Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10716
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Điện ở huyện “trăm nghề”
Thanh Oai là huyện đồng bằng, nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, có nhiều làng nghề truyền thống, có nhiều doanh nghiệp, các điểm công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động trên địa bàn. 
 
Quy hoạch phát triển điện lực huyện với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của quận; kết cấu lưới điện được xây dựng đảm bảo độ tin cậy, cung cấp điện ổn định, chất lượng theo nhu cầu của từng loại hộ phụ tải được triển khai từng bước đã tạo điều kiện cho phát triển làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động, phát triển kinh tế và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

 
Làng trăm nghề
 
Mặc dù xác định nền kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nhưng cùng với việc khơi dậy tiềm năng vốn có của quê hương đất huyện trăm nghề, Thanh Oai vẫn định hướng, khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống phát triển. Công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo truyền nghề được đẩy mạnh nhằm cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề và tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân; tạo việc làm ổn định và nâng cao năng suất lao động cho một số lượng lớn người lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
 
Với tiềm năng của “đất trăm nghề”, Thanh Oai xác định phải tập trung xây dựng các làng nghề bằng cách phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, đặc biệt là ở những xã thuần nông. Để thực hiện mục tiêu này, Thanh Oai đã đưa ra giải pháp tuyên truyền, vận động cho nhân dân thấy cái lợi của việc phát triển nghề phụ, từ đó làm chuyển biến nhận thức của chính quyền cùng nhân dân tích cực mở lớp dạy nghề và tham gia học nghề.
 
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền các xã, huyện đã chỉ đạo lựa chọn những địa phương có tiềm năng, có điều kiện xây dựng làng nghề và trực tiếp giao chỉ tiêu cho chính quyền xã thực hiện. Đồng thời giao chỉ tiêu xây dựng làng nghề cụ thể, tập trung hướng dẫn và tạo điều kiện cho xã xây dựng thành công danh hiệu làng nghề. Thanh Oai tập trung phân bổ nguồn hỗ cho các xã được lựa chọn xây dựng làng nghề, khuyến khích các địa phương và nhân dân cùng tham gia đóng góp kinh phí, đồng thời giúp các xã tìm giáo viên có trình độ tay nghề cao về dạy nghề cho nhân dân. Theo đó, những người thuộc nhóm: Hộ nghèo, người tàn tật, người lao động bị thu hồi đất canh tác, người có công với cách mạng và các lao động nông thôn khác được tạo điều kiện học nghề phù hợp.
 
Do có đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nên nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Oai nhanh chóng đủ tiêu chuẩn được công nhận là làng nghề. Đến nay, toàn huyện co hơn 50 làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Ước tính các làng nghề ở Thanh Oai đang sử dụng trên dưới 10 nghìn thợ thủ công chuyên nghiệp và từ 40 – 50 nghìn lao động thời vụ. Có xã trước đây thuần nông thì nay đã được công nhận là làng nghề. Qua đó, từng bước giảm bớt tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; tạo việc làm ổn định và nâng cao năng suất lao động cho một số lượng lớn người lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này góp phần khẳng định, việc thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ở Thanh Oai đang từng bước đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả nhất định, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi vùng quê phía Nam của Thủ đô.
 
Bên cạnh việc tập trung mở mang ngành nghề, đẩy mạnh giá trị tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, Thanh Oai còn tập trung xây dựng các điểm, cụm công nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào địa bàn để từng bước đẩy nhanh giá trị công nghiệp. Hiện 4 cụm công nghiệp hiện có của huyện đang phát huy hiệu quả, ngoài ra tiếp tục thực hiện xây dựng phát triển các cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch gồm 6 cụm: Tam Hưng, Dân Hòa, Hồng Dương, Phương Trung, Kim Thư, Tân Ước. Các doanh nghiệp đầu tư và đi vào sản xuất ổn định ở các cụm trên địa bàn đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và hứa hẹn tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời phát huy nội lực từ các làng nghề để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, nhanh chóng thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
 
 
Điện đi trước một bước
 
Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Thanh Oai giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 mới được thành phố phê duyệt thì từ năm 2011 đến năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư cho cải tạo và phát triển lưới điện phân phối của huyện là 227,53 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu 291,4 triệu kWh, bình quân đầu người là 1.778kWh/người/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 158 triệu kWh điện thương phẩm, bình quân đầu người 2.857kWh/người/năm.
 
