Ghi nhận từ Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi tỉnh BR-VT lần thứ VII năm 2015: Những thông điệp ý nghĩa về an toàn lao động trong cuộc sống
“An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “An toàn trong sản xuất, an toàn trong cuộc sống và an toàn ở mọi lúc, mọi nơi” đó là thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về an toàn lao động mà Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi tỉnh BR-VT lần thứ VII năm 2015 do LĐLĐ tỉnh diễn ra trong hai ngày 12 và 14/3/2015.
Ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tình và ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao cờ và bằng khen cho các đội đạt cao tại Hội thi
An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn
Ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi (ATVSVG) lần thứ VII năm 2015 cho biết, thành công lớn nhất của Hội thi đã đem đến cho doanh nghiệp (DN), công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) những thông điệp ý nghĩa thiết thực về vần đề an toàn lao động trong sản suất cũng như trong cuộc sống hàng ngày như chính chủ đề của Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015, “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ mình, doanh nghiệp và xã hội”.
Qua các phần thi tự giới thiệu về đơn vị mình, thi trắc nghiệp, thi kiến thức về ATVSLĐ, thi thực hành sơ cấp cứu, cách xử lý tình huống qua hình ảnh các đội dự thi đã thể hiện khả năng hiểu biết, trách nhiệm của người lao động (NLĐ) và của DN, trong công tác ATVSLĐ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như thông qua tiểu phẩm, kịch nói, hò vè, sân khấu hóa, hát múa… thể hiện sự đầu tư công phu, sự luyện tập cũng như sự nghiêm túc của các đội khi tham gia hội thi.
Tiểu phẩm “Phút giây lơ đãng” của Công đoàn Đạm Phú Mỹ
Tiêu biểu đó là tiểu phẩm “Phút giây lơ đãng” của Công đoàn Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đã đem đến cho Ban giám khảo cũng như toàn hội trường lặng im, xúc động với cảnh một gia đình hạnh phúc, mỗi buổi sáng người cha chở con đi học, rồi đi làm, nhưng chỉ vì một phút bất cẩn, chủ quan của cán bộ an toàn kỹ thuật đã gây hậu quả nghiêm trọng, nổ bình khí, gây tai nạn lao động. Kết thúc tiểu phẩm là tiếng gào thét của người vợ, tiếng khóc nức nở của cô con gái và tiếng còi ing ỏi của xe cứu thương. Có thể, người cha sẽ mãi mãi không tỉnh lại, cuộc sống của hai mẹ con rồi sẽ ra sao? khi người cha, trụ cột trong gia đình đã mất đi. Cũng vì một phút giây lơ đãng, đã gây hậu quả nghiêm trọng, tan nát một gia đình hạnh phúc.
Bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày đó là thông điệp mà Công đoàn ngành Công Thương thể hiện với hình ảnh anh công nhân, hình ảnh cô gái đạp xe trên phố chở hàng quá nặng, không đảm bảo an toàn và hình ảnh bác nông dân cưa gỗ nhưng không có đồ
Bảo hộ Lao động, bụi gỗ bắn lên mắt. Hoạt cảnh diễn ra nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng cũng đầy ý nghĩa, dù bất cứ nơi đâu, làm việc gì cũng luôn đảm bảo an toàn, an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Nhộn nhịp, sôi động và có ý nghĩa tuyên truyền cao đó là phần tự giới thiệu của các đội đến từ LĐLĐ TP Vũng Tàu, Công đoàn ngành Xây dưng, Công đoàn Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro với những bài hát ca ngợi người công nhân lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị với phương châm “làm việc phải tuyệt đối an toàn, an toàn cho bạn, an toàn cho tôi và cho môi trường xung quanh”.
