Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10539
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Giảm thiểu TNGT đường sắt từ các trạm trực gác
Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt gia tăng, trong đó có không ít số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Thủ đô, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thành lập các trạm trực gác đảm bảo ATGT tại các điểm đường ngang giao cắt với đường sắt. Sau một năm đi vào hoạt động, các trạm gác chắn đường sắt này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt trên địa bàn thành phố.
 
Sự cấp thiết phải có trạm gác chắn

Tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua địa bàn 3 huyện ngoại thành Hà Nội, gồm: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên đều có chung một đặc điểm là bám theo hành lang giao thông quốc lộ 1A (cũ). Bởi vậy, trên đoạn tuyến này có rất nhiều điểm đường ngang giao cắt với đường sắt.
 
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thường Tín, đoạn tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua có chiều dài 16,5 km, giao cắt với hơn 10 trục đường ngang dân sinh. Trong đó có 5 trục đường ngang dân sinh có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Do đó, đối với những điểm giao cắt này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thường Tín còn có nhiều khu dân cư tập trung đông dân nằm ven đường sắt thuộc các xã, thị trấn: Thường Tín, Nhị Khê, Duyên Thái, Quất Động, Tô Hiệu, Văn Tự, Minh Cường. Trên thực tế, các khu dân cư này đã được hình thành từ nhiều năm nay. Song, điều đáng quan tâm là mật độ của các khu dân cư này ngày càng đông đúc. Hầu hết nhà cửa tại các khu dân cư này đều đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt, nhưng vẫn tồn tại các vi phạm về cây cối, bày bán hàng, để vật liệu xây dựng. Còn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua 6 xã, thị trấn của huyện với chiều dài 9,7 km. Trên đoạn tuyến chạy qua Phú Xuyên có 12 trục đường dân sinh chính vào các khu dân cư giao cắt với đường sắt. 
 
 
Một trong những trạm gác chắn đường sắt Bắc- Nam trên địa bàn huyện Thường Tín do Sở GTVT Hà Nội thành lập và duy trì hoạt động
 
Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm 2011 trở về trước, đoạn tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên có hơn 10 trục đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt (có phép) và là trục chính nhưng không hề có rào chắn, hay thiết bị cảnh báo. Không chỉ còn thiếu thiết bị báo hiệu, mà công ty quản lý đoạn đường sắt Bắc- Nam chạy qua địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội còn có phần tắc trách trong việc kiểm tra, sửa chữa thiết bị báo hiệu tại các điểm đường sắt giao cắt với đường bộ có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Thực tế tại điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc- Nam và đường dân sinh thuộc địa bàn xã Văn Tự (Thường Tín) là một ví dụ. Ở điểm giao cắt này, tuy không có ghi chắn, nhưng từ lâu đã được lắp đặt thiết bị báo hiệu. Song, thiết bị báo hiệu tại đây đã bị hỏng trước đó một ngày mà không được đơn vị quản lý đường sắt sửa chữa kịp thời dẫn đến hậu quả vào ngày 22-11-2009, đã xảy ra vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm 20 người chết và bị thương. Tiếp đến, ngày 29-3-2011, tại điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc- Nam và đường dân sinh (lối rẽ vào chùa Đậu huyện Thường Tín) cũng đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô chở khách khiến 9 người thiệt mạng…

Theo Ban ATGT thành phố Hà Nội, năm 2011, trên địa bàn thành phố xảy ra 31 vụ (giảm 6 vụ so với năm 2010), làm chết 41 người (giảm 5 người so với 2010), số người bị thương 13 người (giảm 5 người so với năm 2010). Trong 2 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt làm chết 4 người. 
 
Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương kiến nghị, tại những điểm giao cắt giữa đường sắt và trục đường dân sinh có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn, ngoài lắp đặt các thiết bị báo hiệu nên có rào chắn và cử người trực gác. Bởi vậy, tháng 4-2011, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã quyết định thành lập 14 trạm gác chắn đảm bảo ATGT tại 14 điểm đường ngang giao cắt với đường sắt. Trong đó có 9 trạm gác chắn trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên được giao cho Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây đảm nhận.
 
