Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10546
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Đừng trông chờ nhà nước bảo hộ!
TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định như vậy khi các doanh nghiệp trong nước đang chậm chân trước nhiều cơ hội lớn
 
Phóng viên: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập trong năm nay, đồng thời hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Ông đánh giá thế nào về khả năng hay sự chuẩn bị của doanh nghiệp (DN) trước các cơ hội này?
 
- TS Lê Quốc Phương: DN tận dụng được lợi thế nhiều nhất từ các FTA trước hết phải là DN đã tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định, nay hưởng thêm. Nếu không, dù hàng rào thuế quan nước bạn giảm thì hàng hóa của mình cũng không vào được nếu giá đắt, chất lượng kém…
 
 
 

TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương)
 
Đã gần 30 năm kể từ khi công cuộc đổi mới bắt đầu vào năm 1986 và 20 năm từ khi Việt Nam chính thức tham gia hội nhập quốc tế. Giờ đã đến thời điểm phải mở cửa hầu hết các lĩnh vực nên sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn, các DN chưa chuẩn bị sẵn sàng khó có khả năng trụ vững.
 
Nhiều DN chưa nhận thức được đầy đủ tác động cả lợi ích và bất lợi của các hiệp định thương mại; thậm chí còn chủ quan cho rằng hội nhập còn lâu mới đến, còn có lộ trình thực hiện dần dần, chưa ảnh hưởng trực tiếp đến DN hoặc coi hội nhập là việc của Chính phủ và vẫn trông chờ vào hàng rào bảo hộ của nhà nước. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa rất thiếu thông tin về các FTA nên chưa tận dụng được những lợi ích thuế quan hay chưa đáp ứng được điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.
 
Số lượng các DN yếu kém, còn bị động có đáng lo ngại, thưa ông?
 
- Tôi phải nhấn mạnh là hiện nay có khoảng 400.000-500.000 DN đang hoạt động thì số lượng DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, chiếm tới 96%. Đáng nói là các DN nhỏ và vừa hầu như cạnh tranh hết sức yếu kém. Chưa kể đến nhiều DN lớn cũng không phải đã khỏe, còn có DN nhà nước vẫn rất trì trệ, cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp.
 
Vậy cơ quan chức năng cần có hướng hỗ trợ DN thế nào để giúp họ tận dụng được lợi thế?
 
- Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua cung cấp thông tin và tham vấn cho DN về tác động 2 chiều của các FTA trong từng lĩnh vực cụ thể; hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; cải thiện khả năng tiếp nhận tín dụng cho các DN (thông qua hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng…); sử dụng công cụ hợp pháp được WTO cho phép như tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch thực vật… Điều cuối cùng song cũng rất quan trọng là thực hiện vai trò của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường vĩ mô ổn định và thuận lợi để DN hoạt động và phát triển.
 
Tuy nhiên, các DN cũng cần tự thân vận động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã… Đến nay, Việt Nam đã có những thương hiệu lớn cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí trên cơ như: Vinamilk, Viettel, BIDV... Nhưng phải làm thế nào để số hàng hóa, dịch vụ như thế nhiều hơn?
 
Đất nước ta chuyển đổi từ kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường mới khoảng 30 năm mà người ta làm cả trăm năm rồi. Cần thấy rằng mình đi chậm hơn. Quy luật là phải lớn dần, phải nhanh hơn, phải biết đi. Đừng trông chờ nhà nước cho tiền mà nhà nước chỉ có thể đào tạo nhân lực, quản lý, kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến, quản lý hàng hóa… Việc tuyên truyền cũng quan trọng vì hội nhập rất phức tạp, ngay cả chuyên gia kinh tế không phải ai cũng hiểu hết.
 
Phương Nhung thực hiện
Tin bài liên quan
Loading...