Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra cách đây không lâu ở Hà Nội, không ít người ấn tượng trước đôi "Bàn tay vàng" trong phong trào lao động giỏi, sáng tạo của ngành dệt sợi nước ta.
Chị là Đỗ Thị Thúy, công nhân bậc 6/6, Tổ trưởng tổ máy con ca B Sợi 1 (Nhà máy Sợi, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định). Chị cũng là một trong ít người có vinh dự được trình bày tham luận trước 2000 đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tại Thủ đô Hà Nội đầu tháng 12/2015.
Trải lòng trước các đại biểu về dự đại hội, chị Thúy cho biết, năm 1987, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị đứng trước sự đấu tranh quyết liệt về việc lựa chọn con đường vào đời của mình, đó là thi đại học hay đi học nghể? Khi đó, nhiều người khuyên chị nên đi học đại học, cao đẳng để có tương lai sáng lạn, công việc nhàn hạ hơn.
Tuy nhiên, sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, cuối cùng chị quyết định lựa chọn nghề sợi để lập nghiệp. Tốt nghiệp trung cấp nghề sợi, năm 1990, chị bắt đầu sự nghiệp công việc của một người gắn bó với những mối sợi khi được nhận vào làm việc tại Nhà máy Sợi, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định.
Chị Đỗ Thị Thúy, đôi bàn tay vàng của ngành dệt may Việt Nam tham luận trước 2.000 đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Những ngày đầu đi làm do tay nghề con non, nhìn thấy những cỗ máy to lớn, chằng chịt sợi, con thoi, tiếng ồn, bụi… chị không khỏi lo lắng, thậm chí đã có lúc nản chí, muốn bỏ nghề. Nhưng những tấm gương của những người thợ dệt khác trong cùng nhà máy đã tiếp thêm ý chí, nghị lực, sự quyết tâm để chị vượt qua khó khăn và làm chủ những cỗ máy.
“Các cô chú, các bác, các anh chị đi trước với biết bao gian khổ vừa làm việc vừa sẵn sàng chiến đấu, với thiết bị máy móc cũ kỹ, lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần còn quá khó khăn, điều kiện làm việc còn thiếu đủ bề nhưng vẫn khắc phục, vượt qua… tôi đã suy nghĩ và tự nhủ mình phải cố gắng, phải quyết tâm, phải vượt qua khó khăn và học hỏi để làm chủ đựoc những cỗ máy sợi”, chị tâm sự trước 2.000 đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Với quyết tâm đó, chị chăm chỉ học hỏi, tranh thủ sự giúp đỡ chỉ bảo hướng dẫn của những người thợ đi trước, tự rèn luyện, chú trọng đến từng thao tác để khắc phục những hạn chế bản thân. Vì vậy, chị nhanh chóng nắm bắt được công việc, đúc rút ra những thao tác chuẩn, cách làm hay, đặc biệt là làm nhanh khi thực hiện những mối nối sợi. Chị luôn ý thức phải có tay nghề vững vàng, cẩn thận, bền bỉ, dẻo dai, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Suốt 25 năm qua, chị rèn luyện cho bản thân thói quen luôn chấp hành đúng quy trình thao tác công nghệ, quy tắc kỹ thuật, tích cực đi tua, xử lý nhanh, chuẩn xác sự cố. Vừa đi bộ trên 10km/ca, vừa phải tập trung cao độ phát hiện, xử lý kịp thời các mối đứt, sự cố của máy là kỹ năng được chị tôi luyện thành thục mấy chục năm qua bằng sự cố gắng, kiên trì và lòng yêu nghề.
Để chuẩn bị tốt cho công việc, mỗi ngày chị đều đến sơm 20 phút trước khi vào ca để chuẩn bị tư trang
bảo hộ lao động, thực hiện quy trình nhận ca; kiểm tra, xử lý lỗi trên máy trước khi đi ăn cơm; tận dụng tối đa giờ sản xuất.
Xác định tham gia các phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và các hội thi thợ giỏi là cơ hội tốt để luyện tay nghề và đánh giá khả năng phấn đấu của bản thân, đợt thi nào chị cũng đăng ký và cố gắng rèn luyện để dự thi.
Chính vì vậy, nhiều kỳ thi cấp cơ sở chị đã đạt giải Nhất và tại Hội thi thợ giỏi lần thứ II của ngành dệt may (2000) chị đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” ngành sợi, với “kỉ lục” nối được 19 mối sợi trong 1 phút. Qua các hội thi, tay nghề của chị ngày càng vữngvàng hơn, chỉ trong 10 năm 1990-2000, từ thợ bậc 2/6, chị đã đạt bậc 6/6– bậc cao nhất của công nhân sợi.
Bên cạnh những thành tích đạt được cho riêng mình, là tổ trưởng của một tổ sản xuất, chị Đỗ Thị Thúy cùng các tổ viên của mình luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ở cương vị tổ trưởng, chị đã tạo cho chị em những thói quen, quy tắc để hoàn thành năng suất, chất lượng như luôn kiểm tra toàn bộ máy và phân công chị em trong tổ thay nhau trông máy trong giờ nghỉ ăn cơm.
Với cương vị là ủy viên BCH Công đoàn nhà máy, chị luôn là người đi đầu vận động chị em đoàn viên công nhân lao động trong tổ cũng như toàn nhà máy tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Công đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty phát động.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo xuyên suốt cả năm và phong trào “Xây dựng gia đình nữ công nhân tiêu biểu” đã trở thành phong trào sâu rộng trong nhà máy nơi chị làm việc. Chính nhờ những phong trào này, hàng năm nhiều bàn tay vàng, nhiều thợ lành nghề không ngừng xuất hiện bổ sung vào vườn hoa muôn sắc của ngành dệt may Việt Nam.
Cũng chính lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực đã mang đến cho chị nhiều phần thưởng cao quý: 9 năm Chiến sĩ thi đua cơ sở liên tục 2006-2014; Chiến sĩ thi đua cấp tậo đoàn 2010; Bằng khen của UBND tỉnh; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh; Bằng khen Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013. Đặc biệt, tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ IX vừa diễn ra ở Hà Nội, chị Đỗ Thị Thúy đã vinh dự là một gương điển hình tiên tiến, đại diện cho hàng vạn công nhân lao động trong ngành Dệt May tham dự Đại hội.
“Cùng với sự trưởng thành và phát triển của nhà máy, của Tổng công ty, bản thân tôi nhờ đó đã lớn lên về mọi mặt: tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm làm việc cũng như ý thức trách nhiệm của người công nhân. Bên cạnh nỗ lực phấn đấu của bản thân, tôi đã nhận được sự quan tâm động viên rất lớn của tập thể lãnh đạo nhà máy, lãnh đạo Tổng công ty và các bạn đồng nghiệp, của tổ chức công đoàn đã tạo điều kiện, động viên khích lệ kịp thời, giúp đỡ tôi trưởng thành”, chị Thúy tâm sự.
Vạn Xuân