Hàng nghìn vụ tai nạn lao động bị bưng bít thông tin
Một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê về các vụ tai nạn lao động chưa sát với thực tế là do doanh nghiệp thỏa thuận, bưng bít thông tin.
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay gần khép lại với sự tham gia của tất cả các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp… Bước đầu đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít vụ tai nạn lao động bị bưng bít thông tin.
Thống kê từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, tai nạn lao động xảy ra hàng năm gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Nếu ở giai đoạn 1995 - 2005, trung bình mỗi năm xảy ra 2.600 vụ tai nạn lao động, làm 260 người chết, đến giai đoạn 2006 - 2016 đã lên tới 6.000 vụ/năm, làm 600 người chết, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Riêng năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm chết hơn 860 người.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Các hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động phổ biến, như nhiều doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; Không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; Không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động…
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp lơ là, thiếu kiểm tra giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề vệ sinh an toàn lao động. Đặc biệt, hơn 90% doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động...
Ông Nguyễn Anh Thơ nói: “Việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người lao động nói chung vẫn còn thấp, đặc biệt trên các công trình xây dựng có nhiều lao động tự do. Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư, chủ thầu lớn có quy định, có ý thức để tuân thủ nhưng số lao động thực sự của họ thì không có nhiều. Đa số những lao động được huy động từ các nguồn lao động tự do ở ngoài. Theo quy định của pháp luật thì bắt buộc các đơn vị sử dụng lao động phải được trang bị đầy đủ cho người lao động nhưng việc đó không đầy đủ, đồng thời, một phần do ý thức sử dụng thường xuyên các trang bị của người lao động”.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, qua số liệu điều tra từ phía các cơ sở y tế và bệnh viện, số người chết do tai nạn lao động cao gấp 2 đến 3 lần con số thống kê. Hiện chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) báo cáo về tình hình tai nạn lao động, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hầu như không báo cáo.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phân tích, một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê chưa sát với thực tế là do doanh nghiệp thỏa thuận, bưng bít thông tin. Khi để xảy ra tai nạn, nhiều đơn vị sử dụng lao động (đặc biệt là trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng) đã thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc nhằm che đậy những sai sót trong công tác đảm bảo an toàn lao động.
Ngoài ra, khó vận động người làm chứng khi đối tượng vi phạm không chịu ký biên bản vi phạm hành chính…Trên thực tế, chỉ có 0,22% doanh nghiệp được thanh tra thường xuyên, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc thanh tra cũng không dễ dàng.
Khi đoàn thanh tra muốn kiểm tra việc thực hiện toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp phải báo trước. Đây là “kẽ hở” trong luật để doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, có thể che giấu thông tin vi phạm. Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe. Theo báo cáo của 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2016, xảy ra gần 8 nghìn vụ tai nạn lao động nhưng các cấp có thẩm quyền chỉ ban hành hơn 1.300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền phạt gần 24 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Tùng nói:“Dù chúng ta đã ký công ước 81, thanh tra được quyền vào bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời gian nào không cần báo trước và đáng ra, Bộ Luật lao động không được phép trái với điều này. Luật Lao động sửa đổi 2002, 2006, 2007 thì cho phép thanh tra lao động thanh tra bất kỳ nơi nào, lúc nào nhưng đến Bộ Luật lao động 2012 lại không cho phép. Cho nên chúng tôi đang cố gắng sửa điều này để phù hợp với công ước 81 của quốc tế. Hiện vẫn áp dụng Bộ Luật lao động 2012, do đó, vẫn phải theo kế hoạch, vẫn phải báo trước cho doanh nghiệp”.
Đáng lo ngại là việc thanh tra chủ yếu được thực hiện tại các doanh nghiệp trong khu vực chính thức, còn khu vực phi chính thức, với hơn 26 triệu lao động vẫn bị bỏ ngỏ, trong khi đây lại là nơi ít tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động nhất.
Để khắc phục tình trạng báo cáo thiếu tính thực tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét việc tách riêng nhóm đơn vị sự nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp có tính sản xuất, nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Bộ cũng yêu cầu các địa phương báo cáo thêm tình hình khu vực ngoài quan hệ lao động.
Ông Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, việc làm này sẽ khiến số liệu tai nạn lao động tiệm cận tới con số thực tế: “Tôi đã giao cho phòng An toàn vệ sinh lao động đến tháng 9 phải trình đề cương thanh tra khu vực phi chính thức. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất với Bộ và Bộ đồng ý trình Thủ tướng giao chức năng thanh tra cho Cục An toàn lao động của Bộ. Chúng tôi đang chuẩn bị và đảm bảo đến tháng 9 phải vận hành thử việc thanh tra khu vực này. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng ta sẽ phải tập trung đầu tư thanh tra khu vực này nhiều hơn”.
Việc bưng bít, che giấu thông tin về các vụ tai nạn lao động, không tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, giảm thiểu tình trạng vi phạm./.