Giữ vững hiệu quả sản xuất kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế giảm phát
LTS: Từ năm 2011 đến nay, tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn đã tác động, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp quân đội nói riêng. Trong bối cảnh đó, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, kết quả SXKD của Tổng Công ty (TCT) 28 vẫn được giữ vững. Thu nhập bình quân 9 tháng đầu năm 2012 của người lao động đạt gần 5.400.000 đồng/tháng. Phóng viên (P.V) Tạp chí Hậu cần Quân đội đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Kim Hương - Phó tổng Giám đốc Bí thư Đảng uỷ TCT 28 xung quanh vấn đề này.
Đại tá Lê Kim Hương - Phó tổng Giám đốc Bí thư Đảng uỷ TCT 28.
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Đảng uỷ, thời gian qua, kinh tế thế giới và đất nước suy thoái đã tác động đến hoạt động SXKD của TCT như thế nào?
Đại tá Lê Kim Hương: Cũng như các doanh nghiệp dệt may khác, khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam đối với TCT 28 là: Nhiều nhà nhập khẩu đột ngột cắt giảm đơn hàng hoặc ngưng đặt hàng. Giá các loại nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng rất nhanh, buộc các đơn vị trong TCT phải nhập khẩu nguyên vật liệu với giá cao để duy trì sản xuất các mặt hàng đã ký hợp đồng. Trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng (9 tháng đầu năm 2012 tăng 9,96% so với cùng kỳ năm trước). Lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng tiếp tục giữ ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và huy động các nguồn vốn; doanh nghiệp không mua được ngoại tệ để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu nguyên phụ liệu. Tình hình biến động lao động tại doanh nghiệp rất phức tạp; tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra Những yếu tố trên có ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch, hiệu quả SXKD và lợi nhuận của các đơn vị thành viên cũng như của toàn TCT.
P.V: Trước tình hình trên, chủ trương, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện của TCT và các công ty thành viên ra sao?
Đại tá Lê Kim Hương: Trước những khó khăn trên, TCT đã tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề cho các lãnh đạo, chỉ huy TCT và các đơn vị thành viên, tập trung bàn các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may do TCT sản xuất tại thị trường nội địa và quốc tế; cập nhật các kiến thức về thương mại, luật pháp, rào cản kỹ thuật quốc tế nhằm hạn chế thua thiệt trong các giao dịch (thương vụ) quốc tế; đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn, kỹ thuật, nhân sự tiên tiến của các nước trên thế giới. Cùng với đó, TCT cũng yêu cầu các đơn vị trong TCT tăng cường phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng cho nhau; nghiên cứu, chuyển đổi ngành hàng, mặt hàng phù hợp với thị trường và khả năng của doanh nghiệp; chú trọng phát huy thế mạnh nội lực sẵn có, kết hợp với đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ giữa các đơn vị ngành dệt với các đơn vị ngành may và tích cực chuẩn bị cho việc thành lập các liên kết chuỗi. Đây chính là xu hướng phát triển tất yếu của dệt may thế giới trong thời kỳ mới. Đặc biệt, TCT có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị áp dụng công nghệ mới vào SXKD nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống luôn tìm cách phát triển thị trường mới, thị trường tiềm năng nhằm phân tán những rủi ro khi xảy ra khủng hoảng tại quốc gia nhập khẩuĐối với các công ty thành viên đã tiến hành sắp xếp lại sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu mặt hàng phù hợp, tổ chức sắp xếp lại chuyền sản xuất đảm bảo hợp lý, khoa học, tinh gọn, nâng cao năng suất lao động. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình sản xuất cũng được phổ biến kịp thời để các đơn vị cùng áp dụng. Các đơn vị cũng rất chú trọng đến khâu đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong quá trình áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, cử các cán bộ sang học hỏi kinh nghiệm của đơn vị có năng lực sản xuất tốt nhất, năng suất cao nhất để áp dụng tại đơn vị mình.
P.V: Kết quả SXKD và đời sống của người lao động trong năm 2011- 2012 so với năm 2010 như thế nào? Thưa đồng chí?
