Theo quy định thì trong các công trình xây dựng, chi phí về an toàn lao động (ATLĐ) chiếm từ 15 - 20% dự án xây dựng, điều đó có nghĩa là bắt buộc ở mỗi công trình phải có kỹ sư bảo hộ ATLĐ. Tùy vào các dự án vốn đầu tư ít hay nhiều mà có quy định cụ thể về số lượng những kỹ sư này, kèm theo những người giám sát an toàn theo từng hạng mục…
Kỹ sư bảo hộ ATLĐ đang hướng dẫn CN thi công đúng kỹ thuật. Ảnh: T.A
Sớm tinh mơ, tôi “bám gót” cậu bạn là kỹ sư xây dựng tới công trường X ở Tây Mỗ (Từ Liêm). Nhờ chiếc áo công nhân và khuôn mặt trông bẩn bẩn tôi tránh được cửa bảo vệ một cách khá dễ dàng. Như một tay thợ mới học việc, tôi được cậu bạn gửi gắm cho một “già làng” để ông chỉ bảo. Thấy tôi hỏi thăm về việc sao không thấy cán bộ ATLĐ, ông Thanh vừa tra mỡ vào mấy cái cờ-lê vừa nhăn nhó: “Mày hỏi làm gì? Chỉ khi nào có thanh tra, hay cấp trên xuống kiểm tra thì mới có cán bộ bảo hộ ATLĐ đứng chỉ việc thôi”.
Kỹ sư bảo hộ ATLĐ được coi là nghề khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhiều cán bộ, chủ DN dù biết cũng chưa hiểu hết thế nào là “kỹ sư bảo hộ ATLĐ”. Họ chỉ quan niệm việc ATLĐ là đi mua giầy, ủng, đồ bảo hộ dành cho công nhân, và gần như đó là việc tiêu “tốn tiền” của DN. Vậy nên mới xảy ra tình trạng, trong các công trình xây dựng, từ nhận thức của chủ DN, chủ đầu tư đến người lao động vẫn chưa coi trọng, chưa nhìn nhận đúng vị trí của người kỹ sư bảo hộ ATLĐ. Do đó, thời gian qua đã có nhiều bất cập về TNLĐ xảy ra tại các công trình xây dựng.
Bởi thế, việc nhắc nhở an toàn cho người lao động triển khai rất chậm, thậm chí bị chủ nhiệm công trình phớt lờ. Cũng chính lý do đó mà các lỗi kỹ thuật an toàn như làm rào chắn tại cửa hố cầu thang máy, ô trống sàn, hố kỹ thuật, rào chắn xung quanh mép công trình, hệ thống bảo hộ an toàn điện... vẫn thường xuyên diễn ra, và đây là những nguy cơ cao dẫn đến TNLĐ.
Vậy, kỹ sư bảo hộ ATLĐ được hiểu như thế nào - là những người quản lý về an toàn, lập kế hoạch hay đề ra những biện pháp thi công an toàn đúng kỹ thuật. Họ còn là người am hiểu luật pháp trong lĩnh vực thi công an toàn, những quy định về an toàn giúp cho DN bớt “lúng túng” trong sử dụng các chế tài của pháp luật quy định về ATLĐ. Chính vì điều đó mà người kỹ sư bảo hộ ATLĐ được ví như những “cảnh sát nơi công trường” tạo nên tính chuyên nghiệp trong môi trường lao động tại DN.
Vác thanh sắt trên vai, tôi ngước mắt nhìn lên, hàng chục CN đang tiến hành đổ bê-tông sàn tầng 6. Thấp thoáng thấy vài CN đội mũ bảo hộ, ủng thì người có, người không nên bê-tông dính cả vào chân. Phía xa, 4 - 5 công nhân đứng chênh vênh lắp giàn giáo nhưng không đeo dây bảo hiểm. Bộp, cái vỗ vai làm tôi giật mình, Hoàng “kiều” nháy mắt, “bỏ qua đi ông, cái nghề nó thế thông cảm cho anh em đi”.
Hầu hết, các DN ở Việt Nam đều nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của một kỹ sư bảo hộ ATLĐ và họ không muốn lãng phí nhân lực cho công tác này. Điều này, trái ngược với nhận thức, tư duy của các DN nước ngoài. Và lý do khách quan khác đó là chế tài của Việt Nam về lĩnh vực ATLĐ chưa thực sự nghiêm ngặt…
Anh Đinh Văn Tĩnh - cán bộ ATLĐ tòa nhà Newskyline (Hà Đông) cho biết: “Chỉ cần có một sơ suất nhỏ, tai nạn có thể xảy ra”. Tuy là lỗi do người lao động, nhưng một phần trách nhiệm cũng thuộc về DN. Có những trường hợp không xảy ra chết người mà thương tật suốt đời, kéo theo bao khó khăn cho gia đình nạn nhân, gia đình và xã hội.
“Những công nhân làm ở đây, ngày nào trước giờ làm việc cũng được chỉ dẫn về ATLĐ, đúng theo quy cách thì mới được bắt đầu công việc. Nếu không sẽ bị xử phạt”, ông Nguyễn Thái An - Trưởng phòng kỹ thuật tòa nhà The Lancaster Hà Nội chia sẻ.
Để đảm bảo công tác bảo hộ ATLĐ cho từng công trình xây dựng, các DN cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về tầm quan trọng của người kỹ sư BHLĐ - một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm ATLĐ trên mọi công trường.
ThS Nguyễn Xuân Hương - Phó Trưởng khoa
Bảo hộ lao động, ĐH Công đoàn (Hà Nội): ĐH Công đoàn là trường duy nhất trong hệ thống các trường công lập đào tạo chuyên ngành này. Ngoài ra, hệ thống dân lập có ĐH Bán công Tôn Đức Thắng. Mỗi khóa từ 80 - 100 kỹ sư BHLĐ hệ chính quy nên nguồn cung càng trở nên khan hiếm. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực này là rất lớn nhưng lộ trình đào tạo mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Vũ Quang