Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10514
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Đầu trần, chân đất ở “thủ phủ” Quỳ Hợp
Rong ruổi khắp các khu mỏ huyện Quỳ Hợp, điều chúng tôi thấy không phải là những viên đá quý màu hồng, mà là màu xám của những công nhân khai thác...


Dưới những hầm sâu

Con người, ai cũng đều sợ chết, nhất là những cái chết được dự báo trước. Thế nhưng, hầu hết những công nhân ở vùng mỏ Quỳ Hợp (Nghệ An) lại xem thường và đánh cược tính mạng của mình với thần chết dưới những căn hầm sâu hoắm được họ đào bới để khai thác quặng thiếc.

Những ngày đầu tháng 9, mưa như thối đất ở mỏ Suối Bắc (xã Châu Thành). Anh Đ, một công nhân lâu năm trên vùng đất Suối Bắc, người ở xã Châu Hồng dẫn tôi lên làm quen với người quản lý tên H của mỏ quặng do một cá nhân người địa phương thầu lại một mỏ quặng thiếc còn phép hoạt động.

Sau những thăm dò ban đầu, người quản lý có vẻ tin tưởng với vốn kiến thức kha khá của tôi về quặng thiếc mới học được từ anh công nhân lành nghề tên Đ. "Nếu mày muốn vào chỗ bọn tao làm việc thì cứ ở lại đây rồi chui hang xem thế nào. Nếu thấy làm được thì làm, tùy theo năng lực của mày mà bọn tao sẽ trả công xứng đáng", ông H tỏ ra khá thiện cảm nói.

Sau bữa cơm chiều với rau muống và mấy miếng cá mắm kho, nghỉ ngơi chừng 30 phút, tôi cùng một nhóm bốn công nhân khác bắt đầu vào công việc. "Anh đi phải hết sức cẩn thận kẻo lạc đường, phải bám sát vào anh em không trong hầm rất tối và sâu, lại có nhiều nhánh khác nhau, lạc coi như toi mạng đấy!", anh bạn dặn dò.

 

Đầu trần, chân đất đào quặng dưới những căn hầm tối om, thiếu an toàn
Mới thoạt nhìn cửa hang tôi đã khẽ giật mình! Một cái hang sâu hoắm, tối om được đào có lẽ đã khá lâu, thế nhưng nhìn kỹ chỉ có mấy cái cột bằng gỗ được chống sơ sài. Trong ánh đèn pin yếu ớt, cả nhóm chúng tôi với cuốc, xẻng cùng nhiều dụng cụ khai thác quặng khác bắt đầu hành trình chui hang.

 

Trong hang sâu ớn lạnh, chúng tôi vào đến khu vực cần đào đất cũng mất hơn 15 phút. Khu vực đang khai thác là một vùng được đào khá rộng, khoảng hơn chục mét vuông với chiều cao nhỉnh hơn đầu người. Ở khu vực làm việc, có máy nổ, cuốc, xẻng cùng một số dụng cụ và rất nhiều bao tải, xe chở đất lên cửa hang.

"Bình thường thì chỉ đào đất bằng cuốc, xẻng, chỉ đến khi gặp đá hoặc khu vực nào khó đào thì mới khoan nổ mìn. Hôm nay may cho anh đấy vì chưa gặp lúc phải nổ mìn. Nổ mìn thì nguy hiểm lắm!", Đ vỗ vai tôi nói.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ làm việc cật lực, cả nhóm chúng tôi đào được hơn 30 bao đất để đưa lên cửa hang cho tốp khác tiếp công đoạn đãi. Mệt lử, cả nhóm ngồi nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục công đoạn vận chuyển bằng xe lên cửa hang. Hơn 30 phút sau, công việc buổi tối của cả nhóm hoàn thành. Người quản lý có vẻ khá hài lòng với "chiến lợi phẩm" của nhóm tối hôm đó...

 

Công nhân của Công ty Cường Thọ chỉ mặc... quần đùi để làm việc.
An toàn là xa xỉ

 

Rong ruổi khắp các vùng mỏ Quỳ Hợp, điều mà tôi ghi nhận được không chỉ là những căn hầm sâu hoắm, tối om ở những đồi quặng thiếc mà còn là bạt ngàn những mỏ đá trắng cao vút, chênh vênh trên các triền núi. Những công nhân đầu trần, chân đất đang đánh đu trên những vách đá cheo leo, thẳng đứng.

