Mặc dù có tới 31% các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) có nguyên nhân từ các thiết bị điện và tới 30% tổng số người chết vì TNLĐ là do điện giật (thống kê TNLĐ 2009) nhưng cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều rất thờ ơ với thực trạng này.
Mặc dù có tới 31% các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) có nguyên nhân từ các thiết bị điện và tới 30% tổng số người chết vì TNLĐ là do điện giật (thống kê TNLĐ 2009) nhưng cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều rất thờ ơ với thực trạng này.
Chết vì điện ngày một gia tăng
Thống kê của cơ quan chức năng năm 2009 cho thấy tỷ lệ TNLĐ do điện giật là 31% , cao hơn năm 2008 ( tỷ lệ TNLĐ do điện giật năm 2008 là 26,70% tổng số vụ và 22,64% tổng số người chết). Như vậy, cả số vụ và số người chết đều gia tăng đáng kể. Trong đó tai nạn lao động trong lĩnh vực xây lắp điện chiếm khoảng 2,22% trên tổng số vụ TNLĐ chết người. Liên quan đến máy hàn điện chiếm 5,19% tổng số vụ và 4,93% tổng số người chết.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo song ngay những tháng đầu năm 2010, cơ quan an toàn lao động đã thống kê được không ít vụ TNLĐ nghiêm trọng do điện giật. Điển hình là vụ công nhân làm việc tại công trình số 96B Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, quận 1 TP.HCM bị điện giật rơi từ giàn giáo xuống đất.
Trước đó, một tai nạn gây chết người khác cũng liên quan đến điện đã xảy ra vào ngày 5/6/2010 tại phòng trọ số 24 trong dãy nhà trọ ở hẻm 84/28 đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Nạn nhân là anh Phan Hữu Thái (29 tuổi, quê Bình Định), khi vịn tay vào lan can cầu thang thì bất ngờ bị điện giật, hút chặt vào cầu thang và tử vong khi được đưa đi cấp cứu. Cùng ngày 5/6/2010, tại xưởng hàn gia đình anh Đinh Xuân Ba, thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa (Quảng Trạch- Quảng Bình) cũng xảy ra vụ điện giật từ máy hàn khiến hai chú cháu anh Ba chết tại chỗ.
Cẩn thận trong lao động không bao giờ thừa đối với người lao động
Lơ là với “thần chết”
“Mổ xẻ” nguyên nhân các vụ TNLĐ chết người do điện giật, cơ quan chức năng cho biết có tới 26,67% do thiết bị không đảm bảo an toàn. Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp thậm chí không có thiết bị an toàn ( chiếm khoảng hơn 2%). Song nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra vẫn là sự lơ là, chủ quan của chính người sử dụng lao động và người lao động.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ không được thường xuyên và triệt để nên chủ sử dụng các cơ sở sản xuất này cũng “xem thường” các nguy cơ từ điện.
Để thay đổi thực trạng này, Cục ATLĐ ( Bộ LĐTBXH) cho biết hiện đang dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 300 lao động trực tiếp phải bố trí ít nhất 1 cán bộ an toàn, vệ sinh lao động làm việc theo chế độ bán chuyên trách, doanh nghiệp sử dụng trên 1000 lao động trực tiếp phải bố trí ít nhất 2 cán bộ chuyên trách an toàn, vệ sinh lao động hoặc tổ chức phòng ban an toàn, vệ sinh lao động riêng.
Đối với nhóm công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Công ty mẹ, Tập đoàn kinh tế phải bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động hoặc phải tổ chức phòng ban an toàn, vệ sinh lao động riêng.
Cán bộ an toàn, vệ sinh lao động phải là những cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật, bao gồm kỹ thuật an toàn, kỹ thuật phòng chống cháy nổ, kỹ thuật môi trường, vệ sinh lao động, có hiểu biết về thực tiễn sản xuất, đồng thời phải có giấy chứng nhận về nghiệp vụ công tác
bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Bộ phận chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp sẽ xây dựng quy trình, biện pháp an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; quản lý theo dõi việc đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn -vệ sinh lao động. Đồng thời, những người phụ trách lĩnh vực này sẽ xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm theo đúng hướng dẫn và đôn đốc các bộ phận có liên quan thực hiện đúng các nội dung đã đề ra trong kế hoạch.
“Nhiều người không lường hết được sự nguy hiểm khi vận hành các máy móc sử dụng nguồn điện cao, có nguy cơ nếu điện rò rỉ hoặc nhiễm sang các vật có khiến người sử dụng hay vô tình chạm phải sẽ bị giật nên có trường hợp mắc cả những lỗi thông thường như đi chân đất vận hành máy sử dụng điện.”, một chuyên viên thanh tra ATLĐ địa phương cho hay.
Hy vọng rằng, khi doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động, việc kiểm tra môi trường lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi tình hình thương tật, bệnh tật phát sinh do nghề nghiệp…sẽ được thực hiện thường xuyên và việc phòng ngừa tai nạn lao động sẽ được thực hiện ngay từ khâu kiểm tra thường xuyên của bộ phận chuyên trách này. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần có ý thức bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao như lĩnh vực sử dụng các máy móc, thiết bị liên quan tới điện.
Thanh Lương