Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10523
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Đầu tư lâu dài mới thu được quả ngọt
Khoa học là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, có sự đầu tư lâu dài mới có thể thu được quả ngọt. Ý kiến này của một tiến sĩ trẻ, đã nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học tham gia sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các nhà khoa học trẻ, được Bộ KH&CN tổ chức mới đây.
 
Không chỉ tính lợi ích trước mắt
 
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước CN theo hướng HĐ vào năm 2020, và đích này đang đến gần. Để đạt mục tiêu, KH&CN phải được đặt ở vị trí xứng tầm, phải được đầu tư tương xứng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước tính trên GDP của Việt Nam là 0,5%, không thấp so với thế giới nhưng mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho KH&CN hằng năm vẫn dưới 1% GDP, chưa bằng một nửa mức đầu tư của Trung Quốc và cũng chưa bằng 1/4 mức đầu tư của Hàn Quốc. 
 
Trên thực tế, dù mức đầu tư của xã hội còn hạn chế nhưng đã có những doanh nghiệp mạnh dạn dành những khoản kinh phí không nhỏ cho KH&CN và hiệu quả thu được rất ấn tượng. Trong số này, phải kể đến Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình hay Công ty CP Bkav... Việc Bkav đầu tư 20 triệu USD cho sản phẩm Bphone là một minh chứng rõ nét về tinh thần "dám mạo hiểm", "dám cạnh tranh" với những ông lớn trong làng di động của Bkav. Tính mạo hiểm là một đặc trưng cơ bản của đầu tư cho KH&CN, ngoài ra còn có tính trễ và tính "tới ngưỡng". Đầu tư cho KH&CN có tính trễ bởi nghiên cứu hôm nay nhưng nhiều khi vài năm sau, thậm chí vài chục năm sau mới có cách ứng dụng hiệu quả. 
 
 


Đầu tư hiệu quả vào khoa học và công nghệ sẽ tạo cộng hưởng, giúp Việt Nam phát triển công nghệ cao làm đầu tàu kinh tế. Ảnh: gia hiếu
 
 
Theo TS Nguyễn Quang Hưng, ĐH Tân Tạo, thực tế qua hàng trăm năm phát triển của nhân loại đã cho thấy, rất nhiều thành tựu khoa học mà chúng ta được hưởng thụ ngày nay như điện, điện thoại, internet… đều xuất phát từ những phát minh mà mục đích ban đầu chỉ xuất phát từ sự tò mò muốn tìm hiểu, khám phá các hiện tượng thiên nhiên của các nhà khoa học, sau này được gọi là nghiên cứu cơ bản. Tuy phải mất nhiều thời gian mới nhận thấy được giá trị thực tế của những nghiên cứu này nhưng khi đã được khám phá, giá trị về mặt kinh tế, khoa học hay xã hội của chúng là vô hạn.
 
Đó là những nhận định về tình hình đầu tư cho KH&CN hiện nay và được các nhà khoa học trẻ bàn luận sôi nổi trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu được Bộ KH&CN tổ chức mới đây. 
 
Nhà đầu tư cần tin tưởng nhà khoa học
 
Chia sẻ về việc đầu tư cho khoa học, TS Phạm Văn Phúc, Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc thuộc ĐH TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Nếu nói chúng ta nghèo, không có tiền đầu tư cho khoa học thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giàu được. Theo TS Phạm Văn Phúc, đầu tư vào KH&CN hiện nay mang tính mạo hiểm cao, giá trị thặng dư của nghiên cứu khoa học khác với các hoạt động kinh tế và không thể lấy cách tính toán của một hoạt động đầu tư kinh tế để so sánh với khoa học. "Có một thực tế hiện nay là nhiều nhà đầu tư không thực sự tin tưởng vào các nhà khoa học. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà khoa học không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và kết quả là người làm khoa học không có được nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư. Từ đó tạo ra một sự luẩn quẩn và không có phương án giải quyết" - TS Phạm Văn Phúc quả quyết.
 
Cũng nhận định về chính sách đầu tư cho KH&CN hiện nay, anh Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty CP VP9 Việt Nam tin rằng: Nếu Nhà nước tận dụng "khí thế đang lên", đầu tư hiệu quả vào KH&CN thì sẽ tạo thành hiệu ứng cộng hưởng, giúp Việt Nam phát triển công nghệ cao, làm đầu tàu phát triển kinh tế, thay thế cho sự phụ thuộc chủ yếu vào khoáng sản, nguyên liệu thô, lao động giá rẻ.
 
Còn với lĩnh vực quốc phòng, ThS Nguyễn Hanh Hoàn, Viện Tên lửa, Viện KH&CN quân sự, cũng cho rằng, KH&CN quân sự đã trở thành lực lượng chiến đấu trực tiếp nên rất cần nguồn đầu tư thích đáng. Theo ThS Hoàn, cần tăng cường đầu tư cho con người và tăng đãi ngộ với người tài, đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật công nghệ nhằm tạo cú hích cho ngành phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Muốn KH&CN thực sự là động lực then chốt giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững, KH&CN phải được nhìn nhận đúng với bản chất, vai trò của nó. Một khi xã hội và các cấp chính quyền nhận thức đúng, một khi các nhà đầu tư đặt niềm tin vào các nhà khoa học, KH&CN sẽ có nguồn đầu tư thích đáng cả về lượng lẫn về chất. 
Tin bài liên quan
Loading...