Đại tá Lê Kim Hương: Nhờ có sự đồng thuận cao trong nhận thức, đồng bộ trong giải pháp và quyết liệt trong hành động nên kết quả SXKD của toàn TCT ngày càng có hiệu quả, tốc độ tăng trưởng đạt trên 25%/năm, trở thành một trong 5 doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam có quy mô lớn, phát triển nhanh, bền vững, nền tài chính lành mạnh, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định và thu nhập cao cho trên 5.000 người lao động. Cụ thể: So với năm 2010, doanh thu năm 2011 đạt 1.708 tỷ đồng (tăng 6,3 %), năm 2012 dự kiến đạt 2.698 tỷ (tăng 67,8 %); lợi nhuận năm 2011 đạt 78 tỷ (giảm 6,9 %), năm 2012 đạt 97 tỷ (tăng 15,9 %); thu nhập bình quân năm 2011 đạt 4.378.654 đồng/tháng/người (tăng 1,8%), năm 2012 dự kiến đạt 5.350.000 (tăng 24,4 %).
Dây chuyền sản xuất hàng quốc phòng ở TCT 28. Ảnh: ĐÌNH THẢO
Đối với người lao động, TCT luôn lo đủ việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định và tăng dần. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách tiền lương, bảo hiểm y tế, trợ cấp ốm đau, thai sản, trang bị
bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hưu trí một lần, tử tuất. Tổ chức các đợt an dưỡng, nghỉ mát cho cán bộ, công nhân và người lao động. Hỗ trợ 300.000đ/người/tháng tiền thuê nhà cho số công nhân chưa có nhà ở. Vào dịp Tết Nguyên đán, TCT còn tổ chức phương tiện đưa đón công nhân về quê. Xây dựng bếp ăn công nghiệp, phục vụ miễn phí bữa ăn ca cho người lao động đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, TCT đã tạo điều kiện cho người lao động gây quỹ “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với số tiền tự quyên góp mỗi năm là 800 triêu đồng, có ý nghĩa thiết thực đối với người lao động, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài việc chăm lo cho đời sống của cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn đơn vị, TCT còn luôn làm tốt công tác xã hội từ thiện, đoàn kết quân dân, xây dựng địa bàn, đơn vị an toàn, chăm lo giúp đỡ các gia đình công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn. Ba năm vừa qua, TCT đã xây dựng trạm xá cho xã Anh hùng thuộc vùng sâu của tỉnh Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia với trị giá 2,5 tỷ đồng; xây dựng 44 căn nhà tình nghĩa, tình thương trị giá 3,4 tỷ đồng; tham gia an sinh xã hội và ủng hộ địa phương 1,7 tỷ đồng; đóng góp vào các quỹ từ thiện với số tiền 3,35 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi và trợ cấp khó khăn, ung hô thiên tai, lu lut cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị là 5,5 tỷ đồng. TCT là đơn vị đi đầu trong tham gia các phong trào văn hóa thể thao, giao lưu kết nghĩa, hội thi tại các địa phương nơi đóng quân, với chi phí cho các hoạt động là 3,2 tỷ đồng/năm
P.V: Theo dự báo, năm 2013, kinh tế đất nước sẽ từng bước ổn định; xin đông chí cho biết những chủ trương chính của TCT trong việc phát triển SXKD?
Đại tá Lê Kim Hương: Chủ trương của TCT trong phát triển SXKD trong những năm tới như sau:
Trước hết, chuẩn bị kỹ đề án và tổ chức thực hiện việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng chiến lược và tầm nhìn dài hạn phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, xoá bỏ tư duy ngắn hạn, manh mún, nhỏ lẻ, tư duy nhiệm kỳ; hướng tới việc sản xuất những sản phẩm sinh thái gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, sản phẩm kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là điều tất yếu để có thể phát triển bền vững, lâu dài đối với mỗi doanh nghiệp.
Hai là, tập trung xây dựng văn hoá doanh nghiệp và cơ chế ứng xử hướng về người lao động nhằm đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người lao động để họ yên tâm gắn bó với đơn vị, thực sự cống hiến tài năng và trí tuệ cho hiệu quả chung của đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; xây dựng các chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút nhân tài và giữ nguồn lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Thực hiện xây dựng cơ chế tiền lương, tiền thưởng thích hợp theo đúng nghĩa là đòn bẩy kinh tế, tinh thần nhằm nâng cao tính trách nhiệm, phấn đấu, sáng tạo trong môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường công tác thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường, môi trường kinh doanh để đề ra các giải pháp phù hợp, cơ cấu lại khách hàng, nguồn hàng theo hướng chuyên môn hoá, hợp tác lâu dài nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng cường công tác quản trị rủi ro, tiết kiệm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
P.V: Xin cám ơn đồng chí.
NGUYỄN HỒNG QUANG (thực hiện)