Một ngày cuối tháng 7, khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận một ca tai nạn lao động đúng nghĩa tai bay vạ gió: anh Phạm Thành Tâm, một thợ hồ tự do, đang xây nhà cho người ta thì bị bức tường cao gần 2m đổ sập, đè lên người.
* Tai nạn lao động luôn là điều khủng khiếp với người lao động, nó để lại những di chứng về sức khỏe từng cá nhân, thảm cảnh cho từng gia đình và gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên tai nạn lao động - vì nhiều nguyên nhân - chưa bao giờ được nhìn nhận nghiêm túc để doanh nghiệp, người lao động phòng ngừa một cách chủ động và nghiêm túc.
Những tai nạn này thường xuyên xảy ra với người lao động tự do, nhất là trong ngành xây dựng.
Mạng người là vô giá
Hớt hải, ông Nguyễn Văn Hiệp - thợ hồ cùng làm với anh Tâm - đưa đồng nghiệp đi cấp cứu. Thêm một lần nữa trong đời, ông Hiệp chứng kiến cảnh tai nạn bất ngờ của bạn bè như chính ông trước kia. Ông Hiệp nay đã 59 tuổi, là dân Sóc Trăng lên TP.HCM làm việc từ lúc mới gần 20 tuổi, gần 40 năm trước. Trước đây, do bất cẩn và làm việc trong môi trường không có bảo hộ lao động, ông Hiệp đã bị máy cắt đá xây dựng xén đứt ngón tay út.
Những tai nạn của những thợ tự do như ông Hiệp hay anh Phạm Thành Tâm đang là một hiện trạng ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố số tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết người tăng 40% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó ngành xây dựng chiếm 53,7% tổng số vụ gây chết người. Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Đây là con số trên giấy tờ, còn thực tế có thể nhiều hơn do các doanh nghiệp giấu”.
Trên thực tế, các lao động trong ngành xây dựng phần lớn đều làm theo thời vụ, không có hợp đồng, bảo hiểm, bảo hộ hay bất kỳ giấy tờ nào làm chứng việc họ đang làm việc cho chủ doanh nghiệp. Cũng không ai ý thức mình hoặc bất kỳ ai cũng có thể bị TNLĐ và trên hết do nhu cầu cần có việc làm nên họ cũng chẳng dám đòi hỏi gì. Những rủi ro khi làm việc đều được nghĩ rằng “trời kêu ai nấy dạ”.
Theo thống kê của khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, mỗi ngày trung bình 3-4 ca cấp cứu do TNLĐ. Hồ sơ bệnh viện ghi lại những ca nghiêm trọng: ngày 12-7, bệnh nhân B.T.L. bị máy tiện cuốn vào tóc lột da đầu; ngày 29-6, bệnh nhân V.X.T. ở Tân Uyên, Bình Dương bị té giàn giáo, chấn thương sọ não, đa chấn thương ngực, vài giờ sau nhập viện đã tử vong... Trước đó vào ngày 24-4, ba công nhân của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (huyện nhà Bè, TP.HCM) đã chết trong hồ xử lý nước thải của công ty. Dù phía công ty đã hỗ trợ sau tai nạn cho ba nạn nhân nhưng ai cũng hiểu mạng sống là vô giá.
Kiện cũng như không
Rất nhiều vụ TNLĐ mà sau đó nạn nhân không được bồi thường hoặc hưởng chế độ, chính sách. Và điều đau lòng là phần lớn đều như thế.
Ở Bệnh viện 175 (Gò Vấp, TP.HCM) có tiếp nhận một ca TNLĐ. Sau đó gia đình người bị nạn đi kiện và vụ kiện cáo đúng nghĩa “đi kiện củ khoai”. Bị hại là gia đình một công nhân xây dựng ở Phú Yên.
Theo tường trình của gia đình Phạm Hoàng Gia - thợ hồ bị té từ giàn giáo xuống đất - Gia vốn là công nhân xây dựng của Công ty xây dựng DMC (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Gia đình Phạm Hoàng Gia gồm ba người: cha, mẹ và Gia đều làm tại Công ty DMC. Khi Gia đang thi công tại một công trình thuộc Viện Tim (quận 10, TP.HCM) cùng cha mẹ thì một nhân viên Công ty DMC điều sang làm công trình khác ở quận 12.
Oái oăm là sau đó Gia bị tai nạn té giàn giáo gãy cột sống phải cấp cứu tại Bệnh viện 175. Ông Xưởng cho biết sau khi tai nạn xảy ra, chỉ có chủ nhà - nơi con trai ông thi công - hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng chi phí ban đầu (trong khi tính từ lúc nhập viện đến nay, gia đình ông đã chi hơn 80 triệu tiền viện phí, thuốc men). Còn phía công ty nói “không liên quan vì anh không bị tai nạn trong lúc thi công công trình của công ty”. Ông Xưởng đã nhiều lần đến công ty khiếu nại nhưng bị từ chối.
Bây giờ ông Xưởng ngày ngày vừa đi làm thợ hồ ở một công trình tại quận 2 kiếm tiền trang trải cho gia đình, vừa nuôi con nằm viện, vừa vất vưởng đến Công ty DMC kiện cáo. Nhưng trong tay ông Xưởng chẳng có gì ngoài tờ tường trình có hai người công nhân cùng làm tại Công ty DMC làm chứng vì thương cảm cho ông. Vậy là “tay không đi kiện”, ông Xưởng không biết trông chờ vào đâu ngoài hi vọng vào sự nghĩ lại của phía công ty.
TNLĐ tăng, cao nhất trong ngành xây dựng
Theo báo cáo của Hội đồng bảo hộ lao động TP.HCM, năm 2012 trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 1.500 vụ tai nạn lao động, làm chết 106 người. So với năm 2011, số người chết do tai nạn lao động tăng 13 người, trong đó số vụ tai nạn lao động riêng ngành xây dựng chiếm 47,83%.
|