Mục tiêu của lực lượng nổi dậy miền đông Ukraine là thành lập một nhà nước độc lập song trên thực tế, khu vực này vẫn không thể thoát khỏi mối quan hệ kinh tế ràng buộc với Kiev: buôn bán than đá.
Theo tờ Wall Street Journal, 18 thợ mỏ tại một trong những tập đoàn khai thác than lớn nhất ở miền đông Ukraine đã thiệt mạng khi tham gia chiến đấu cùng phe nổi dậy hồi năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực miền đông vẫn rất cần chính phủ Ukraine mua than đá cũng như cung cấp các thiết bị
bảo hộ lao động như mũ thợ mỏ và hỗ trợ chi trả lương qua hệ thống ngân hàng.
Trước thời kỳ xung đột bùng nổ ở miền đông Ukraine, các khu mỏ khai thác than nằm tại trung tâm tỉnh Donetsk và Luhansk luôn trong tình trạng hoạt động rầm rộ. Thậm chí những lớp xỉ than bám thành tầng tầng lớp lớp trên khắp cánh đồng và nhà cửa của người dân. Tình hình hiện nay đã khác khi mà phe nổi dậy đang tuyên bố thành lập khu tự trị bất chấp thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 kêu gọi hai khu vực này nên ở lại với Ukraine.
Các thợ mỏ ở miền đông Ukraine không mấy quan tâm tới tình hình chính trị mà chỉ mong sự bình yên và trả đủ lương.
Chính những ranh giới phân chia hai khu vực Donetsk và Luhansk do phe ly khai và quân chính phủ Kiev kiểm soát lại đang cản trở hoạt động cung ứng nhiên liệu từ các nhà máy khai thác. Về phần mình, Moscow không có ý định sáp nhập miền đông Ukraine vào Liên bang Nga như đã làm với bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế của khu vực miền đông chủ yếu dựa vào những đường kết nối bị chia rẽ giữa các nhà máy và cầu cảng ở Ukraine để buôn bán và vận chuyển hàng hóa.
Trên thực tế, chính quyền Kiev lại đang ngăn chặn nhiều tàu chở hàng từ miền đông với lý lẽ không muốn dâng tiền cho phe nổi dậy. Thay vào đó, họ chỉ cho phép đội tàu chở than cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân và lò luyện thép đi qua, để thu về nguồn ngoại tệ cho chính phủ.
Trong những ngày gần đây, sự phụ thuộc của chính quyền Kiev vào hoạt động cung ứng than đá từ khu vực miền đông đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi phe ly khai tuyên bố hành động chậm trả tiền và chặn tàu chở hàng là động thái gây sức ép cho cả các công ty khai thác và chính phủ Ukraine.
Theo Bộ Năng lượng Ukraine, chính phủ nước này hiện kiểm soát 85 mỏ khai thác than, chiếm hơn một nửa số mỏ trên toàn quốc. Sau khi phe ly khai tạm dừng vận chuyển than, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk tuyên bố Ukraine không có đủ lượng than dự trữ để dùng cho mùa đông. Nhưng Bộ Năng lượng Ukraine lại từ chối tiến hành các cuộc thảo luận với phe ly khai mà thay vào đó tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế.
Trong khi đó, theo Giám đốc mỏ khai thác than Shcheglovskaya-Glubokaya, ông Yury Popovkin, tại các mỏ khai thác than, công nhân mỏ lại đang phải xếp hàng chờ được phát mũ bảo hộ và bình oxy di động. Đây là những mặt hàng hiện đang khan hiếm và khá đắt đỏ tại Nga.
Do mỏ than của ông Popovkin đăng ký hoạt động tại Ukraine, công ty này được phép nhận tiền hàng và trả lương cho công nhân qua hệ thống ngân hàng. Song hoạt động trả lương đã bị cắt đứt hồi tháng 10 sau khi tòa án đóng băng tài khoản của công ty do nợ tiền của nhà máy điện.
Trong khi đó, các ngân hàng Ukraine lại không còn hoạt động ở khu vực miền đông vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai nên khi tiền về, các thợ mỏ lại đi sang khu vực do chính phủ kiểm soát để rút tiền bằng thẻ ATM hoặc sử dụng dịch vụ chuyển tiền mất phí.
Thực tế, với những công nhân mỏ thường xuyên làm việc dưới lòng đất, họ không mấy quan tâm tới tình hình chính trị. "Chúng tôi chỉ muốn sự yên bình và tiền lương", công nhân mỏ Dmitry Komarov (30 tuổi) chia sẻ. Bởi trong nhiều năm qua, các thợ mỏ chủ yếu dựa vào các ông chủ để đưa ra quyết định chính trị miễn là tình hình cuộc sống ổn định cho dù bị trả lương thấp.
Miền đông Ukraine từng là trung tâm sản xuất than đá và kim loại dưới thời Liên Xô cũ song trong thập niên 90, khu vực này đã trở thành điểm nóng giao tranh giữa các bang đảng tội phạm, những kẻ tìm cách thâu tóm và kiểm soát hoạt động buôn bán than của các tập đoàn lớn. Lúc bấy giờ, nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội, Kiev đã buộc phải bơm hàng tỷ hryvnia để trợ cấp cho các mỏ than làm ăn thua lỗ.
Theo ông Popovkin, nhiều công nhân mỏ ở miền đông Ukraine đã sang Nga sinh sống và khoảng 200 – 5.000 người tham gia vào lực lượng nổi dậy thân Nga khi chiến sự bùng nổ. Còn hiện tại, khoảng 4.000 công nhân mỏ vẫn đang làm việc với sản lượng gần tương đương với thời trước thời điểm bùng nổ xung đột.
Đáng nói, phe nổi dậy hiện không thể tự bán sản phẩm than đá do lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế khu vực miền đông Ukraine vẫn chịu sự ràng buộc chặt chẽ với chính quyền Kiev.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.
MINH THU (lược dịch)