An toàn lao động trách nhiệm của mọi người
Nếu như sự ấn tượng, độc đáo mang ý nghĩa tuyên truyền cao được thể hiện ở phần thi tự giới thiệu, thì tại các phần thi trắc nghiệm, thi kiến thức và thi thực hành sơ cấp cứu lại thể hiện sự hiểu biết pháp luật về ATVSLĐ của các đội dự thi. Với những câu hỏi liên quan đến kiến thức pháp luật về công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN) như: nghĩa vụ và quyền lợi của DN và NLĐ trong công tác bảo hộ lao động; giải pháp để hạn chế ngăn ngừa tác hại của các yếu tố nguy hiểm, độc hại tới sức khỏe NLĐ; tác hại của môi trường lao động nóng, khói bụi đối cơ thể NLĐ; các biện pháp phòng ngừa chấn thương lao động sản xuất; quyền của NLĐ khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ bồi thường bằng hiện vật đối với NLĐ trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại; những tác hại của hóa chất tới sức khỏe của con người; các tác nhân gây ô nhiễm không khí; nhiệm vụ của CĐCS trong công tác ATVSLĐ; các nguyên nhân gây tai nạn lao động hiện nay; nghĩa vụ và quyền lợi của người sử dụng lao động trong công tác bảo hộ lao động; việc thành lập hội đồng Bảo hộ lao động trong doanh nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của tổ trưởng sản xuất trong công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp… Bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm, các đội cũng rất nhanh trí phát hiện ra những lỗi thường gặp trong công tác ATVSLĐ tại DN. Đó là hình ảnh anh công nhân cơ khí đang làm việc nhưng không mang giầy bảo hộ, kiếng bảo hộ, tư thế ngồi không đúng, kìm hàn tự chế rất nguy hiểm, phích điện quá gần; hay hình ảnh công nhân làm việc trên cao nhưng không có giàn giáo, đồ bảo hộ; hai công nhân mang vác vật nặng trên hai vai không đúng với quy định, chân mang dép… Tất cả đã đem đến cho Ban tổ chức, các đội thi cũng như các cổ động viên những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm trong công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ tại các DN.
Các đội tham gia thực hành băng bó vết thương
Không những thế, tại phần thi thực hành sơ cấp cứu, các đội thi một lần nữa lại khẳng định sự hiểu biết của mình về công tác sơ cấp cứu cũng như khả năng nhanh nhẹn ứng phó khi có trường hợp tai nạn lao động xảy ra. Đó là cách sơ cấp nạn nhân khi bị say nóng hoặc say nắng; nạn nhân bị điện giật ngưng tim, ngưng thở; cấp cứu nạn nhân khi bị thủng lồng ngực; cấp cứu nạn nhân bị ngạt thở do hơi khí độc, bị bỏng do nhiệt; cách băng bó vết thương ở trên mu bàn tay, ở gan bàn chân, ở mắt, ở đỉnh đầu; phương pháp cố định gãy xương đùi kín, gãy xương cẳng chân hở… Với mỗi phương pháp, Ban giám khảo đều đưa ra một quy trình, kinh nghiệm xử lý trong công tác sơ cấp cứu ban đầu như: cách sát trùng vết thương theo hình soắn ốc từ trong ra ngoài; nạn nhân bị bỏng axít không được rửa nước vì như vậy sẽ làm axít loang ra, nặng hơn hay đối với nạn nhân bị lòi ruột ổ bụng, khi sơ cấp cứu ban đầu, không được cố nhét ruột vào bụng, không được cho nạn nhân ăn uống và trong khi sơ cứu cần thường xuyên trò chuyện an ủi, động viên để nạn nhân giảm đau. Mục đích cuối cùng của việc sơ cấp cứu đó là cầm máu, giảm đau, giảm thiểu biến chứng xảy ra và cứu sống nạn nhân.
CNVCLĐ xem triển lãm đồ Bảo hộ lao động bên lề Hội thi
Phát biểu bế mạc hội thi, ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thi khẳng định, qua hai ngày thi đấu diễn ra sôi nổi, hào hứng, hội thi đã đạt những thành công to lớn và có ý nghĩa thiết thực trong việc tuyên truyền sâu rộng đến tất cả CNVCLĐ và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ hiện nay. Mặc dù chỉ có hai ngày, song Hội thi đã cung cấp cho các đội dự thi, các cổ động viên cũng như CNVCLĐ trong tỉnh những kiến thức cơ bản về công tác ATVSLĐ và mong rằng tất cả CNVCLĐ hãy đem những kiến thức về ATVSLĐ để tuyên truyền đến CNVCLĐ, DN về công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp góp phần xây dựng “Văn hóa an toàn”, “Văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ”. Qua đây, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới ATVSV, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp, an toàn lao động là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà của DN và của toàn xã hội.