Kiên quyết xử lý vi phạm an toàn lao động trong xây dựng
Nguyên nhân cùng giải pháp cho vấn đề an toàn lao động đã được “mổ xẻ” ra tại buổi tọa đàm Giải pháp an toàn cho người lao động trong xây dựng do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/7.
Trách nhiệm thuộc về ai
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong năm 2014 đã xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động, khiến gần 7.000 bị thương và 630 người tử vong. Điển hình mới nhất là vụ sập giàn giáo tại công trường Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa; hai vụ sập giàn giáo liên tiếp tại công trình 4 tầng ở Hậu Giang vào chiều ngày 9/7 và tại công trình 17 tầng tại TP HCM vào sáng 10/7. Còn tại Hà Nội, cần cẩu đơn vị thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bất ngờ đứt cáp khiến cho 1 người tử vong, 2 người khác bị thương. Hai vụ gãy cần cẩu tại dự án đường sắt Nhổn - Ga vào tháng 5 cũng khiến người dân hoang mang khi lưu thông trên các tuyến phố đang thi công dự án...
Tại buổi tọa đàm, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Để tai nạn lao động xảy ra trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng lao động, cụ thể là các nhà thầu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các nhà thầu có năng lực yếu kém. Họ đã thuê các nhà thầu phụ với giá thấp hơn nên quá trình tổ chức thi công đã bộc lộ những yếu kém. Cụ thể, công tác trang bị dụng cụ
bảo hộ lao động còn sơ sài. Nhà thầu sử dụng nhân công không bài bản, chủ yếu là lao động mùa vụ. Trong quá trình lao động, để giá thành thấp, những nhà thầu này không bố trí cán bộ giám sát an toàn...
Cũng theo ông Hà Tất Thắng, gần đây Bộ LĐTB&XH đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra các công trình xây dựng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, TP HCM và đã phát hiện ra 23/49 đơn vị không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; 2.500 người chưa qua đào tạo vẫn đưa vào lao động; 150 thiết bị chưa được kiểm định chất lượng đang đưa vào sử dụng...
Bàn về vấn đề này, Giám đốc điều hành Cty CP Thanh Bình Hà Nội, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết: Bên cạnh kinh nghiệm của chủ đầu tư trong quá trình quản lý thì ý thức tự bảo vệ mình của mỗi người lao động cũng cần phải được nâng cao trong vấn đề an toàn lao động. Khi tham gia vào bất kỳ một công việc nào thì người lao động cần có ý thức tự bảo vệ mình.
Đối với những công việc nguy hiểm, người lao động có quyền đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ trang thiết bị lao động hoặc từ chối nhiệm vụ ấy. Ngược lại, dù được trang bị, huấn luyện an toàn lao động rất kỹ nhưng nếu người lao động chủ quan, không có ý thức tự bảo vệ mình thì vẫn có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động được cơ quan chức năng chỉ ra một phần do lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay vẫn còn rất mỏng. Hiện nay công tác thanh tra an toàn lao động rất thấp, số doanh nghiệp được thanh tra trong năm qua chỉ chiếm 0,22%.
Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, ông Lê Quang cho hay: Công tác thanh tra xây dựng cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề an toàn lao động. Mặc dù vai trò của các bên như chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn giám sát, cơ quan quản lý nhà nước đã được quy định đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.
Kiên quyết xử lý đơn vị vi phạm
Tại buổi tọa đàm, các khách mời đều nhất trí quan điểm phải kiên quyết xử lý các đơn vị để xảy ra sai phạm gây ra tai nạn lao động.
Để hạn chế vấn đề mất an toàn lao động trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang cho rằng: Công tác thanh kiểm tra cần được chú trọng nhiều hơn nữa, điều đó sẽ nâng cao ý thức quản lý của chủ đầu tư và giảm thiểu tình trạng coi thường của người lao động. Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ công bố công khai danh tính các doanh nghiệp, chủ đầu tư yếu kém trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ cũng sẽ nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các quy định chi tiết về đảm bảo an toàn thi công xây dựng...
Cục trưởng Cục An toàn lao động, ông Hà Tất Thắng cũng cho biết: Nếu chủ lao động không huấn luyện an toàn lao động cho công nhân sẽ bị xử phạt 30 triệu đồng; sử dụng trang thiết bị lao động không đảm bảo sẽ xử phạt từ 5 - 7 triệu đồng/1 thiết bị, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, ông Thắng đề nghị: Đối với các công trình để xảy ra nhiều lần tình trạng mất an toàn lao động thì cần tước giấy phép, thậm chí yêu cầu ngừng sản xuất đối với những chủ đầu tư này.