Tôi ký HĐLĐ không xác định thời hạn với một công ty. Ngày 14.3.2013, trên đường từ nhà đến công ty làm việc, tôi bị tai nạn giao thông. Sau khi xuất viện, tôi được giám định mức suy giảm khả năng lao động là 5%. Đề nghị luật sư cho biết: Tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động không? Mức hưởng và hồ sơ để hưởng chế độ tai nạn lao động như thế nào?
Nguyễn Xuân Thủy
- Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (BHXH), người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện: 1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; 2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 điều này.
Khoản 3, Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22.12.2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc hướng dẫn điểm c, khoản 1, Điều 39 Luật BHXH: Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Dựa vào các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của ông, tuyến đường từ nhà ông tới công ty là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú tới nơi làm việc của ông, thời điểm ông bị tai nạn giao thông nằm trong khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc, cộng với việc theo biên bản giám định, ông bị suy giảm khả năng lao động 5% do bị tai nạn giao thông nói trên, do đó, ông thuộc đối tượng người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Theo Điều 42 Luật BHXH, ông sẽ được hưởng trợ cấp một lần với mức bằng 5 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài ra, ông còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Đồng thời, theo Điều 48 Luật BHXH, sau khi điều trị ổn định thương tật do
tai nạn lao động mà sức khỏe còn yếu thì ông được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Tại Điều 114 Luật BHXH quy định, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm: Sổ BHXH; biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm bản sao biên bản tai nạn giao thông; giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn giao thông; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
(Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo)