Liên tục những ngày qua, Báo Người Lao Động đã thông tin về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra dồn dập trên địa bàn TPHCM: Trong vòng 1 tuần, đã có 5 vụ TNLĐ làm chết 6 người, bị thương nặng 6 người. Làm gì để sản xuất an toàn; ngăn ngừa, hạn chế những tổn thất nghiêm trọng về người và của do TNLĐ? Báo Người Lao Động đã đi tìm câu trả lời từ những người có trách nhiệm...
Ông Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN:
Cần có chế tài đủ mạnh
TNLĐ là một trong những nỗi đau lớn nhất của người lao động (NLĐ), người chịu hậu quả trước tiên chính là họ và gia đình. Hiện nay, những quy định của pháp luật về an toàn- vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) tương đối đầy đủ và cụ thể nhưng việc chấp hành của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ còn hạn chế. Đây là vấn đề cần quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành của các bên còn thấp và pháp luật chưa đủ chế tài mạnh để buộc họ thực hiện.
Việc xử lý các vi phạm về AT-VSLĐ hiện nay chủ yếu trông cậy vào đội ngũ thanh tra viên làm nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về AT-VSLĐ. Song theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, đội ngũ thanh tra này còn quá ít, mỗi thanh tra phải đảm đương tới 300 doanh nghiệp; riêng tại TPHCM, con số phải lên đến hàng chục ngàn... Do vậy, trong khi cả NSDLĐ và NLĐ chưa tự giác chấp hành các quy định thì những biện pháp chế tài đủ mạnh để buộc họ phải chấp hành pháp luật về AT-VSLĐ là cần thiết. Không thể cứ nương nhẹ để NLĐ phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng của mình.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng Ban Thanh tra Kỹ thuật An toàn- Bảo hộ lao động, Sở LĐ-TB-XH TPHCM:
TPHCM cần có thanh tra chuyên ngành cấp quận, huyện
Hiện nay, thanh tra AT- VSLĐ chỉ có ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cấp quận chỉ có đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện Bộ Luật Lao động, trong đó có nội dung về AT- VSLĐ. Hằng năm, chúng tôi chỉ thanh tra chưa đến 100 doanh nghiệp; nếu kể cả cấp quận thì cũng chỉ trên 1.000 doanh nghiệp, trong khi có đến 10.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Công tác thanh tra không thể theo sát được tình hình sản xuất trên địa bàn. Năm 2003, đã xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm trên 170 triệu đồng, đề nghị khởi tố 8 doanh nghiệp; nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Chúng tôi kiến nghị, riêng TPHCM phải có thanh tra chuyên ngành AT- VSLĐ cấp quận, huyện để tăng cường giám sát công tác AT- VSLĐ tại doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phải xử lý thật nặng những doanh nghiệp không thực hiện công tác AT- VSLĐ, để xảy ra TNLĐ chết người hoặc bệnh nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Bao bì APP (quận 12-TPHCM):
Giám đốc phải trực tiếp giám sát công tác AT-VSLĐ
TNLĐ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống NLĐ và hoạt động của doanh nghiệp. Ý thức được điều này nên ngoài chuyên viên kỹ thuật an toàn lao động, đích thân giám đốc công ty giám sát trực tiếp công tác
bảo hộ lao động tại đơn vị. Ngay khi đặt hàng máy móc, thiết bị sản xuất, chúng tôi đề nghị đối tác trình bày các nguyên tắc an toàn của thiết bị, đồng thời yêu cầu phải lắp đặt hệ thống an toàn phù hợp với điều kiện sản xuất tại công ty. Nhà cung cấp thiết bị có trách nhiệm hướng dẫn thao tác kỹ thuật an toàn cho NLĐ đối với từng loại thiết bị. Ngoài việc tập huấn về công tác an toàn lao động, các tổ trưởng có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở công nhân (CN) về nội quy làm việc an toàn, dán hướng dẫn sử dụng máy móc tại vị trí làm việc... Công ty đưa công tác an toàn lao động vào nội dung quan trọng nhất trong nội quy lao động. Những hành vi xem thường, lơ là về an toàn lao động sẽ bị nghiêm khắc xử lý, thậm chí cho nghỉ việc.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quán, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động tại TPHCM:
Nên có chương trình huấn luyện AT-VSLĐ cho NSDLĐ
Môi trường lao động hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm dẫn đến TNLĐ. Phần lớn NLĐ và NSDLĐ chưa được cung cấp những kiến thức tối thiểu về AT- VSLĐ.
