Sang tháng 10, gió heo may thổi nhẹ khắp vùng biển Cô Tô. Anh lái tàu cứ xuýt xoa: "Đây là chuyến tàu thuận buồm, xuôi gió nhất trong vòng mấy tháng nay". Cả tháng vừa rồi, biển Cô Tô chịu ảnh hưởng liên tiếp của những đợt gió mùa và bão nên việc đi lại rất vất vả. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, đảo Cô Tô hiện ra phía trước. Vẫn là một màu xanh, xanh đến nao lòng giữa trùng khơi.
Thi công lưới điện trên đảo Cô Tô.
Con đường từ trung tâm thị trấn đến thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến vừa được đổ bê tông, thuận tiện cho việc đi lại. Anh Hoàng Văn Năng, Phó phòng kỹ thuật Ban Quản lý dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô (cánh phóng viên thích gọi là Ban Cô Tô) nói, con đường liên thôn này được các hộ dân trong thôn, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, hội phụ nữ, hội nông dân cùng nhau làm. Vài tháng trước đây còn là quả núi nằm giữa hai thôn, nếu muốn đi qua, sẽ phải vòng đường khác xa hơn hoặc trèo qua núi. Lũ trẻ đi học xa trường khổ cực lắm! Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến hàng trăm mét đất để làm đường giao thông.
Đường nối hai thôn Hải Tiến và Nam Hà vốn là một con đường đất chỉ dài hơn 1 km nhưng chạy vòng vèo qua chân núi, lại bị chắn bởi rừng rậm nên thi công khá khó khăn. Huyện đã chủ động kêu gọi các nguồn tài trợ từ bên ngoài, tận dụng số nguyên vật liệu được tài trợ từ Quỹ Chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh để khai thông con đường. Sau gần 4 tháng lao động khẩn trương, với gần 2.000 ngày công lao động, con đường liên thôn Hải Tiến - Nam Hà trị giá hơn 10 tỷ đồng đã được hoàn thành.
Nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách TP Hạ Long khoảng 110 hải lý và cách thị trấn Vân Đồn 50 hải lý, từ trước tới nay Cô Tô chưa có điện lưới quốc gia nên người dân đảo phải dùng nguồn điện diesel. Giá điện diesel rất cao nên việc cấp điện từ nguồn này hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội cho huyện đảo. Trong nhiều năm, các bộ ngành liên quan đã nghiên cứu những giải pháp công nghệ hợp lý để điện khí hóa huyện đảo trên cơ sở khai thác tài nguyên năng lượng thiên nhiên. Trong hai năm 2007 - 2009, Viện Khoa học năng lượng đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học lập quy hoạch tổng thể cung cấp năng lượng bền vững phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh". Ban đầu, đề tài định dùng năng lượng mặt trời làm nguồn cấp điện cho toàn huyện đảo nhưng giá thành tương đối cao. Nhiều lần thử nghiệm các phương án sản xuất điện từ gió, sóng biển, mặt trời... đều không thành công và việc xây dựng nhà máy điện ở đây cũng không khả thi. Do vậy, người dân huyện đảo Cô Tô vẫn phải cứ quẩn quanh với chiếc máy phát điện.
Anh Bùi Đức Chinh, gia đình ra đảo làm kinh tế mới từ năm 1979 cho hay thời gian trước, đi ra Cô Tô rất khó khăn. Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo, nhà hàng khách sạn cũng không có… Cả huyện đảo chỉ có một nhà khách của UBND huyện với hơn chục phòng, khách ra đảo công tác đều nghỉ tại đó. Buổi tối, các ngả đường trung tâm thị trấn vắng hoe, đặc biệt là những ngày cuối tuần, do phần lớn cán bộ, viên chức của huyện có gia đình ở Vân Đồn thường về nhà. Năm 1987, lần đầu tiên người dân ở đảo nhìn thấy ánh sáng điện trong ngôi nhà của mình, nhưng không phải từ điện lưới quốc gia mà từ chiếc máy phát điện chạy dầu do các hộ góp tiền mua, mỗi ngày chỉ phát điện từ 18h-21h. Do giá thành phát điện cao nên người dân chỉ dám dùng một ngọn đèn chiếu sáng, nhà nào sang, có thêm chiếc ti vi mỗi tháng phải trả 200 nghìn đồng tiền dầu. Mấy năm gần đây Nhà nước đã hỗ trợ tiền điện 8.000 đồng/hộ/tháng, nhưng gia đình anh Chinh vẫn chỉ sử dụng bóng đèn chiếu sáng và chiếc ti vi. Đầu năm 2012, huyện Cô Tô đã trang bị, nâng cấp hệ thống máy phát, tăng giờ phát điện từ 12 lên 23 tiếng mỗi ngày. Được dùng điện cả ban đêm đã là sự thay đổi lớn rồi, bây giờ lại có điện lưới quốc gia cấp qua đường dây cáp to bằng cổ tay ngầm dưới biển, chắc chắn người dân đảo Cô Tô sẽ có nhiều cơ hội làm giàu.
