Là địa phương đang có mật độ xây dựng cao nhất cả nước, người lao động làm việc trên các công trình xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng tại TP Hồ Chí Minh luôn phải đối mặt với hiểm nguy, tai nạn rình rập. Tính mạng của họ xem ra vẫn còn bị coi nhẹ.
Xem nhẹ sự an toàn
Mới đây, vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng tòa nhà văn phòng cao 17 tầng Mapletree Business Centre tại Quận 7 làm 3 người chết và 5 người bị thương đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Sau sự cố, lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đến kiểm tra công trình và đề nghị khởi tố vụ sập giàn giáo nêu trên. Thậm chí, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, cần phải điều tra làm rõ, xử lý các cá nhân, đơn vị sai phạm, nhất định không thể để tình trạng "sống chết mặc bay" tại các công trình xây dựng trên địa bàn như hiện nay.
|
An toàn lao động tại các công trình xây dựng đến hồi báo động. |
Số liệu từ các cơ quan chức năng cho biết, trung bình mỗi năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra khoảng 100 vụ tai nạn lao động. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 37 vụ, làm 41 người chết và nhiều người bị thương. Đặc biệt, có gần 50% trong số vụ tai nạn trên xảy ra tại các công trình xây dựng. Điều này làm dấy lên nỗi lo ngại về sự an toàn của lực lượng lao động hùng hậu đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hàng nghìn công trình xây dựng nhà ở, văn phòng lớn nhỏ. Tuy nhiên, không ít công trình trong số này phạm nhiều lỗi về các quy định an toàn như xây cao tầng nhưng không lắp lưới chắn an toàn đề phòng té ngã và tránh vật liệu rơi; công nhân làm việc không đội mũ bảo hộ; làm việc trên cao nhưng không thắt dây an toàn; đơn vị giám sát thi công lơ là, thiếu trách nhiệm...
Lỗ hổng quản lý
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân thừa nhận, hiện các quy định, các biện pháp nhằm quản lý an toàn lao động nói chung và an toàn tại các công trình xây dựng nói riêng còn chưa chặt chẽ; trong khi trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu, giám sát thi công như thế nào vẫn chưa cụ thể.
Nhận định về thực trạng an toàn lao động của ngành xây dựng, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ, TB&XH TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Quốc Việt cho rằng, ngành xây dựng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đa phần người lao động trong lĩnh vực này lại không được trang bị chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tế cho thấy, rất nhiều công nhân vốn xuất thân từ lao động phổ thông, lao động thời vụ, trong đó có lực lượng không nhỏ là nông dân từ các tỉnh, thành khác về đây, lần đầu tiên tiếp xúc với công việc có tính đặc thù và đòi hỏi kỷ luật cao, dẫn tới ý thức cũng như kỹ năng chấp hành các quy định về an toàn lao động còn thấp.
Nói về trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, PGS.TS Phạm Hồng Luân (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho biết, có không ít vụ tai nạn xuất phát từ việc các nhà thầu không thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về an toàn vệ sinh lao động. Chẳng hạn, nhiều nhà thầu cố tình cắt giảm các khoản đầu tư trang thiết bị
bảo hộ lao động, hoặc tận dụng những thiết bị cũ không bảo đảm an toàn để thi công nhằm tiết giảm chi phí. "Do tính chất đặc thù, các công trình xây dựng luôn ngổn ngang bê tông, sắt thép, máy móc, thiết bị điện... nên chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể xảy ra tai nạn chết người", PGS.TS Phạm Hồng Luân nhận định.
Nhằm siết chặt công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt tại các công trình xây dựng, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Ông Lê Hoàng Quân cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo để sớm ban hành quy chế quản lý ở các công trình xây dựng, từ đó có cơ sở xác định trách nhiệm để có chế tài với các cá nhân, đơn vị sai phạm.