Mỏ đá của Công ty Á Châu nằm gần núi Phá Lốm, xã Châu Tiến là một mỏ lớn. Được biết đơn vị này trước đây được cơ quan chức năng cấp phép thăm dò đá, nhưng sau khi hết hạn không hiểu vì lý do gì mà đơn vị này chưa được cấp lại.

Thế nhưng, Công ty Á Châu vẫn khai thác đá một cách bình thường. Chưa nói đến chuyện giấy phép của đơn vị này, chúng tôi vào khu mỏ trên để tìm hiểu về vấn đề an toàn lao động của công nhân khai thác đá.

Hàng chục công nhân đang hì hụi làm việc dưới chân lèn núi, kẻ dùng búa đập đá, người gom đá, người lái máy múc từng xấp đá lên xe để chở đi. Dưới cái nắng gay gắt nhưng tuyệt nhiên anh nào cũng đầu trần, chân đất, có công nhân chỉ mặc quần đùi làm việc quần quật.

"Trước đây công ty cũng có phát bảo hộ lao động nhưng thấy công nhân ít sử dụng đến, ai cũng chê nóng, vướng víu nên sau họ chẳng phát nữa. Chỉ khi có đoàn kiểm tra về an toàn lao động thì ai cũng mới miễn cưỡng với những dụng cụ bảo hộ cần thiết cho có lệ”, một công nhân quê ở Quỳnh Lưu cho hay.

Hiện nay, huyện Quỳ Hợp có hàng chục mỏ đá đang hoạt động, thế nhưng trong quá trình "mục sở thị” chúng tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay số công nhân có dụng cụ bảo hộ lao động cũng như môi trường làm việc an toàn.

Những mỏ đá là vậy, các xưởng chế biến đá cũng luôn xem nhẹ vấn đề bảo hộ lao động. Dường như bảo hộ lao động là thứ gì đó quá xa xỉ đối với hàng trăm công nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Khai thác quặng thiếc dưới căn hầm sâu hàng chục mét tại Suối Bắc.
Có dịp vào xưởng chế biến đá của Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên Hợp (ở Cụm công nghiệp nhỏ Châu Quang), chúng tôi ghi nhận được cảnh tượng hàng chục công nhân làm việc mà không hề mang bảo hộ lao động. Thậm chí, có công nhân còn mặc quần đùi khi cưa xẻ đá cũng như bốc đá hộc lên ô tô.

 

Một công nhân đang cởi trần cưa đá xoèn xoẹt, cười trừ: "Em làm việc ở đây đã 3 năm nay rồi, có bao giờ mang bảo hộ lao động gì đâu!". Tạt qua hàng chục xưởng chế biến đá khác của một số đơn vị như HTX Thành Công, Công ty Thành Trung... hầu hết công nhân của những đơn vị này đều nói không với bảo hộ lao động và dường như những người chủ của các xưởng khai thác, chế biến đá này cũng không hề quan tâm đến vấn đề an toàn lao động.

Theo một số người am hiểu về nghề khai thác, chế biến đá thì việc không mang bảo hộ lao động như ủng, găng tay, quần áo chuyên dụng, khẩu trang, kính mắt khi tham gia vào công việc khai thác, chế biến đá sẽ rất nguy hiểm.

Ngoài nguy cơ bị tai nạn như gãy chân, tay... thì việc không mang bảo hộ lao động sẽ còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về lâu dài như các bệnh về hô hấp, bệnh về mắt...

Và, với những gì chúng tôi ghi nhận được khi đi thực tế tại các vùng mỏ, khu chế biến đá ở Quỳ Hợp thì dường như vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động đang bị các doanh nghiệp, cơ quan chức năng lẫn người lao động xem nhẹ, điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường có thể đe dọa đến tính mạng của công nhân lao động trực tiếp. Lợi nhuận đương nhiên doanh nghiệp hưởng, còn phần thiệt không phải ai khác chính là người lao động.

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Tin bài liên quan
Loading...