Kỳ vọng của người dân đảo Cô Tô không phải là không có cơ sở. Vài năm gần đây, đời sống của người dân ở hòn đảo tiền tiêu này dần được cải thiện rõ rệt. Thị trấn Cô Tô giờ nhộn nhịp, đông vui hơn. Nhà cửa mọc lên san sát, thỉnh thoảng lại xuất hiện những nhà nghỉ khang trang được xây dựng để đón khách du lịch. Khi dự án cáp ngầm kéo điện lưới từ đất liền ra đảo hoàn thành, Cô Tô sẽ không còn nỗi lo thiếu điện. Giao thông ra đảo cũng đã thuận tiện hơn nhiều, nhất là khi tàu cao tốc Vân Đồn - Cô Tô đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian ra Cô Tô chỉ còn dưới 2 tiếng đồng hồ (trước đây là khoảng 3 tiếng). Nếu cách đây một năm chỉ có 1 chiếc tàu cao tốc chạy ra đảo thì bây giờ đã có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, trang bị thêm tàu cao tốc, hiện có 4 chiếc chạy tuyến Vân Đồn - Cô Tô. Giao thông thuận lợi đã rút gần khoảng cách giữa Cô Tô và đất liền. Không chỉ trên biển, phương tiện giao thông trên bờ cũng đã được một số doanh nghiệp đầu tư như xe taxi, xe điện đưa đón, phục vụ người dân và du khách di chuyển quanh đảo. Hồ chứa nước ngọt được xây dựng, đưa vào sử dụng từ tháng 7-2011 và hồ chứa nước thứ hai với dung tích 170.000m3 cũng đã được hoàn thành vào đầu năm nay, nên 100% hộ dân trên đảo đã sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt và phục vụ khách du lịch.
Có mặt trên đảo vào những ngày tháng 10, khi những con sóng Bắc đang rình rập ngoài khơi, chúng tôi cảm nhận rõ Cô Tô không còn xa lạ trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo báo cáo, năm 2012, Cô Tô đón 35.000 lượt khách, tăng gấp 4 lần năm 2011 và gấp 10 lần so với năm 2010. Từ đầu năm đến nay, Cô Tô đón gần 30.000 lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến đến hết năm 2013, Cô Tô sẽ đón khoảng 60.000 lượt khách, có nghĩa là mỗi người dân Cô Tô đón khoảng 10 lượt khách. Đây là một con số đầy ấn tượng với một hòn đảo tiền tiêu xa xôi, nơi dân số chưa đầy 6.000 người.
Anh Hoàng Văn Năng cho biết, trong việc triển khai dự án, gói thầu số 8 - thi công xây dựng 23km đường dây cáp ngầm 22kV xuyên biển và gói thầu số 11 - xây dựng đường dây 110kV từ Đài Chuối đến Hòn Ghềnh (Cống Thần) là hai gói thầu quan trọng nhất nhưng điều kiện thi công cũng phức tạp nhất. Để thực hiện việc kéo dây cáp với 4 vị trí cột từ vị trí cột 61 đến vị trí cột 64, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 đã dùng khinh khí cầu để kéo dây cáp mồi, rải căng đường dây tải điện và đã hoàn thành từ ngày 28-9.
Len lỏi trên chiếc xà lan chật chội với những cuộn dây cáp ngầm và thiết bị thi công, chúng tôi có mặt trên điểm thi công khi mét cáp cuối cùng được hạ xuống biển kết thúc khâu rải dây ngầm. Anh Ngô Minh Vương - kỹ sư nhà thầu thi công Thái Dương cho biết, để rải 23km cáp ngầm xuyên biển các kỹ sư đã sử dụng robot để chôn trực tiếp cáp ngầm dưới đáy biển và có các thiết bị hiện đại giám sát việc thi công dưới độ sâu 25m. Đây cũng là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển. Từ ngày 26-9, Liên danh nhà thầu Prysmian - Thái Dương đã hoàn thành việc rải cáp ngầm 22kV đoạn Bản Sen - Ba Mùn với chiều dài 2,359km. Đoạn Ba Mùn - Cô Tô là tuyến dài nhất của gói thầu với chiều dài 15,368km cũng đã hoàn thành ngày 8-10. Việc rải cáp sẽ hoàn tất khi hơn 2km cáp ngầm sẽ nối đảo Cô Tô với đảo Thanh Lân. Các hạng mục công trình của Dự án từ đường dây trên không tới đường dây cáp ngầm xuyên biển, sẽ được khớp nối và đóng điện thử trước ngày 15-10-2013.
Nhìn bóng dáng những người công nhân điện lực, đồng phục
bảo hộ lao động màu da cam, lần đầu tiên xuất hiện trên đảo để chuẩn bị tiếp nhận lưới điện và triển khai công tác quản lý khách hàng, chúng tôi chợt cảm thấy ấm lòng vì mọi công việc đầy gian khó, tưởng như không thể ấy giờ đã hoàn thành. Đó thực sự là một kỳ tích ở huyện đảo tiền tiêu này.
Hôm nay, khi bài viết này được đăng báo thì điện lưới đã đến được với Cô Tô. Có điện, đời sống của người dân đảo Cô Tô sẽ phát triển. Cô Tô đã và đang thực sự thay đổi từng ngày.