Đây là thông điệp của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đưa ra tại Lễ hưởng ứng và phát động Tháng an toàn, vệ sinh lao động năm 2017 vừa diễn ra tại Quảng Ninh.
Chuyển biến tích cực
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn EVNNPC - cho biết: Là ngành kỹ thuật đặc thù, người lao động ngành điện phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nặng nhọc, nhiều rủi ro. Do đó, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ, hướng tới nói “không” với tai nạn lao động… luôn được tổng công ty chú trọng.
Những năm qua, EVNNPC đã nghiêm túc thực hiện các quy định của nhà nước về ATVSLĐ thông qua việc chủ động xây dựng quy trình, quy chế; thực hiện huấn luyện đào tạo, tuyên truyền đầy đủ, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức cho người lao động; đầu tư trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tạo điều kiện tốt nhất về môi trường làm việc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của các đơn vị, nhờ đó tai nạn lao động giảm xuống đáng kể.
Đơn cử như giai đoạn từ 2013-2015, mỗi năm toàn đơn vị xảy ra 14-15 vụ tai nạn lao động thì đến năm 2016 chỉ còn 3 vụ, giảm 77% số vụ tai nạn.
Theo ông Dư Cao Minh - Phó Tổng giám đốc EVNNPC, mặc dù đã có bước chuyển tích cực, nhưng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Qua tổng hợp, phân tích về tai nạn lao động những năm qua cho thấy, 77% vụ tai nạn do ý thức người lao động chưa cao, còn tình trạng chủ quan, làm tắt, ẩu; một số đơn vị chưa coi trọng tập huấn, trau dồi kiến thức, lãnh đạo buông lỏng, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động.
Nền tảng phát triển doanh nghiệp
Ông Dư Cao Minh cho biết, an toàn lao động là yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Bảo đảm ATVSLĐ góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là lý do tổng công ty tổ chức Chương trình hưởng ứng Tháng ATVSLĐ với nhiều hoạt động thiết thực như: Kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo an toàn, xây dựng kế hoạch đôn đốc kiểm tra các đơn vị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, quy định về an toàn điện; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 28.000 lượt cán bộ, công nhân viên; thăm hỏi nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động.
Còn theo ông Mai Quang Hùng, từ đầu tháng 5/2017, các đội, trạm trực tiếp sản xuất và tại trụ sở các công ty thực hiện việc treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ; cấp phát hơn 40.000 quyển cẩm nang an toàn điện cho các đơn vị để tuyên truyền; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, tổ chức đào tạo, huấn luyện quy trình, quy chế; tư vấn tâm lý học cho từng đối tượng khác nhau nhằm nâng cao ý thức lao động. Tổng chi phí cho công tác an toàn lao động năm 2017 tăng 30% so với năm 2016.
Ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn EVNNPC:
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người lao động về ATVSLĐ.
Nguồn: Đỗ Đình/Báo Công Thương điện tử