Năm mới 2018 đã đến từng nhà, từng DN và mang theo nhiều hy vọng mới về sự thắng lợi khi năm 2017 đã có nhiều thành công rực rỡ. Vì thế, ngay từ những ngày đầu năm, các DN đã rất rộn ràng, bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với những đơn hàng, hợp đồng và đối tác mới.
Từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hồng Nụ.
Những chuyến hàng sớm
Năm 2017, nền kinh tế cả nước ghi nhận nhiều con số kỷ lục như sản lượng XNK tăng cao kỷ lục lên hơn 400 tỷ USD, các chỉ số về sản xuất công nông nghiệp cũng tăng cao, số lượng DN thành lập mới và số lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao… Cùng với đó, nhiều DN trong đủ loại hình lĩnh vực ghi nhận mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với năm 2016, thậm chí là về đích sớm nhiều tháng… Vì thế, ngay từ những ngày đầu năm mới 2018, các cơ quan quản lý cùng DN đã thống nhất nhiệm vụ là phải bắt tay ngay vào công việc, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo mới đây.
Theo Báo cáo khảo sát vừa được phát hành vào những ngày đầu tháng 1/2018 của Nikkei - IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất (PMI) của Việt Nam đã tăng cao trong 3 tháng trở lại đây, đạt là 52,5 điểm, so với mức 51,4 điểm của tháng 11. Vì thế, chuyên gia của IHS Markit đã nhận định, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh và nhanh hơn của số lượng đơn đặt hàng mới, nên ngành sản xuất sẽ có triển vọng tốt khi bước vào năm 2018.
Do đó, ngay đầu năm mới, nhiều đơn vị, DN đã ghi nhận những đơn hàng và chuyến hàng mới, tiêu biểu như Xí nghiệp Cảng Tiên Sa – Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã đón tấn hàng đầu tiên, trong khi năm 2017, đơn vị này đã cán mốc hơn 8 triệu tấn hàng, tăng 11% so với năm trước... Ngoài ra, nhiều DN còn “phấn khởi” cho biết trong những ngày cuối năm, DN đã ký kết được nhiều hợp đồng với đối tác để có thể vào "nhịp" sản xuất ngay, không để bị động trong những ngày đầu năm và tạo tiền đề, động lực giúp tìm kiếm thêm những đơn hàng, đối tác mới.
Chia sẻ về kế hoạch sản xuất của DN, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành cho hay, kết quả kinh doanh trong năm 2017 rất khả quan, nên dự kiến kế hoạch doanh thu năm 2018 xấp xỉ 400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Mặc dù thị trường XK đã có nhiều tín hiệu tốt nhưng vẫn còn khó khăn về giá nguyên liệu, tuy nhiên, nhờ chính sách chăm sóc khách hàng tốt, chất lượng sản phẩm ổn định, đảm bảo giao hàng đúng hạn nên tính đến thời điểm hiện nay, DN đã nhận đủ đơn hàng cho quý I/2018.
Đẩy mạnh mở rộng thị trường
Có thể thấy, thị trường trong nước cũng như quốc tế luôn có nhiều biến động, có thể ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của DN. Tuy nhiên, với những động lực của năm 2017, cùng sự vào cuộc để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nên các DN vẫn rất tin tưởng và đặt ra nhiều dự tính về việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực kinh doanh, sản xuất.
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trần Việt Nam, trong năm 2018, DN đang cố gắng phát triển chuỗi hệ thống thương hiệu tại thị trường trong nước; bởi DN kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực đồng phục văn phòng, đồng phục bảo hộ lao động… trong khi các DN liên tục mở rộng, các cơ quan quản lý đưa ra nhiều yêu cầu về tác phong làm việc, bảo vệ người lao động… nên các sản phẩm của DN sẽ có nhiều cơ hội để phát triển tại thị trường nội địa. Ngoài ra, DN sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường để XK, giúp tăng doanh thu. Bà Mai cho biết DN sẽ nỗ lực theo hướng như trên để doanh thu năm nay có thể tăng trưởng 50% so với năm 2017.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Baobab, trong năm 2017, DN nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, hiệp hội DN trong việc nắm bắt thông tin xu hướng mới của thị trường trong nước và thế giới, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giao lưu kết nối các DN, được tài trợ nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ… nên năm 2018 đã tìm kiếm được nhiều nguồn khách hàng hơn. Tuy nhiên, khó khăn của DN là về nhân sự và con người, đào tạo và giữ họ lại là điều khó khăn nên DN phải tự ý thức nâng cao chất lượng DN.
Các DN đều nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng thị trường và phát triển nội tại DN. Vậy nên năm 2017, nhiều hợp đồng lớn được ký kết, nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam lần đầu được “bước chân” ra thế giới. Vì thế, hợp đồng mới, khách hàng mới trong năm mới là một niềm vui của các DN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, nhưng các chuyên gia cho rằng, DN cần hướng tới phát triển bền vững theo chiều sâu, bằng cách nâng cao chất lượng thay vì sản lượng, phải tận dụng tốt những thế mạnh của DN và sản phẩm nội địa cùng với việc chủ động khai thác những thị trường mới mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do; đồng thời, các cơ quan quản lý phải tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… để tạo thuận lợi cho DN ngày một phát triển.
Hương Dịu