Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10741
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Đẩy mạnh công tác Bảo hộ lao động là thiết thực chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động
Năm 2012 đã qua đi với nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, hàng tồn kho lớn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc phải ngừng hoạt động tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập và các hoạt động cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Tình hình tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố thời gian qua còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Do vậy việc đẩy mạnh hơn nữa công tác ATVSLĐ của các cấp công đoàn Thủ đô trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng và cần được quan tâm.
 

Thành phố Hà Nội với diện tích tự nhiên trên 3300 km, là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, gồm 10 quận; 19 huyện, thị xã; dân số xấp xỉ 6,7 triệu người. Liên đoàn Lao động thành phố hiện đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động 47 LĐLĐ quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ Tổng công ty với trên 6100 CĐCS trực thuộc. Xác định được trách nhiệm của mình trong công tác bảo hộ lao động (BHLĐ), với quan điểm thực hiện tốt công tác BHLĐ chính là thiết thực góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, trong thời gian qua với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ công đoàn và công nhân viên chức lao động, công tác BHLĐ của tổ chức công đoàn Thủ đô đã đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về ATVSLĐ được đổi mới; công tác kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật BHLĐ của tổ chức công đoàn được tăng cường; phong trào thi đua về BHLĐ, mà nòng cốt là phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” tiếp tục được duy trì và nâng cao; vai trò đại diện, chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong công tác ATVSLĐ được các cấp công đoàn thực hiện tốt, tạo sự tin tưởng của CNVCLĐ đối với tổ chức công đoàn.

Hàng năm, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo tổ chức các hội thi ATVSV giỏi cấp cơ sở và cấp trên cơ sở; in ấn phát hành hàng chục nghìn ấn phẩm, tài liệu, tranh tuyên truyền đến tận tay người lao động; mở các lớp tập huấn về BHLĐ cho đội ngũ cán bộ công đoàn và mạng lưới an toàn vệ sinh viên cơ sở. Báo Lao động Thủ đô cũng đã tổ chức các cuộc thi trực tiếp và trực tuyến trên Báo điện tử Lao động thủ đô online về công tác ATVSLĐ, thu hút được trên 30.000 người truy cập. Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN do Chính phủ phát động hàng năm được LĐLĐ Thành phố phối hợp với các sở ngành tổ chức có hiệu quả. Mạng lưới ATVSV với trên 32.000 người, do tổ chức công đoàn chỉ đạo hoạt động đã trở thành lực lượng nòng cốt làm công tác BHLĐ tại cơ sở. Nhiều hình thức thi đua khen thưởng mới về BHLĐ được các CĐCS tổ chức triển khai áp dụng bước đầu đã cho những kết quả, như phong trào  ”5S”, chương trình “1000 giờ an toàn”, phong trào “Đưa tai nạn về không”, thi đua giành “phần thưởng tháng, quý về ATVSLĐ”, “xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc”. Năm 2012 có trên 400 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành được LĐLĐ Thành phố và công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức. Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích Thành phố, Liên đoàn lao động đã tích cực phối hợp với các sở, ngành Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch phòng chống tai nạn trong lao động trong sản xuất, tham gia điều tra kết luận các vụ tai nạn lao động chết người, đảm bảo chế độ chính sách đối gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. Hàng năm, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố cũng đã tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà động viên cho 30 đến 40 trường hợp không may bị TNLĐ, mỗi suất quà trị giá từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, điều đó thể hiện sự quan tâm của tổ chức công đoàn đối với người lao động.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được nêu trên, thì hoạt động của công đoàn Thủ đô trong công tác BHLĐ trong thời gian qua cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục, giải quyết. Đó là một số cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách của công đoàn các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ; công tác tuyên truyền giáo dục ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; nội dung chậm được đổi mới, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên về lĩnh vực ATVSLĐ còn ít, trình độ còn yếu. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên cơ sở tuy đông nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng, song năm 2012, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số tai nạn lao động cao nhất nước, với 152 vụ, trong đó TNLĐ chết người là 31 vụ làm 37 người chết. Nguyên nhân của tai nạn chủ yếu xuất phát từ việc vi phạm các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của người sử dụng lao động và người lao động. Tình trạng che dấu tai nạn lao động vẫn diễn ra khá phổ biến, hàng năm chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về BHLĐ. Các tai nạn lao động xảy ra ở doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất cá thể, hợp tác xã, làng nghề hầu như chưa thống kê được nên số liệu được công bố phản ánh chưa đúng tình hình TNLĐ diễn ra trên thực tế, thậm chí mét sè nhà chuyên môn còn cho rằng TNLĐ trên thực tế phải cao hơn gấp hàng chục lần con số báo cáo.  

Một khó khăn bất cập nữa trong công tác ATVSLĐ hiện nay chính là Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực ATVSLĐ của các cơ quan nhà nước còn chưa nghiêm. Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để “được” nộp phạt, nên tình trạng vi phạm pháp luật BHLĐ còn diễn ra nhiều. Đội ngũ Thanh tra Nhà nước về ATVSLĐ còn thiếu, một số yếu về chuyên môn. Chức năng quản lý nhà nước giữa Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan còn chồng chéo và bộc lộ nhiều bất cập. Hệ thống các văn bản dưới luật còn thiếu đồng bộ và khó đi vào thực tế.
Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ, nên điều kiện làm việc của người lao động chậm được cải thiện. Máy móc thiết bị lạc hậu, mặt bằng nhà xưởng chật hẹp, tạm bợ, thiếu ánh sáng. Lực lượng cán bộ làm công tác BHLĐ tại cơ sở chưa phát huy hiệu quả, các chế độ chính sách đối với người lao động còn bị vi phạm nhiều. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động khi bị TNLĐ. Trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tác phong công nghiệp của một bộ phận người lao động chưa cao, còn có hiện tượng làm bừa làm ẩu, vi phạm các quy định về ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, lực lượng lao động chủ yếu là lao động nông nhàn từ vùng sâu vùng xa được các “cai đầu dài” đưa về Hà Nội làm việc. Năng lực nhà thầu kém, chủ đầu tư, tư vấn giám sát thiếu quan tâm nên tình hình TNLĐ trong xây dựng luôn tăng cao, chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số vụ.

Với thực tế trên, để đạt được mục tiêu là hạn chế tới mức thấp nhất các vụ TNLĐ, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp xảy ra đòi hởi sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành, trong đó tổ chức Công đoàn đóng vai trò quan trọng. Luật lao động, Luật công đoàn sửa đổi và sắp tới là Luật ATVSLĐ dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2014 sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức công đoàn phát huy vai trò của mình. Vấn đề đặt ra là cần sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.

Vì vậy, trong thời gian tới LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tập trung hơn nữa vào việc kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác BHLĐ của tổ chức công đoàn, đây là nhiệm vụ quan trọng và mang tính quyết định. Đồng thời sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cách tiếp cận cho phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, tránh những nội dung tuyên truyền mang tính duy ý chí, thiếu thực tiễn.
Về công tác kiểm tra giám sát pháp luật ATVSLĐ cũng sẽ được LĐLĐ Thành phố quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới. Các cấp công đoàn Thành phố cần chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp, thành lập các Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về lĩnh vực ATVSLĐ của doanh nghiệp. Kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thậm chí  Công đoàn có thể đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra tòa án nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của Luật công đoàn sửa đổi. Tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, chiều sâu của các phong  trào thi đua về BHLĐ, trong đó trọng tâm là phong trào “Xanh- sạch- đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”. Cần có cơ chế khuyến khích CNVCLĐ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm đến những cải tiến ít tốn kém vì nó sẽ phù hợp hơn với phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực tài chính không mạnh. Về hoạt động của mạng lưới An toàn vệ sinh viên cơ sở cần phải được nâng cao về chất lượng, tránh tình trạng thành lập ra nhưng không hoạt động. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi, song cần có sự đổi mới mạnh mẽ về hình thức cũng như nội dung để thu hút đông đảo quần chúng CNVCLĐ tham gia. Phát động và tổ chức tốt các hoạt động xã hội từ thiện thăm hỏi, giúp đỡ những nạn nhân không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.  

Các Công đoàn cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với Người sử dụng lao động trong việc tuyên truyền vận động giáo dục người lao động tự giác chấp hành các quy định, nội quy về ATVSLĐ của doanh nghiệp; tham gia xây dựng ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động. Thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong công tác ATVSLĐ tại cơ sở.

Đối với cơ quan Nhà nước, cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ. Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra lao động các cấp. Sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về ATVSLĐ cho đồng bộ và phù hợp với thực tiễn đời sống, kinh tế, xã hội hiện nay. Huy động sức mạnh của các cơ quan truyền thông báo chí tham gia vào các hoạt động tuyên truyền đưa tin về công tác BHLĐ. Công bố công khai những đơn vị vi phạm pháp luật ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo áp lực xã hội buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình.

Phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục những tồn tại hạn chế, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn và đông đảo CNVCLĐ, chắc chắn rằng công tác BHLĐ của tổ chức công đoàn Thủ đô sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn, góp phần hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ xảy ra, bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho người lao động. Xin  kết thúc bài viết này bằng một câu nói giản dị của Bác: “Thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ phải đi đôi với đảm bảo an toàn lao động, phải biết quý trọng con người”.
                                                   
   Đồng chí Trần Văn Thực
                                             UV ĐCT Tổng LĐLĐVN, UV Ban Thường vụ Thành ủy
                                                                 Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội
Tin bài liên quan
Loading...