Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10524
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Hưng Yên đứng thứ 4 toàn quốc về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm
Trong 2 ngày 24 và 25/4, đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã đi kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
 
 
Hưng Yên đứng thứ 4 toàn quốc về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng đoàn công tác đã kiểm tra tại 2 đơn vị sản xuất và chế biến thực phẩm gồm: Công ty TNHH Drossapharm Á Châu, chuyên chế biến ruột non của lợn, phân loại chế biến vỏ xúc xích tại khu công nghiệp Phố Nối A (thuộc huyện Văn Lâm) và Công ty Việt Nhật chuyên sản xuất rau củ quả sạch ở xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. 
 
Qua kiểm tra cả 2 cơ sở trên đều chấp hành đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất khép kín, nhãn mác hàng hóa bảo đảm thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ; người lao động được đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức, bảo hộ lao động đầy đủ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra yêu cầu rút kinh nghiệm trong công tác quản lý hồ sơ nguyên liệu, khâu sản xuất thực phẩm cần khoa học và hợp lý hơn…; địa phương cần tiếp tục giám sát và có hậu kiểm để đánh giá chính xác nhất. 
 
 
Làm việc với đại diện của 3 ngành quản lý về vấn đề an toàn thực phẩm của tỉnh gồm các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế, đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác quản lý, cũng như giám sát an toàn thực phẩm của địa phương. Theo đánh giá chung, Hưng Yên đứng thứ 4 trong 63 tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. 
 
Theo ông Lê Bá Anh, mục tiêu của đoàn công tác không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra mà còn tìm hiểu các vấn đề như: trách nhiệm của cơ quan trung ương, những vướng mắc cần tháo gỡ… Đoàn kiểm tra liên ngành cũng khuyến khích các cấp cơ sở đưa ra những sáng kiến trong công tác thanh kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm; kiến nghị những bất cập về chính sách, luật định… và chủ động đề xuất giải pháp mang tính khả thi, hợp với tình hình thực tế. 
 
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hưng Yên - cho biết, các ngành liên quan đã thực hiện thường xuyên công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.
 
Từ năm 2016 đến nay, Hưng Yên đã kiểm tra hơn 8.700 cơ sở; phát hiện hơn 3.600 cơ sở có vi phạm; đã xử phạt 274 cơ sở với tổng số tiền là gần 1,3 tỷ đồng, bình quân phạt mỗi cơ sở khoảng trên 4 triệu đồng. Đây là mức quá thấp nên tính răn đe chưa cao. 
 
Tuy nhiên, riêng với vấn đề xử phạt thực phẩm thịt động vật không có chứng nhận của ngành thú y, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, lâu nay nhiều cơ sở bị "phạt oan" vì hầu hết các bếp ăn hay các cơ sở bán thực phẩm này đều chưa có giấy xác nhận của thú y. Theo đó, cần linh hoạt khi kiểm tra và việc đánh giá chỉ nên dừng lại ở khâu xác nhận các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Nguyễn Văn Phú cho rằng, trong chế tài quy định cần phải sửa đổi một số tiêu chí. Luật an toàn vệ sinh thực phẩm còn chung chung, chưa đưa ra mức phạt cụ thể cho từng sản phẩm; Luật Thú y thì việc kiểm dịch động vật chỉ kiểm tra đối với sản phẩm ngoại tỉnh, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm trong nội bộ địa phương…, ông Phú dẫn chứng.
 
Mặt khác, cần có văn bản quy định thống nhất trong chỉ đạo, quản lý nhà nước, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm./.
 
Mai Ngoan/TTXVN
Tin bài liên quan
Loading...