Theo đó, đến năm 2015, Thanh Oai đã được xây mới, cải tạo nhiều công trình điện như: Xây mới trạm 110kV Thanh Oai đặt tại thị trấn Kim Bài, công suất 80MVA, điện áp, cấp điện cho huyện thông qua 2 đường dây 35kV và 5 đường dây 22kV; nâng công suất trạm 110kV Vân Đình; cải tạo toàn bộ lưới 6kV sau trạm trung gian này lên lưới 22kV; cải tạo 65,8km đường dây trung áp, xây mới 123,2km, trong đó có 15km cáp ngầm; cải tạo 73 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 19,22MVA, xây dựng mới 133 trạm với tổng công suất 85,5MVA. Lưới điện hạ áp được xây mới 145km, trong đó cáp ngầm 12km, cải tạo 92km; lắp mới vào thay thế 9.156 công tơ các loại…
 
Các công trình lưới điện khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo đều tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành điện và xây dựng theo quy định, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch như: Đối với lưới điện 110kV, các trạm biến áp phải được thiết kế mang tải không lớn hơn 75% công suất định mức ở chế độ vận hành bình thường để có đủ dự phòng công suất khi xảy ra sự cố hoặc sửa chữa. Quy mô công suất trạm biến áp được thiết kế tối thiểu là 02 máy biến áp, sử dụng máy biến áp có công suất định hình 40, 63 MVA đối với các trạm công cộng, đối với các trạm khách hàng chuyên dùng tùy theo nhu cầu sẽ được tính toán quy mô công suất cho thích hợp. Đường dây 110kV trên không dùng dây tiết diện 240-400mm2, cáp ngầm dùng loại cách điện XLPE, tiết diện 1.200mm2.
 
Để tiêu chuẩn hóa vận hành lưới điện trung áp ở cấp điện áp 35-22kV đã thực thiện cải tạo toàn bộ lưới 6kV và cải tạo dần lưới 10kV trên địa bàn huyện Thanh Oai lên 22kV, đồng thời cho phép phát triển lưới 22kV vận hành tạm cấp 10kV, riêng máy biến áp sử dụng loại có hai đầu phân áp 10kV và 22kV. Lưới trung áp tại thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp và khu đô thị được thiết kế mạch vòng vận hành hở được cấp điện từ 2 trạm biến áp 110kV hoặc từ 2 thanh cái phận đoạn trạm 110kV có 2 máy biến áp, ở chế độ làm việc bình thường mang tải không quá 70% công suất định mức máy biến áp hoặc công suất mang tải cực đại cho phép của dây dẫn. Đối với khu vực có mật độ phụ tải thấp, khu vực phụ tải phát triển đơn lẻ hoặc không yêu cầu cung cấp điện đặc biệt, lưới điện được thiết kế hình tia. Các khu vực phố chính đã ổn định quy hoạch và các thị trấn, các khu đô thị mới, các khu vực vó yêu cầu mỹ quan đô thị cao, các khu công nghiệp đồng bộ với sự phát triển của các dự án hạ tầng khác như thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, lưới trung áp sẽ được tiến hành ngầm hóa.
 
Với trạm biến áp phân phối, công suất tạm được tính toán theo nguyên tắc đủ khả năng cung cấp điện cho các phụ tải dân sinh trong khu vực đô thị có bán kính dưới 300m hoặc dưới 800m tùy thuộc vào mật độ phụ tải với khả năng mang tải từ 65% trở lên. Máy biến áp 3 pha được sử dụng gam công suất 160, 250, 320, 400, 560, 630, 750, 1.000, 1.250, 1.500, 2.000 KVA đối với trạm công cộng, đối với các trạm biến áp chuyên dùng của khách hàng được thiết kế phù hợp với quy mô phụ tải. Lưới điện hạ áp sẽ áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V, 3 pha 4 dây có trung tính nối đất trực tiếp, sự dụng cáp ngầm và cáp vặn xoắn ABC hoặc dây bọc AV…
 
Để đảm bảo cung cấp điện mùa hè 2016 và trước mắt đảm bảo cung cấp điện cho kỳ bầu cử trong tháng 5 này, Công ty Điện lực Thanh Oai đã tập trung thực chương trình quản lý kỹ thuật ngay từ đầu năm. Đến hết tháng 4, Công ty đã thực hiện thí nghiệm và vệ sinh công nghiệp 277/277 trạm biến áp tài sản điện lực, 45/82 trạm biến áp tài sản khách hàng, 10/10 đường dây trung thế; hoàn thành lắp đặt 34 bộ thiết bị báo sự cố trên lưới, lắp đặt 3 bộ cầu dao để phân đoạn sự cố giảm thiểu phạm vi, thời gian mất điện khi xảy ra sự cố. 
 
Hệ thống tiếp địa đường dây và trạm biến áp thường xuyên được kiểm tra thay thế những dây tiếp địa bị đứt hoặc bị mất hoặc không đạt điện trở theo yêu cầu, bổ sung tiếp địa đường dây theo quy định. trong 4 tháng đầu năm, Công ty điện lực Thanh Oai đã thực hiện hơn 450 lượt kiểm tra tăng cường. Dựa trên kết quả kiểm tra các Đội quản lý tổ chức cân pha san tải, chủ động thay thế thiết bị có nguy cơ hơ hỏng, đe dọa sự cố, khắc phục các tồn tại để đảm bảo vận hành.
 
Trong các ngày nắng nóng, Công ty điện lực Thanh Oai bố trí lịch trực tăng cường để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố do quá tải. Các đường dây đầy tải được theo dõi từng giờ để có những điều chỉnh về phương thức vận hành kịp thời.
 
