài liên quan
Loading...