Giảm quá tải về thanh tra để hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp
Thực tế đã chứng minh, để có thể khởi sự thành công, một doanh nghiệp cần trang bị cho mình kiến thức pháp luật về nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật, nhất là khi chúng được chỉ ra qua hoạt động thanh tra.
Phát hiện nhiều sai phạm qua thanh tra
Nêu khó khăn trong thanh tra doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Tùng từng chia sẻ: Năm 2015, kết quả thực hiện 152 cuộc thanh tra tại 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hiện 1.786 sai phạm tại các doanh nghiệp, bình quân 12 sai phạm/doanh nghiệp. Các sai phạm của doanh nghiệp tập trung vào vấn đề giao kết hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc và thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương; các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và một số nội dung về bảo hiểm.
Trong năm 2016 và năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát động chiến dịch thanh tra lao động trong ngành xây dựng và điện tử. Riêng với ngành điện tử, theo kết quả khảo sát, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động tại các doanh nghiệp điện tử là do làm thêm giờ quá nhiều. Các nguyên nhân khác bao gồm thiếu đào tạo về an toàn và sức khỏe lao động, không đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân và người sử dụng lao động không áp dụng các giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra còn có những vi phạm pháp luật lao động về tiền lương, tiền làm thêm giờ, đóng góp bảo hiểm và phụ cấp làm việc trong ngày nghỉ lễ.
Đề xuất về giải pháp thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật lao động, ông Tùng cho rằng, cần đổi mới phương thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về hợp đồng lao động cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân sự trong các doanh nghiệp và nhận thức người lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp; phát triển và cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp luật lao động miễn phí cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại cơ quan, đơn vị sử dụng lao động...
Gỡ “gánh nặng” thanh tra, kiểm tra
Đành rằng việc tăng cường thanh tra, kiểm tra là một giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh những vi phạm nếu có trong quá trình lập nghiệp, sản xuất kinh doanh nhưng qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể...
Đáng chú ý là có những doanh nghiệp bị cơ quan thanh tra tới 3 lần/năm; thậm chí có năm, có những doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra tới 11 đến 12 lần. Điều này gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp, tăng gánh nặng chi phí và tốn kém thời gian, ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính của những tồn tại trên nổi lên là sự phân công giữa các bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng.
Bởi thế, để khắc phục các hạn chế, hồi tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg nhằm chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Yêu cầu đầu tiên của Chỉ thị 20 là khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.
Triển khai Chỉ thị 20, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tăng cường thông tin, phối hợp để tiến hành lập kế hoạch thanh tra và triển khai kế hoạch thanh tra tránh trùng lặp theo quy định của pháp luật. Đây thực sự là tín hiệu tốt, mang lại kỳ vọng thay đổi nhận thức và tư duy của khoảng 4,9 triệu hộ kinh doanh vốn không mong muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp trước những quan ngại về áp lực thuế, phí; gánh nặng về tuân thủ thủ tục và những vướng mắc do quá tải vì bị thanh tra, kiểm tra.
T.Quyên