Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10732
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Hiểm nguy, vất vả, rủi ro với nghề thợ điện
Chỉ cần một sơ suất nhỏ khi thao tác trên cột trụ, người thợ điện phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình.

“Gắn bó với nghề điện, bất kỳ thợ điện nào cũng có ít nhất một lần bị điện giật..." - anh Nguyễn Văn Cường, nhân viên Đội Quản lý điều hành sửa chữa Điện lực Biên Hòa tâm sự về công việc của người thợ điện. Gần 20 năm gắn bó với nghề, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ những vất vả, nguy hiểm của nghề.
 
 
Anh Cường cho hay, mỗi lần vào ca trực, các thành viên trong đội phải chạy ngược chạy xuôi khắp nơi để khắc phục sự cố lưới điện cho khách hàng. Nhiều hôm, mải làm các anh bỏ cơm là chuyện thường. Để chứng minh điều mình vừa nói, anh Cường tạo điều kiện cho chúng tôi theo chân các anh Phan Bảo Ân (26 tuổi) và Hoàng Hồng Sơn (27 tuổi) để tìm hiểu tận tường công việc vất vả, nguy hiểm của những người thợ điện.
 
Vất vả…
 
Anh Sơn cho biết: “Làm nghề này cực lắm. Bất kể đêm hay ngày, cứ nơi nào người dân báo bị mất điện là chúng tôi phải tức tốc đến ngay”. Nói rồi, anh kể lại những tình huống bất ngờ, gây nguy hiểm trong lúc làm việc mà người thợ điện nào cũng xem đó là nỗi bất an: “Trên trụ điện bây giờ đâu chỉ có mỗi dây điện. Khi đang sửa điện mà bất ngờ cáp viễn thông có tín hiệu kết nối, người thợ sẽ bị điện giật liền. Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng sẽ làm giật mình và dễ buông tay té ngã”.
 
Anh Sơn còn cho biết thêm, nhiều hôm đi làm gặp những tình huống, như: khách hàng cho địa chỉ ảo, hay khi nhân viên đến tìm mà không có ai ở nhà, hoặc điện đã được kết nối nhưng khách hàng không báo lại…, khiến các anh phải vắt sức mà chạy. Chưa kể mỗi lần dông gió, cây cối bị ngã chằng lên dây điện, hoặc mái tôn, biển hiệu quảng cáo rơi làm đứt đường dây…, toàn đội phải tăng cường lực lượng để khắc phục kịp thời những sự cố và cảnh báo người dân về sự nguy hiểm, để họ tránh xa những đoạn mạch điện bị hở.
 
 
Nếu như những công nhân điện lực phải vất vả ngược xuôi khắp mọi nẻo đường để khắc phục sự cố đường dây cho các công ty, đơn vị, gia đình để người dân an tâm sinh hoạt, sản xuất, thì công việc của các thợ điện cao thế còn gian nan hơn nhiều. Anh Nguyễn Trọng Luân, nhân viên Xí nghiệp điện cao thế (trực thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) nói với chúng tôi rằng, những đường dây điện cao thế chủ yếu xuyên rừng và ở địa thế hiểm trở nên các phương tiện cơ giới không thể đến tận nơi được. Vì vậy, tháng nào các thành viên trong đội của anh cũng phải băng rừng, núi để kiểm tra các tuyến đường dây. Gặp những đoạn đường trắc trở, như: kênh, suối… nước ngập đến quá ngực, họ phải bơi qua để đến nơi làm là chuyện thường.
 
Anh Luân cho hay, nhiều hôm toàn đội của anh phải xuất phát từ 3-4 giờ sáng để đến nơi làm việc. Rồi khi đến những địa bàn quá heo hút, xa xôi…, mọi người phải ngủ qua đêm trong rừng với bao thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, cùng những nỗi lo vây quanh mình. Anh Luân nhẹ giọng: “Hôm nào trời hanh còn đỡ cực, chứ tối ở trong rừng giăng lều ngủ mà gặp mưa thì xem như thức trắng. Có hôm, vừa thiu thiu ngủ, rắn rết… bò đến, khiến anh em sợ quá trời”.
 
Cận kề rủi ro
 
Không chỉ vậy, mỗi khi đến vị trí cột trụ, điều đầu tiên họ phải làm là phát quang cây xanh, bụi rậm để giữ khoảng cách an toàn. Thế nên, đã có không ít người phải nhập viện vì bị ong đốt, rắn cắn. Anh Luân cho biết: “Đi làm ở vùng rừng, núi âm u, bị muỗi đốt, ong chích, giẫm rắn bị cắn… hầu như ai cũng từng trải”. Nói rồi, anh Luân chỉ tay vào những chiếc máy tời nặng 600 - 700kg, rồi ví von: “Mỗi lần nghe đến việc “kéo pháo”, anh em trong đội ai cũng ngán. Chỉ với khoảng cách chưa đầy 1km, nhưng cả chục người kéo chiếc máy tời hơn 1 tiếng mới tới chân trụ. Mấy vật dụng ở đây cái nào nhẹ cũng phải 50-60kg, đi đường bằng phẳng đã khó, huống chi dùng sức người kéo qua địa hình núi, rừng đồi dốc”.
 
Cùng đội với Luân, anh Nguyễn Thành Nhân cũng góp vào câu chuyện giữa chúng tôi bằng những kỷ niệm khó quên trong khi đi bảo trì đường dây. Anh Nhân bảo rằng, do anh em trong đội không phải là dân địa phương nên đôi lúc không thạo địa hình để phòng những tình huống xấu. Nhiều lúc bơi qua kênh, suối… gặp những vũng nước sâu, không ít người đã bị hụt chân, may mắn là mọi người đã ứng cứu kịp. “Ngại nhất là điện từ trường ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, làm ở độ cao trụ gần 30m, người thợ điện chơi vơi cả ngày giữa trời nên dễ choáng và mất sức lắm” - anh Nhân tâm sự.
 
Công việc vất vả nên chuyện cơm, nước ngay bên cột trụ với cánh thợ điện là chuyện bình thường. Anh Nhân bảo rằng, những người thợ điện cao thế đôi khi giống như những nghệ sĩ xiếc, bởi họ phải đu người làm việc giữa trời chỉ với cọng dây an toàn và chiếc ghế nghiệp vụ. Nếu nhìn từ xa, họ chẳng khác nào những chú chim nhỏ đang gồng mình giữa trời và hiểm nguy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nếu trật lỗi nhỏ trong thao tác kỹ thuật.
 
Anh Luân bày tỏ trăn trở, cái nghề thợ điện mang lại ánh sáng cho mọi người, nhưng nếu bất cẩn ít giây thì chính sinh mạng của người thợ điện coi như vụt tắt. Trong câu nói của anh, vẫn còn nhiều lắm những diễn đạt khó thành lời về những nỗi vất vả, nguy hiểm của người thợ điện. Tuy nhiên, khi ánh đèn từ đô thị tới các vùng quê hẻo lánh được thắp sáng, bao nhiêu muộn phiền của họ dường như được nén lại. Và ở đó, chỉ còn những nụ cười và những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo của những người thợ điện...
 
Ông Hồ Chiến Thắng, Phó giám đốc kỹ thuật Điện lực Biên Hòa cho biết: “Những công nhân ngày ngày làm việc trên trụ điện luôn phải đối diện với những nguy hiểm rình rập, như: điện áp cao, té ngã khi leo cao..., công việc lại không theo giờ giấc nhất định. Vì vậy, những người yêu nghề và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao mới có thể bám trụ lâu dài. Để đảm bảo an toàn lưới điện và nhanh chóng khắc phục sự cố về điện, hàng năm chúng tôi đều có những đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ và trang bị thêm những thiết bị bảo hộ an toàn lao động cho nhân viên yên tâm làm việc, giảm thiểu những tình huống đáng tiếc xảy ra”.
 
Nguồn báo Đồng Nai
Tin bài liên quan
Loading...