Giầy Thượng Đình lao đao sau một năm lên sàn chứng khoán
Báo cáo kiểm toán năm 2017 của Giầy Thượng Đình đã bị đơn vị kiểm toán từ chối do không thể xác định nhiều yếu tố quan trọng.
Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình (mã CK: GTD) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2017 với nhiều chi tiết đáng chú ý. Ngoài khoản lỗ tăng đột biến lên gần 14 tỷ đồng, Công ty TNHH Vaco, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho Giầy Thượng Đình cũng đã từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo này.
Theo Vaco, Giầy Thượng Đình chưa xác định giá thành của thành phẩm nhập kho theo thực tế chi phí phát sinh. Một phần chi phí khấu hao và chi phí nhân công chưa tập hợp đủ trong giá thành theo phương pháp tính và ghi nhận đủ vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
Bên trong nhà máy sản xuất của Giầy Thượng Đình.
"Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán để xác định số liệu liên quan đến tính giá thành phẩm, cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của vấn đề trên với các chỉ tiêu tài chính", kiểm toán viên của Vaco đánh giá.
Năm 2017, Giầy Thượng Đình báo lỗ tới gần 14 tỷ đồng, tăng đột biến so với năm trước dù doanh thu và lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân chính do khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên hơn 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận hơn 17 tỷ đồng.
Theo thuyết minh chi tiết, phần gia tăng nằm ở cả năm tiểu mục nhỏ, trong đó tăng cao nhất là chi phí nhân công và dự phòng nợ phải thu khó đòi. Hai khoản mục này ghi nhận lần lượt 17,2 tỷ và 9,7 tỷ đồng.
Việc phải trích lập dự phòng gần chục tỷ đồng, thực tế, đã được báo trước từ thời điểm Giầy Thượng Đình đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào tháng 12/2016.
Trong bản công bố thông tin khi đó, doanh nghiệp này cho biết, tổng nợ xấu tính tới 18/7/2016 đạt hơn 13 tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ hơn 250 triệu đồng.
12,4 tỷ đồng trong số nợ xấu nêu trên thuộc về trách nhiệm của bà Đỗ Thị Hòa và các thành viên có liên quan (bao gồm con rể bà Hòa và Công ty Thương mại
bao ho lao dong Giày dép do bà Hòa làm Giám đốc). Tính đến 18/7/2016, doanh nghiệp vẫn chưa đối chiếu được khoản công nợ và thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Trong báo cáo tài chính 2017, toàn bộ phần nghĩa vụ tài chính này vẫn không thay đổi nhưng chuyển về một pháp nhân duy nhất là Công ty Thương mại Bảo hộ lao động Giày dép.
Các sản phẩm chính của Giầy Thượng Đình là giầy vải, giầy thể thao và đồ bảo hộ lao động.
Niêm yết trên UPCoM được gần 1 năm nhưng mã chứng khoán GTD của Giầy Thượng Đình gần như mất thanh khoản. Từ mức giá chào sàn 44.000 đồng, đến nay cổ phiếu này chỉ còn 10.000 đồng với quy mô vốn hóa chưa tới 100 tỷ đồng.
Điểm tựa hiếm hoi của Giầy Thượng Đình giờ là danh mục bất động sản có giá trị. Công ty đang sở hữu khá nhiều vị trí đất đẹp, trong đó có phần diện tích nhà xưởng nằm quận Thanh Xuân, Hà Nội với diện tích hơn 36.000 m2. Theo thông tin quy hoạch tại Hà Nội, có thể đến 2019, Giầy Thượng Đình sẽ phải di dời ra ngoại thành. Mảnh đất này có thể đem lại cho công ty những khoản lợi nhuận đột biến trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chỉ đem về vài tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Được thành lập năm 1957, Giày Thượng Đình từng là một thương hiệu nổi tiếng với sản phẩm chủ lực là giày vải và giày thời trang. Những sản phẩm này đã được công ty xuất khẩu đi các thị trường Đông Âu (cũ), EU từ những năm 1985.
Đầu thập niên 90, thương hiệu giầy này gần như giữ vị thế độc tôn. Hình ảnh đôi giày vải với sọc xanh trên đế nhựa dẻo đã trở thành thân thuộc với nhiều người.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của Giầy Thượng Đình chỉ kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 21. Hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA), quá trình gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) là những bước ngoặt với hoạt động của thương hiệu truyền thống này.
Mặt hàng giày dép của Thái Lan và một số nước lân cận xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường trong nước, cùng với đó là sự du nhập của những thương hiệu lớn như Nike hay Adidas đã đánh bật Thượng Đình khỏi những thành phố lớn - nơi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi ngày càng nhanh.
Theo VnExpress