Theo các chuyên gia về côn trùng học, do trong cơ thể kiến ba khoang chứa độc tố có tính xuyên thấm qua da.
Kiến ba khoang rất nhỏ, nếu không để ý, chúng có thể bám vào quần áo, chăn màn, khăn rửa mặt và khi tiếp xúc với da, nọc độc của kiến ba khoang gây tổn thương da nặng nề,...
Dân gian gọi côn trùng này bằng nhiều tên khác nhau: kiến khoang, kiến lác, kiến gạo cằm cặp, kiến nhót, kiến cong đít... Loại kiến này đầu nhỏ có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước.
Kiến ba khoang có thân mình tròn, dài khoảng 1-1,2 cm như hạt thóc, bề ngang 2-3 mm. Phần thân có nhiều khoang xen kẽ với các màu đen, vàng cam. Chúng làm tổ dưới đất nơi giáp ranh với nước, sống chủ yếu bằng chất phân hủy của thực vật, đôi khi của cả động vật.
Chúng thường xuất hiện sau mỗi trận mưa và bay vào nhà theo ánh sáng đèn điện, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn... Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho kiến sinh sản.
Theo các chuyên gia về côn trùng học, do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin (còn được gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) chứa trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng. Độc tố pederin có tính xuyên thấm qua da.
Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm độc tố pederin dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan rộng.
Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang: thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân,... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất pederin xâm nhập qua da.
Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 -12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Nếu tay bị dính chất độc pederin khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét.
Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta thực hiện việc đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng
Lời khuyên của thầy thuốc
Kiến ba khoang rất khó diệt, vì vậy cần trang bị các kiến thức phòng bệnh. Khi vào nhà, kiến sẽ bám vào quần áo, giường chiếu chăn màn... Vì thế, quần áo sau phơi khô cất cần rũ mạnh, trước khi mặc đồ cũng phải rũ mạnh quần áo.
Kiểm tra kỹ quần áo, khăn mặt, giường chiếu…trước khi sử dụng. Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở và nơi làm việc. Hạn chế bật đèn trong nhà, chỉ bật đèn ban công. Còn nếu bật đèn trong nhà thì nên đóng chặt các cửa, bật điều hòa cho trẻ chơi bên trong. Tránh phơi quần áo, khăn ngoài trời khi có mưa. Có thể dùng thuốc diệt côn trùng để loại bỏ kiến.
Nên mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài chơi buổi tối, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.
Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện
bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang đậu bám trên quần áo, khăn mặt, trên người nên thổi nhẹ hoặc hất cho chúng bay đi, không nên đập chết và chà xát chúng trên da.
Với trường hợp bị kiến ba khoang đốt, phải rửa sạch vết thương nhanh nhất có thể để hạn chế độc tố. Sau đó đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Zing.vn