Để hạn chế tình hình TNLĐ đang ngày càng gia tăng, ngoài việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, còn phải có chương trình huấn luyện về công tác AT-VSLĐ cho NSDLĐ. Cần chỉ rõ cho họ thấy được những lợi ích của sản xuất an toàn để từ đó, họ có thể tự giác thực hiện công tác bảo hộ lao động. Hiện nay, có 2 quy định về AT- VSLĐ mà các doanh nghiệp cố ý phớt lờ: Xây dựng nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị và huấn luyện về AT- VSLĐ, thao tác lao động cho NLĐ tại cơ sở. Nếu thực hiện tốt 2 vấn đề cơ bản ấy, sẽ giảm thiểu được TNLĐ.
Bà Dương Thị Kim Loan, Chuyên viên bảo hộ lao động, LĐLĐ TPHCM:
Nếu phát hiện nguy cơ tai nạn, kiên quyết từ chối làm việc
Theo thống kê, khoảng 10 năm trở lại đây, tai nạn do ngã cao, điện giật, vật rơi đè, năm nào cũng đứng vị trí hàng đầu trong các vụ TNLĐ chết người, TNLĐ nặng. Biết rõ như vậy, nhưng vì sao không ngăn chặn, phòng ngừa được? Suy cho cùng, vẫn là do con người quá chủ quan, lơ là, coi thường các quy định của pháp luật. Đọc Báo Người Lao Động về TNLĐ dồn dập những ngày qua, tôi thấy rõ, TNLĐ thật sự là thảm họa: Không chỉ với người đã chết, mà cả với người còn sống lẫn gia đình và xã hội. Người xưa có câu: “Cẩn tắc vô áy náy”. Vì sự an toàn của bản thân, vì lợi ích doanh nghiệp, NLĐ hãy chấp hành đúng, đủ các quy định về an toàn lao động. Nếu phát hiện nguy cơ tai nạn thì phải kiên quyết từ chối làm việc, cho tới khi nào nguy cơ được khắc phục.
Ông Dương Văn Hai, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích quận 3 - TPHCM:
Thường xuyên kiểm tra, không để CN lơ là, chủ quan
Nhiều năm qua, tại công ty không xảy ra TNLĐ nào nghiêm trọng, nhưng khi đọc báo thấy những vụ TNLĐ dồn dập trong tuần qua, nhất là vụ tai nạn tại Công ty Dịch vụ Công ích quận 4, chúng tôi bỗng giật mình. Quả thật, máy móc, thiết bị dù có hiện đại đến đâu cũng không thể bảo đảm tuyệt đối an toàn vì không biết sẽ hư hỏng lúc nào! Cho nên, sự cẩn trọng không bao giờ thừa. Ở công ty chúng tôi, CN được huấn luyện, sát hạch, cấp giấy chứng nhận về AT-VSLĐ trước khi ký hợp đồng lao động; công tác AT-VSLĐ được đưa vào nội dung thi tay nghề, xét thi đua hằng năm. Tất cả các thiết bị chuyên dùng như xe vận chuyển, ép rác... đều có quy trình vận hành và xử lý sự cố. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định này, không để CN lơ là, chủ quan.
Bà Nguyễn Phụng Tế, Chủ tịch CĐ Công ty Cholimex:
Dành kinh phí thỏa đáng cho công tác an toàn lao động
Mỗi năm, công ty dành trên 100 triệu đồng chi phí cho công tác bảo đảm an toàn lao động. Trong đó, khoảng 1/3 chi phí dành cho huấn luyện nghiệp vụ cho CN như vận hành lò hơi, kỹ thuật an toàn... Ngoài ra, công ty còn xây dựng mạng lưới an toàn- vệ sinh viên hoạt động hiệu quả. Nhiều năm qua, công ty không xảy ra cháy nổ, bảo đảm an toàn sản xuất; tính mạng, sức khỏe CN.
Hồ Thủy Anh Minh ghi