Hiện nay, Công ty điện lực Thanh Oai đang thi công tập trung chủ yếu là các phương án thay dây trước công tơ không đảm bảo an toàn và một số phương án vệ sinh công nghiệp đường dây và trạm biến áp. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đường dây và trạm biến áp để kịp thời cải tạo, khắc phục các điểm xung yếu, mất an toàn trên lưới điện.
 
 “3 dễ” với khách hàng
 
Công tác nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công ty, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng theo phương châm “Dễ tiếp cận - Dễ tham gia - Dễ giám sát các dịch vụ của ngành điện”, với mô hình phòng giao dịch khách hàng đúng quy định đảm bảo dễ nhận biết, chỉnh trang, gọn gàng, ngăn nắp và thể hiện hình ảnh đặc trưng của phòng giao dịch khách hàng thuộc EVN HANOI. Ngoài Phòng giao dịch khách hàng đặt tại trụ sở Công ty, 100% đội quản lý điện đều bố trí không gian riêng phục vụ công tác giao tiếp khách hàng từ tiếp nhận yêu cầu dịch vụ điện đến giải quyết thắc mắc khiếu nại của khách hàng.
 
Tại các phòng giao dịch khách hàng đều được niêm yết cập nhật: Luật điện lực, các Nghị định, biểu giá điện hiện hành của Nhà nước, các quy định về trình tự, thủ tục lắp đặt công tơ, ký hợp đồng mua bán điện, lịch ghi chỉ số và thu tiền điện hàng tháng...
 
Thực hiện đúng quy trình giao dịch tiếp nhận thông tin của EVN và EVNHANOI theo “cơ chế một cửa” từ khi tiếp nhận đến khi giải quyết xong yêu cẩu của khách hàng, luôn thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và sẵn sàng phục vụ đối với khách hàng, giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn, đúng nội dung, đầy đủ, rõ ràng các yêu cầu của khách hàng. Công ty Điện lực Thanh Oai tiến hành tiếp nhận, phân loại và giải quyết các kiến nghị của khách hàng theo đúng quy định. Thời hạn giải quyết đơn thư là 03 ngày làm việc (đối với thắc mắc phản ảnh trên tổng đài 22222000, CRM, khiếu nại về đo đếm giải quyết trong vòng 24h); sau khi làm việc với khách hàng, đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết đơn thư lập tờ trình báo cáo lãnh đạo Công ty về việc giải quyết đơn thư; thông báo bằng loa di động về thời gian ghi chỉ số trước 16 giờ 30 phút ngày hôm trước của ngày ghi chỉ số hoặc tối thiểu 1h trước khi ghi chỉ số để khách hàng giám sát quá trình GCS của Công ty. 
 
Khi ghi chỉ số, công nhân ghi chỉ số mời khách hàng hoặc tổ chức/cá nhân đại diện tham gia chứng kiến và giám sát kết quả GCS; thông báo thường xuyên trên hệ thống loa của xã, thôn kịp thời đến khách hàng về thời gian thu tiền tại điểm và trước thời điểm thu tiền hàng tháng. Đồng thời, các Đội chủ động niêm yết thông báo địa điểm, thời gian thu tiền tại nhà văn hóa, các địa điểm công cộng đông dân cư (khu chợ, bảng tin tại các thôn….); tạo điều kiện cho các khách hàng chưa có số điện thoại nhắn tin SMS trên CMIS có thể tiếp tục đăng ký số điện thoại để nhận tin nhắn phát sinh tiền điện hàng tháng. 
 
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành khẳng định, đáp ứng nhu cầu về điện ở làng nghề Thanh Oai chính là góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Bởi các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển tích cực chắc chắn không chỉ giải quyết tốt bài toán chống thất nghiệp mà còn nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở Thanh Oai, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của huyện mà còn giải quyết việc làm ở nông thôn làng nghề còn góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa địa phương, tạo ra diện mạo mới cho nông thôn Thanh Oai, để nông dân tự làm giàu trên quê hương mình, nhất là trong quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh hội nhập và phát triển hiện nay.
 
Để đảm bảo cung cấp điện phục vụ bầu cử, Chủ tịch Dương Quang Thành cầu các Tổng công ty Điện lực, các Công ty Điện lực tăng cường kiểm tra củng cố lưới điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục tin cậy cho các địa điểm diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XIV, các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa nghệ thuật chào mừng bầu cử. Đặc biệt lưu ý việc đảm bảo điện tại các địa điểm quan trọng như trụ sở cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, quốc phòng, an ninh; các cơ quan lãnh đạo ở các tỉnh/thành phố, các cơ quan phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương. Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đặc biệt lưu ý đến việc lập và thực hiện phương án đảm bảo điện tại nơi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, trong phương án ngoài lưới điện quốc gia phải có nguồn diezen dự phòng để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và liên tục.

Thanh Mai
Tin bài liên quan
Loading...