Với chủ đề: “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, Tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ- PCCN) lần thứ 17-năm 2015 hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, hành động của doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội trong thực hiện đảm bảo công tác ATVSLĐ-PCCN. Để thực hiện tốt công tác này, rất cần sự quan tâm của doanh nghiệp, người lao động và sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh-kiểm tra
Diễu hành tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ qua các tuyến đường trên địa bàn thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thi
Đây là một trong những giải pháp quan trọng mang lại hiệu quả đã được các cấp, các ngành và các đơn vị thực hiện. Bởi, chỉ có nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động thì công tác ATVSLĐ-PCCN mới được phòng ngừa và đảm bảo. Để thực hiện hiệu quả, những năm qua, Ban Chỉ đạo công tác
bảo hộ lao động tỉnh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể, cơ quan thông tấn tuyên truyền một cách sâu rộng với nhiều hình thức phong phú để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể, trước, trong và sau Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Thường trực Ban chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh có kế hoạch cụ thể về nội dung này gửi các các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để triển khai hưởng ứng Tuần lễ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh-kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, cháy nổ, không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường lao động, nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN. Báo cáo thống kê của Ban chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, năm 2014, Ban đã tiến hành kiểm tra tại 34 doanh nghiệp về ATVSLĐ, qua đó đã lập 34 biên bản, đưa ra 319 kiến nghị nhắc nhở thực hiện. Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy-Công an tỉnh cũng đã tổ chức 43 lớp huấn luyện nghiệp vụ về công tác phòng cháy chữa cháy với 2.931 người tham gia, tuyên truyền 42 buổi, với 2.801 người tham gia trực tiếp công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm và khu dân cư. Tổ chức 16 cuộc diễn tập kỹ thuật an toàn và phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư về công tác phòng cháy chữa cháy.
Nhờ đó, thời gian qua người sử dụng lao động và người lao động đã phần nào nhận thức tốt hơn về ngăn ngừa tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra. Tính riêng năm 2014, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chi hơn 71,5 tỷ đồng cho công tác bảo hộ lao động, có 27.280 lao động được khám sức khỏe định kỳ…
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ATVSLĐ-PCCN vẫn còn những hạn chế, như: nhận thức của người dân về phòng-chống cháy nổ còn hạn chế; việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ-PCCN của một bộ phận doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều cơ sở sản xuất có môi trường lao động ô nhiễm nặng gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe cho người lao động và gây tác hại đến môi trường chung của cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Việc quản lý môi trường lao động, quản lý sức khỏe người lao động tại các doanh nghiệp còn hạn chế.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, cho biết: Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động, cháy nổ trong doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người lao động, người sử dụng lao động thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hàng năm, đầu tư kinh phí, bố trí nhân lực để thực hiện kế hoạch; cải tạo sửa chữa nâng cấp để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại trong sản xuất; thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời người bị bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình sản xuất, người lao động cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, biện pháp làm việc an toàn; mang bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Để các vụ cháy nổ không xảy ra, Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng PC66 Công an tỉnh, cũng đưa ra các giải pháp là các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp cần chủ động về lực lượng, phương tiện tại chỗ theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Cùng với đó, ở khu vực dân cư phải làm tốt công tác tuyên truyền nhắc nhở người dân sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị tiêu thụ điện một cách an toàn. Đặc biệt, trong sử dụng điện phải có thiết bị bảo vệ an toàn, tắt cả thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết. Và phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện để đề phòng quá tải chập mạch điện. Trong sử dụng nguồn lửa phải cẩn thận để khắc phục những nguy cơ có thể dẫn đến cháy.
Đinh Yến