Tại dự thảo Nghị định về quản lý thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất những quy định về điều kiện sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi.
So với quy định hiện nay, dự thảo đã đề xuất những tiêu chuẩn chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi phải có đủ các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có trụ sở có biển hiệu ghi rõ tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại.
Địa điểm, cơ sở hạ tầng để sản xuất, gia công phải nằm trong khu quy hoạch hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có tường bao hoặc rào chắn ngăn cách với bên ngoài.
Bên cạnh đó, phải bố trí nhà xưởng và trang thiết bị (bố trí mặt bằng sản xuất) theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo; bố trí hệ thống thu gom, xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và ảnh hưởng đến môi trường.
Về thiết bị, dụng cụ, phải có dây chuyền sản xuất phù hợp với từng loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi; có thiết bị, dụng cụ đo lường, giám sát chất lượng đảm bảo độ chính xác và được bảo dưỡng, kiểm định theo định kỳ; có phòng thử nghiệm hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi; có trang thiết bị phòng chống cháy, nổ và động vật gây hại.
Ngoài ra, phải có công trình phụ trợ khác như: Phòng thay trang phục,
bảo hộ lao động, trang bị bảo hộ lao động phù hợp; khu vệ sinh phải được bố trí cách biệt, không gây ô nhiễm với khu sản xuất và có đầy đủ thiết bị, dụng cụ đảm bảo vệ sinh.
Về nhân sự, thay vì quy định nhân viên kỹ thuật phải có trình độ từ trung cấp trở lên về chuyên ngành liên quan như quy định hiện nay, dự thảo đề xuất quy định cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi phải có người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành chăn nuôi, chăn nuôi - thú y hoặc công nghệ thực phẩm (đối với thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm), chuyên ngành nuôi trồng thủy sản hoặc công nghệ thực phẩm (đối với thức ăn thủy sản). Người trực tiếp sản xuất có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện trở lên cấp theo quy định, được tập huấn về an toàn lao động và an toàn thức ăn chăn nuôi.
Báo cáo tình hình sản xuất hàng tháng
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp chuẩn, hợp quy (nếu có) theo quy định và lưu 1 bộ hồ sơ tại cơ sở.
Đồng thời, có quy trình kiểm tra chất lượng; ghi và lưu nhật ký quá trình sản xuất ít nhất là 3 năm. Có hồ sơ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu. Có tiêu chuẩn đánh giá, phân loại chất lượng thức ăn chăn nuôi. Kiểm nghiệm tối thiểu một số chỉ tiêu quan trọng mẫu nguyên liệu, sản phẩm xuất xưởng, lưu kết quả kiểm nghiệm 3 năm; lưu và bảo quản mẫu nguyên liệu, sản phẩm xuất xưởng đến sau khi hết hạn sử dụng 30 ngày.
Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hoá, bao bì hoặc tài liệu kèm theo trong đó phải ghi rõ các chất chính theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thức ăn chăn nuôi do cơ sở sản xuất: Xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy hàng hoá thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng, an toàn và đền bù thiệt hại gây ra cho người chăn nuôi.
Dự thảo nêu rõ, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn