Sáng 12/11, Quốc hội làm việc ở hội trường để nghe trình bày, báo cáo thẩm tra về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Dự án Luật ATVSLĐ được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Trong đó Bộ luật Lao động năm 1994 đã hoàn chỉnh để thể chế hoá quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động. Các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại Bộ luật Lao động 1994 đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày Tờ trình về Dự án Luật An toàn vệ sinh
lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Sau gần 20 năm thi hành, các quy định về ATVSLĐ tại Bộ luật Lao động cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống và mang lại một số kết quả. Ngoài ra, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc bảo đảm ATVSLĐ là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động, điều này được thể hiện rõ qua Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ. Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng khóa XI chỉ rõ: "Chăm lo
bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc; hạn chế tai nạn lao động”. Do vậy, việc xây dựng Luật ATVSLĐ được chuẩn bị trên cơ sở quán triệt những quan điểm, thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác ATVSLĐ.
Có thể thấy, Dự án Luật ATVSLĐ lần này đã quy định rõ việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ” (Điều 1). Dự án Luật ATVSLĐ có 7 chương, với 94 điều, so với quy định về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012, Dự án Luật ATVSLĐ quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ. Ngoài các quy định trong việc bảo đảm ATVSLĐ, phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật còn bao gồm cả các quy định về tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật ATVSLĐ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững. Đồng thời nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân tại Điều 35 và Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động tại Điều 57 của Hiến pháp cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, những quy định liên quan đến ATVSLĐ hiện đang được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và một số luật chuyên ngành liên quan. Để đáp ứng yêu cầu ATVSLĐ đối với tất cả người lao động, việc xây dựng và ban hành Luật ATVSLĐ cần quan tâm những nội dung cơ bản đó là: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và nội luật hóa các công ước quốc tế về ATVSLĐ mà Việt Nam là thành viên nhằm hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn ATVSLĐ; quyền và trách nhiệm của các bên; cơ chế tham vấn ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình ATVSLĐ cho người lao động, luật hóa các quy định về ATVSLĐ trong các văn bản dưới luật.
Có cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hướng tới mục tiêu lâu dài là mọi người lao động đều có cơ hội làm việc trong môi trường an toàn.
Chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ do lao động thông qua những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc.
Dự thảo Luật thiết kế 3 nhóm chính sách đó là: Chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm: chính sách thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Chính sách giảm thiểu rủi ro bao gồm: khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để có biện pháp khắc phục sự cố về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ người sử dụng lao động và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chính sách cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động bao gồm: thông tin, tuyên truyền, tư vấn về ATVSLĐ; chính sách hỗ trợ để huấn luyện ATVSLĐ khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; trách nhiệm khai báo tai nạn lao động; khuyến khích tham gia chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), chiều nay Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự án Luật ATVSLĐ.
Vũ Chiến