Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10650
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Hoạt động đối ngoại 2014 được triển khai sôi động, hiệu quả
Năm 2014, bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành ngoại giao. Làm thế nào để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trước những sóng gió trên Biển Đông, bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài... là những nội dung được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời" ngày 4-1.

Đưa quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu

Đánh giá về những kết quả nổi bật của ngành ngoại giao trong năm qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Năm qua, thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, tác động mạnh tới an ninh và phát triển của nước ta. Có những thời điểm, chúng ta đứng trước thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh đó, các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã được triển khai sôi động, tích cực, có hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển và tiếp tục nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
 

 
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN

Về ngoại giao chính trị, nếu năm 2013, ta thiết lập khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, thì năm 2014, ta đã phát huy tốt, đưa các mối quan hệ này đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận thế giới đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Mặt khác, chúng ta đã nỗ lực đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại ổn định, thúc đẩy hợp tác.

Ngoại giao kinh tế đã góp phần khắc phục những hậu quả của bất ổn kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng qua việc tích cực hỗ trợ việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và ODA với các kết quả cụ thể: EU tăng ODA giai đoạn 2014-2020 lên 400 triệu ơ-rô, Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ (MOU) 12 tỷ USD với ta để phát triển cơ sở hạ tầng; Nhật Bản cùng ta nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sâu rộng và cam kết ODA 120 tỷ yên cho 5 dự án hạ tầng cơ sở và năng lượng; chúng ta cũng cơ bản kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan...

Độc lập, chủ quyền gắn liền với giữ vững quan hệ ổn định, hòa bình

Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, ngành ngoại giao đã làm thế nào để vừa góp phần bảo vệ được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vừa giữ được quan hệ, ổn định, hòa bình cho phát triển? Trả lời câu hỏi này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: "Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và “giữ quan hệ ổn định, hòa bình để phát triển” là hai mục tiêu không mâu thuẫn mà tương hỗ, bổ sung nhau. Không thể có quan hệ ổn định và hòa bình nếu không có độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chỉ có thể bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở quan hệ ổn định và hòa bình. Chìa khóa để theo đuổi cả hai mục tiêu đó chính là việc đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng nghĩa với việc thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, bất
đồng.

Chính vì lẽ đó, năm qua, kể cả trong những lúc căng thẳng nhất, chúng ta đã kiên trì đối thoại, giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời, vẫn chủ động duy trì quan hệ bình thường trên các mặt với Trung Quốc, bao gồm trao đổi đoàn các cấp, quan hệ giữa các bộ, ngành, địa phương, giao lưu nhân dân, triển khai bình thường các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc.

Năm 2015, chúng ta sẽ tiếp tục cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế tăng cường hiểu biết và lòng tin trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhất là sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chúng ta cũng hoan nghênh mọi sáng kiến, đề xuất vì mục tiêu và lợi ích chung là duy trì ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, và Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, đóng góp tích cực vào việc hình thành và triển khai các sáng kiến đó.

Thực hiện bảo hộ lao động Việt Nam tại nước ngoài

Về việc trợ giúp đối với một số lao động đi xuất khẩu sang A-rập Xê-út làm việc nhà, bị ép làm việc quá thời gian quy định trong hợp đồng, có trường hợp không được trả lương, thậm chí bị ngược đãi... Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Khoản 3, Điều 17 của Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Điều 9, Luật Cơ quan đại diện năm 2009 cũng xác định rõ: “các Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ và bảo hộ đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại”. Ngay sau khi nhận được thông tin một số lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ giúp việc gia đình theo hợp đồng tại A-rập Xê-út gặp khó khăn, có trường hợp phản ảnh bị ngược đãi, Bộ Ngoại giao đã ngay lập tức chỉ đạo Đại sứ quán tại A-rập Xê-út khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo hộ bằng một số hành động cụ thể.

Với chính quyền sở tại, cán bộ Đại sứ quán đã trực tiếp trao đổi, đề nghị can thiệp. Với người lao động, Đại sứ quán đã cử người trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, tìm hiểu sự việc, tâm tư nguyện vọng của chị em. Với công ty phái cử lao động, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các công ty này tăng cường trách nhiệm, làm việc với các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động ở A-rập Xê-út để bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của người lao động; đề nghị cư xử nhân đạo, giải quyết thỏa đáng khó khăn của người lao động.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp chỉ đạo đưa các lao động gặp khó khăn về nước theo nguyện vọng; ngày 29-12-2014, 7 trong tổng số 20 lao động của tỉnh Bắc Kạn làm việc cho công ty Bader đã về nước và ngày 31-12-2014, 13 công nhân cuối cùng đã về đến Hà Nội. Vấn đề quan trọng ở đây là các công ty cử lao động ta ra nước ngoài phải bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các hợp đồng lao động, bảo đảm tối đa các quyền lợi của người lao động ta ở nước ngoài. Các chị em trước khi đi lao động phải hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng lao động và đặc biệt, các bộ phận phụ trách lao động tại Đại sứ quán ta tại nước ngoài phải có tư vấn cho người lao động.

Về việc bảo đảm an toàn cho người Việt Nam đang sinh sống tại các điểm nóng chiến sự như Li-bi, U-crai-na, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Năm 2014, tại một số địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống đã xảy ra chiến tranh, xung đột, gây nguy hiểm đến an toàn, tính mạng của công dân Việt Nam. Tại U-crai-na, trong cộng đồng 10.000 người Việt Nam, có hơn 300 người chịu ảnh hưởng tại khu vực có xung đột tại miền Đông U-crai-na.

Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán ta tại U-crai-na đặt chế độ trực 24/7, luôn theo dõi, bám sát tình hình, chủ động xây dựng các kế hoạch sơ tán công dân Việt Nam trong các vùng nguy hiểm. Đại sứ quán đã cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo, cảnh báo công dân không đi đến những khu vực miền Đông U-crai-na; đề nghị công dân liên hệ ngay với Đại sứ quán để được hỗ trợ, bảo hộ cần thiết khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để bảo đảm cuộc sống và sinh hoạt bình thường của bà con, Đại sứ quán ta cũng thường xuyên hỗ trợ trực tiếp cộng đồng; huy động hội, đoàn thể trong cộng đồng giúp bà con ổn định làm ăn; giải quyết giấy tờ đi lại, học tập… cho bà con, đồng thời tranh thủ quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đề nghị chính quyền nước bạn bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho công dân ta. Trong cuộc tiếp xúc song phương bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 (9-2014), Ngoại trưởng U-crai-na đã hứa tạo điều kiện, bảo đảm các quyền hợp pháp của người Việt Nam sinh sống tại U-crai-na. Bộ Ngoại giao đã kịp thời chỉ đạo Đại sứ quán ta sơ tán toàn bộ công dân Việt Nam ra khỏi khu vực chiến sự tại khu vực miền Đông U-crai-na, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

TTXVN
Tin bài liên quan
Loading...