Không để xảy ra TNGT đường sắt

Anh Dương Văn Tịnh, Đội trưởng Đội trực gác đảm bảo ATGT qua đường sắt trên quốc lộ 1A- Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây cho biết, Công ty đã thành lập 1 đội trực gác gồm 41 người nhằm đảm bảo ATGT tại 9 điểm đường ngang giao cắt với đường sắt Bắc Nam thuộc địa bàn 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Tại các điểm giao cắt này, các trục đường ngang dân sinh đều có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất đông nên Công ty đã cắt cử mỗi trạm gác chắn 4 công nhân túc trực. Hàng ngày việc túc trực tại mỗi trạm gác chắn được chia làm 2 ca (ca 1 trực từ 5 giờ đến 13 giờ; ca 2 trực từ 13 giờ đến 21 giờ), mỗi ca do 2 công nhân đảm nhận. 
 
Qua tìm hiểu được biết, công nhân gác chắn được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động có gắn phản quang, đèn pin, còi, cờ, băng đỏ và một số thiết bị cần thiết khác… Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây cũng đã xây dựng nội quy, quy chế cho cán bộ và công nhân tham gia trực gác. Lực lượng công nhân trực gác luôn tuân thủ đúng nội quy, quy chế của Công ty đề ra, không có tình trạng tự ý bỏ vị trí gác. Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, tại 9 trạm gác do Công ty đảm nhiệm không để xảy ra vụ TNGT nào. Bên cạnh việc túc trực tàu chạy, lực lượng trực gác của Công ty còn thường xuyên quét dọn vật liệu rơi vãi ra đường, tích cực hỗ trợ cho người và các phương tiện giao thông qua lại đảm bảo an toàn giao thông.

Theo anh Tịnh, hệ thống chuông, đèn tín hiệu của ngành đường sắt tại 6/9 trạm gác chắn do Công ty đảm nhận thường xuyên bị chập khi gặp thời tiết xấu hoặc khi công nhân duy tu đường sắt vô tình đổ đá balat vào đúng vị trí cảm biến của tín hiệu. Gặp hiện tượng này lực lượng trực gác của Công ty phải chủ động báo cho cán bộ kỹ thuật sửa chữa chuông, đèn tín hiệu của ngành đường sắt để kịp thời khắc phục, sửa chữa; đồng thời chủ động quan sát hai bên để phát hiện khi có tàu đến để đảm bảo ATGT cho người và các phương tiện qua lại. Ngoài ra, đến nay 3/9 trạm gác chắn không có chuông và đèn tín hiệu cảnh báo khi có tàu đến của ngành đường sắt (Quất Lâm, Tiểu học Thắng Lợi, Quang Trung) nên rất khó khăn cho công tác trực gác. Để đảm bảo ATGT tại các vị trí này, lực lượng trực gác phải thường xuyên thông báo bằng điện thoại giữa các trạm có chuông và đèn tín hiệu cho các trạm không có chuông và đèn tín hiệu. Mặt khác, lực lượng trực gác tại các vị trí này còn phải chia nhau mỗi người quay về một phía để quan sát được tàu đến từ xa.
 
Được biết, sau một năm đi vào hoạt động, tại 14 trạm gác chắn đường sắt do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thành lập không để xảy ra vụ TNGT đường sắt nào. Trong khi đó, ngoài các điểm gác chắn đường sắt kể trên không ít vụ TNGT đường sắt đáng tiếc vẫn xảy ra. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong quý I vừa qua, trên đoạn tuyến đường sắt chạy qua địa bàn 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên xảy ra 6 vụ TNGT đường sắt, làm chết 4 người. 
 
Trên thực tế, cao độ giữa đường tàu Bắc- Nam với quốc lộ 1A (cũ), đặc biệt tại khu vực ngoại thành Hà Nội là rất lớn (từ 0,8m -1,25m). Bởi vậy, ngoài việc thành lập các trạm gác chắn đường sắt, Sở GTVT cũng đã chỉ đạo đơn vị chức năng tôn mặt đường nhằm rút ngắn cao độ tại các điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A (cũ) và các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, liên thôn có tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua nhằm đảm bảo ATGT.
Tin bài liên quan
Loading...