Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10709
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Hướng dẫn áp dụng loại hợp đồng và xếp lương
Theo quyết định của UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình về việc thành lập Tổ quản lý trật tự đô thị xã, phường, thị trấn trên địa bàn thì tổ được biên chế một số tổ viên theo hợp đồng thuê khoán và được hưởng chế độ, chính sách như viên chức: BHXH, BHYT, bảo hiểm thân thể và các khoản phụ cấp khác theo đặc thù.
 
 
Mức lương của tổ viên tối thiểu lần đầu bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo văn bản hướng dẫn của Phòng Nội vụ thì tổ viên Tổ quản lý trật tự đô thị là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật lao động, không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, được áp dụng chế độ tiền lương theo Điều 3 Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ với mức lương tối thiểu là 2.400.000đ/người/tháng.
 
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Hồ Thị Lý hỏi, việc hướng dẫn về ký hợp đồng và trả lương như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật không?
 
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:
 
Khái niệm hợp đồng khoán việc
 
Hợp đồng khoán việc (còn gọi là hợp đồng thuê khoán việc) là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.
 
Có 2 loại hợp đồng khoán việc:
 
- Hợp đồng khoán việc toàn bộ là hợp đồng trong đó bên giao khoán trao cho bên nhận khoán toàn bộ các chi phí, bao gồm cả chi phí vật chất lẫn chi phí công lao động có liên quan đến các hoạt động để hoàn thành công việc. Trong khoản tiền người giao khoán trả cho người nhận khoán bao gồm chi phí vật chất, công lao động và lợi nhuận từ việc nhận khoán.
 
- Hợp đồng khoán việc từng phần là hợp đồng mà trong đó người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động. Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động.
 
Trường hợp phải giao kết Hợp đồng lao động 
 
Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là hợp đồng mà người lao động (nhận việc) chỉ cần dùng sức lao động để hoàn thành mọi yếu tố vật chất cho quá trình thực hiện công việc do người sử dụng lao động giao.
 
Theo Điều 15; khoản 1 Điều 18 và khoản 1 Điều 23 của Bộ Luật lao động năm 2012, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ, thoả thuận về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
 
HĐLĐ có những nội dung chủ yếu sau đây:
 
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
 
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
 
- Công việc và địa điểm làm việc;
 
- Thời hạn của HĐLĐ;
 
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
 
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
 
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
 
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
 
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
 
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
 
Trả lời cụ thể trường hợp bà Hồ Thị Lý hỏi, hiện nay biên chế, tổ chức bộ máy của các Tổ quản lý trật tự đô thị ở xã, phường, thị trấn thường có:
 
- Tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn;
 
- Tổ phó là công chức Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã)
 
- Tổ viên, tùy theo cấp xã, phường, thị trấn mà biên chế mỗi tổ có từ 1 đến 3, hoặc từ 3 đến 5 tổ viên, là lao động hợp đồng có thời hạn, do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ký hợp đồng.
 
Theo luật sư, căn cứ vào việc sử dụng lao động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ quản lý trật tự đô thị xã, phường, thị trấn thì việc áp dụng hợp đồng khoán việc, hợp đồng thuê khoán đối với tổ viên Tổ quản lý trật tự đô thị là không phù hợp, mà phải áp dụng HĐLĐ theo quy định của Bộ Luật lao động.
 
Hướng dẫn của Phòng Nội vụ “Tổ viên tổ quản lý trật tự đô thị là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật lao động” là đúng quy định. Đây là cơ sở để Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ký HĐLĐ với người lao động thực hiện công việc của tổ viên Tổ quản lý trật tự đô thị.
 
Về mức lương tối thiểu vùng
 
Về tiền lương, do công việc của tổ viên Tổ quản lý trật tự đô thị xã, phường, thị trấn không thuộc một số loại công việc quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, do đó không có cơ sở xếp lương cho tổ viên Tổ quản lý trật tự đô thị xã, phường, thị trấn theo thang lương, bảng lương hành chính do Chính phủ quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
 
Trường hợp này, người lao động được hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động trong HĐLĐ. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định là mức thấp nhất làm cơ sở để người sử dụng và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
 
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất;
 
- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.
 
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2, Điều 2 và điểm c, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 103/2014/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2015 đối với các tổ chức có thuê mướn lao động theo HĐLĐ hoạt động ở vùng III là 2.400.000 đồng/tháng.
 
Đề nghị bà Hồ Thị Lý đối chiếu Phụ lục Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2015 ban hành kèm theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP để biết địa bàn mình làm việc thuộc vùng mấy. Nếu đúng địa bàn làm việc thuộc vùng III, thì hướng dẫn của Phòng Nội vụ khi ký HĐLĐ đối với tổ viên Tổ quản lý trật tự đô thị xã, phường, thị trấn chưa qua đào tạo áp dụng mức lương tối thiểu 2.400.000 đồng/tháng là có cơ sở.
 
Luật sư Trần Văn Toàn
 
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
 
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật
Tin bài liên quan
Loading...