Gần 10 năm kể từ lúc xảy ra tai nạn lao động, Công ty In bao bì Hoàng Anh không làm thủ tục để người lao động được hưởng quyền lợi
Một ngày giữa tháng 4-2006, phóng viên trang Quyền và Nghĩa vụ tiếp một người lao động khá đặc biệt. Đó là người đàn ông với cánh tay phải bị cụt gần hết, đôi mắt đượm buồn. “Đã gần 10 năm nay kể từ lúc bị tai nạn lao động (TNLĐ) và hơn 2 năm kể từ sau khi viết đơn xin thôi việc, tôi không được Công ty In bao bì Hoàng Anh làm thủ tục để hưởng quyền lợi” – anh Nguyễn Thanh Hải, nhà ở quận 4 – TPHCM, nói trong sự phẫn uất.
Bội tín với người lao động
Tháng 12-1994, anh Hải vào làm việc tại phân xưởng in Xí nghiệp In và Chế bản điện tử Hoàng Anh (nay là Công ty In bao bì Hoàng Anh, trụ sở số 274 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 – TPHCM). Tháng 12-1996, trong khi vận hành máy, anh Hải bị TNLĐ đứt lìa 2/3 cánh tay phải và dập nát bàn chân trái. Theo kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa TPHCM, anh Hải bị suy giảm khả năng lao động 75%. Là một công nhân có tay nghề cao, nên sau khi điều trị tai nạn, anh Hải vẫn được tiếp tục làm việc. Nhưng với thương tật này, anh Hải rất khó khăn để có thể làm việc. Vết thương thể xác và tinh thần luôn hành hạ anh hằng ngày.
Do thường xuyên phải di chuyển, vết thương ở chân anh Hải tái phát, tháng 2-2004, anh phải xin nghỉ 2 tháng để điều trị. Tháng 4-2004, thấy sức khỏe không bảo đảm, anh Hải làm đơn xin nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc, anh Hải đề nghị công ty giải quyết chế độ TNLĐ cho mình và thực hiện các thủ tục liên quan. Ông Phùng Trịnh Nguyên Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Hoàng Anh, đã hứa thực hiện các yêu cầu của anh Hải. Thế nhưng, từ đó đến nay, Công ty Hoàng Anh không hề làm bất cứ một thủ tục nào để anh Hải được hưởng trợ cấp thôi việc và trợ cấp TNLĐ.
Giám đốc công ty né tránh trách nhiệm
Là lao động chính, lại phải nuôi 3 con nhỏ, nên sau khi nghỉ việc, cuộc sống của anh Hải gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 2 năm qua, anh Hải khiếu nại, đòi các quyền lợi chính đáng. Phía công ty luôn tìm cách né tránh thực hiện trách nhiệm của mình. Từ khiếu nại của anh Hải, chúng tôi liên hệ với Công ty Hoàng Anh để nghe phản hồi về vụ việc. Thế nhưng, rất nhiều lần liên hệ (cả bằng điện thoại và đến trực tiếp công ty), chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Giám đốc đi vắng.
Sau nhiều lần liên hệ, bà Phùng Phương Hạnh (chị ruột của ông Hùng), đồng ý đến giải trình vụ việc. Thế nhưng đến ngày hẹn, bà Hạnh cử chồng mình là ông Nguyễn Anh Quân (một người không có thẩm quyền ở công ty) đến làm việc. Tại buổi làm việc này, ông Quân lấy lý do ông Hùng có tang cha nên không đến làm việc được. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu, ông Quân đưa ra lý do này. Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, cán bộ Ban Thanh tra Kỹ thuật An toàn –
bảo hộ lao động Sở LĐ-TB-XH TPHCM và anh Hải, trong 3 lần được Sở LĐ-TB-XH TP mời đến để hòa giải (tháng 9, 10- 2005), ông Hùng đều lấy lý do có tang cha để né tránh việc giải quyết chế độ cho anh Hải.
Sự nhẫn tâm đến quá quắt!
Sau nhiều lần khất hẹn, bà Hạnh đồng ý gặp mặt anh Hải để giải quyết vụ việc. Nhưng đến ngày hẹn, 27-4, bà Hạnh lại cử bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, là nhân viên thiết kế đồ họa, đến làm việc. Thay vì thương lượng với anh Hải để giải quyết các chế độ theo đúng quy định, bà Hiền đã “kết tội” anh Hải tự ý giữ các bản phim in bao bì làm ảnh hưởng đến sản xuất của công ty. Thế nhưng, khi được hỏi có gì chứng minh rằng anh Hải còn giữ các bản phim của công ty không, bà Hiền không đưa ra được một chứng cứ pháp lý nào. Đến khi đề cập việc giải quyết chế độ TNLĐ cho anh Hải, bà Hiền tuyên bố hết sức nhẫn tâm: “Thà dùng tiền làm từ thiện còn hơn là trả chế độ cho anh Hải!”.
Với người lao động (NLĐ) đã từng đổ cả xương máu đóng góp cho công ty, những người có trách nhiệm ở công ty còn vô trách nhiệm, thì lòng từ thiện của họ có thể đặt ở đâu? Rõ ràng, Công ty Hoàng Anh đã cố tình làm ngơ trước nỗi đau của NLĐ. Xét về lý, Công ty Hoàng Anh đã vi phạm pháp luật lao động; xét về tình công ty đã đối xử tệ bạc với chính NLĐ đã xây dựng nên thương hiệu của mình. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc buộc Công ty Hoàng Anh phải thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật lao động.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng Ban Thanh tra Kỹ thuật An toàn – Bảo hộ Lao động, Sở LĐ-TB-XH TPHCM:
Thanh tra Công ty Hoàng Anh
Trách nhiệm của doanh nghiệp khi để xảy ra TNLĐ là phải làm các thủ tục để NLĐ được hưởng trợ cấp TNLĐ. Nếu Công ty Hoàng Anh không làm các thủ tục này, anh Hải có thể kiện ra tòa để được bảo vệ quyền lợi. Về phía Sở LĐ-TB-XH, chúng tôi sẽ tiến hành làm các thủ tục để thanh tra Công ty Hoàng Anh.
N. Dương - Thủy Anh