Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10707
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
FTA: Con dao hai lưỡi!
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng thách thức cũng nhiều hơn bởi chính sách bảo hộ, hỗ trợ của nhà nước ngày càng thu hẹp
 
“Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế: Còn lại gì sau các FTA?” là chủ đề hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan quốc tế Action Aid Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 1-6.
 
Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách thương mại quốc tế của VCCI, TS Trần Hữu Huỳnh, đặt câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp (DN) giật mình: Liệu chúng ta có quá “hăng hái” khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA)? Bởi càng gia nhập nhiều, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN trong nước càng thu hẹp, khi đó DN Việt có đứng vững trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt?
 
Cắt giảm ưu đãi nhanh, hỗ trợ ngược
 
Lấy dẫn chứng từ ngành công nghiệp thực phẩm, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia nghiên cứu của dự án NDS (thuộc Action Aid), cho rằng khi gia nhập các FTA, Việt Nam đã cắt giảm thuế ưu đãi quá nhanh (ngay cả với một số mặt hàng cơ bản như gạo, thức ăn chăn nuôi), ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của ngành.
 
Từ năm 2011, ngay khâu thu mua nông sản cũng mở rộng cửa cho thương nhân nước ngoài. Kết quả là DN trong nước bị ảnh hưởng vì liên quan đến cạnh tranh mua nguyên liệu đầu vào, nhiều DN hoạt động không đủ công suất.
 
 


Thương nhân nước ngoài lựa chọn gỗ mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh

Xu hướng cắt giảm thuế quan của nhà nước với ngành công nghiệp chế biến còn diễn ra mạnh mẽ và đi trước lộ trình cam kết. “Lẽ ra phải 10 năm thuế nhập khẩu mới giảm về 0% nhưng chỉ sau 5 năm, Việt Nam đã hoàn tất lộ trình giảm thuế, vô tình mang lại rủi ro cho DN trước hàng nhập khẩu” - ông Dương nói. TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI, ví von: “Chúng ta tự nguyện mở cửa, loại bỏ thuế trước lộ trình là điều đáng tiếc, giống như nhà mình đang to mà tự nguyện... cắt bớt cho nhỏ lại”.
 
Với ngành điện tử, chuyện hỗ trợ ngược cũng đáng lưu ý. Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ DN ngành điện tử phát triển nhưng đây là các chính sách chung cho cả DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, ở Việt Nam, sự hiện diện của DN FDI rất nhiều và dường như địa chỉ hỗ trợ chủ yếu rơi vào DN FDI! Vậy có phải chúng ta đang hỗ trợ ngược?
 
Rồi ở Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán, trong ngành điện tử còn có cơ chế nhà đầu tư nước ngoài được phép kiện nhà nước ra tòa án quốc tế, còn DN trong nước thì không. “Đúng là ngành điện tử đang được hỗ trợ nhưng người hưởng lợi chủ yếu là DN FDI” - TS Nguyễn Thị Thu Trang nhìn nhận.
 
“Điều đáng tiếc ở ngành điện tử là chúng ta muốn có một ngành sản xuất tại Việt Nam chứ không phải yếu tố do người Việt Nam sản xuất: Made in Vietnam thay vì Made by Vietnam. Cái chúng ta cần chú ý không chỉ là thành tích xuất khẩu, thu hút FDI mà còn là người Việt Nam được hưởng gì từ những thành tích này?” - ông Nguyễn Anh Dương lập luận.
 
“Khôn khéo” bảo hộ hàng nội địa
 
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng nông nghiệp và du lịch là 2 ngành có thế mạnh của Việt Nam nhưng lâu nay không được đầu tư bài bản, thiếu sự hỗ trợ của nhà nước. Dẫn chứng tình trạng nông sản thực phẩm của Trung Quốc kém chất lượng đang tràn vào Việt Nam, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết hiện trong ngành nông nghiệp, nhất là rau quả, đã không còn rào cản nào đối phó hàng ngoại nhập, trừ quy định về an toàn thực phẩm. Nhưng trong nước, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất rau quả an toàn, đưa tiến bộ kỹ thuật cho nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch lại rất hiếm.
 
Còn với ngành gỗ, mang tiếng là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết không nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước. “Chỉ có chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương tổ chức hằng năm cho khoảng 12 DN xuất khẩu đi Mỹ triển lãm đồ gỗ tại Hight Point hoặc Las Vegas. Chương trình dù nhỏ nhưng hiệu quả, có điều năm nay bị cắt rồi” - ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, thẳng thắn.
 
TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng hội nhập là con đường tất yếu để tạo ra sức ép, buộc nhà nước và DN phải thay đổi, nâng sức cạnh tranh. Giống như cả đoàn tàu đang đi trên biển, nếu Việt Nam dừng lại sẽ tụt hậu so với các nước. Có điều, nhà nước cần áp dụng cơ chế, chính sách bảo hộ lao động “khôn khéo” để giúp DN nội địa đứng vững mà không vi phạm quy định WTO và FTA.
 
 
Tham vấn kiểu hình thức
 
Liên quan đến chuyện tham vấn DN trước khi đàm phán các FTA, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho biết năm 2012, Chính phủ đã ra quyết định thiết lập cơ chế tham vấn giữa cơ quan nhà nước và DN. Tuy nhiên, qua vài lần cung cấp thông tin, DN thấy quá chung chung, còn đoàn đàm phán thì vướng thông tin mật. Rất may, thông tin trên... mạng như WikiLeaks lại công khai và VCCI đã lấy thông tin từ đây nghiên cứu những điều có lợi cho DN rồi kiến nghị nhà nước nhưng không đầy đủ.
 
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, vài lần cơ quan quản lý gửi văn bản đến HAWA xin ý kiến góp ý những điều khoản trong các FTA. Tuy nhiên, có công văn gửi theo đường hỏa tốc, yêu cầu phải góp ý trong... 3 ngày nên hội từ chối bởi cách làm hình thức.
 
 
 
THÁI PHƯƠNG
Tin bài liên quan
Loading...