Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10218
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật tại mỏ đá ở Hòa Bình
Nạn nhân Bùi Văn Thiếu đã làm việc ở mỏ đá hơn 1 năm mà theo gia đình là có hợp đồng và các điều khoản tham gia BHXH. Tuy nhiên, trong danh sách 7 người năm 2015 không có tên anh Thiếu.
 
Ngày 29/2/2016, tại mỏ đá của Công ty TNHH BMC Hòa Bình thuộc thôn Lai Trì, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cũng xảy ra một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm anh Nguyễn Văn Thiếu, (SN 1974, trú tại xóm Gạo, xã Hợp Thanh) bị ngã từ độ cao 30m xuống chân núi và tử vong. Gia cảnh của gia đình này cũng vô cùng khó khăn khi đứa con út mới được 3 tuổi. Ngôi nhà đã xây dựng từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
 
Cuộc điện thoại bất thường
 
Có lẽ những dồn nén về cái chết của người thân trong gia đình nên khi chúng tôi có mặt cả gia đình đều rất muốn bày tỏ những uẩn ức bấy lâu nay về cái chết bất ngờ của anh Nguyễn Văn Thiếu.
 
Theo như anh Nguyễn Văn Hồng (anh trai anh Thiếu) cho biết: “Em trai anh đã làm việc cho mỏ đá (Cty TNHH BMC Hòa Bình thuộc thôn Lai Trì, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn) thời gian khoảng hơn 1 năm”. Dù công việc vất vả, nguy hiểm nhưng cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do ở địa phương công việc ít nên mọi người vẫn phải làm lấy tiền chăm lo cuộc sống gia đình.
 
Qua tìm hiểu được biết hai vợ chồng anh Thiếu có 3 người con (2 gái, 1 trai), đứa út năm nay mới 3 tuổi. Kể từ khi anh bị tai nạn tử vong, lại là lao động chính của gia đình nên cả gia đình anh Thiếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ngôi nhà tuy đã xây dựng nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
 
Gia đình nạn nhân cũng mong muốn cái chết của anh Thiếu được làm sáng tỏ và nhất là việc anh được hưởng các chế độ tử tuất đối với người tham gia BHXH chẳng may gặp nạn. Cũng theo thông tin từ gia đình thì anh Thiếu đã có thời gian làm việc tại mỏ đá khá dài, nên anh có đầy đủ hợp đồng lao động và các chế độ theo quy định của nhà nước. Khi chúng tôi đề nghị gia đình cung cấp bản hợp đồng lao động thì có cuộc điện thoại bất ngờ cho gia đình nạn nhân.
 
Không hiểu vì lý do gì, sau cuộc điện thoại đó, gia đình nạn nhân đã không còn mặn mà với câu chuyện và cung cấp bản hợp đồng lao động cũng những giấy tờ liên quan về vụ tai nạn đó nữa cho chúng tôi. Lý do được gia đình tiết lộ là đang trong quá trình thương thảo về số tiền đền bù giữa công ty và gia đình.
 
Qua tìm hiểu được biết Công ty TNHH BMC Hòa Bình đi vào hoạt động từ tháng 4/2011 với ngành nghề khai thác sản xuất đá xây dựng có 54 lao động được ký hợp đồng lao động. Vào năm 2012, chính tại mỏ đá này cũng từng xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một người tử vong.  Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ và PCCN tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra đơn vị này.
 
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều sai phạm công ty chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ; chưa xây dựng được mạng lưới ATVSLĐ; thành lập hội đồng bảo hộ lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn một số máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đầy đủ; chưa tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động, xây dựng quy trình vận hành máy thiết bị và các biện pháp làm việc an toàn.
 
 
Trong quá trình tổ chức khai thác, công ty này không thực hiện việc khai thác cắt tầng theo thiết kế khai thác mỏ, quá trình khai thác còn để xảy ra hiện tượng khai thác chập tầng trên cùng một máng đá gây nguy hiểm cho người lao động làm việc trong khu vực mỏ...
 
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cty nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc ký lại hợp đồng lao động; xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; huấn luyện ATVSLĐ - PCCN cho người lao động; thực hiện việc khai thác cắt tầng theo thiết kế, lập hộ chiếu nổ mìn theo quy định...
 
Vẫn vô tư vi phạm
 
Theo biên bản kiểm tra công tác ATVSLĐ-PCCN ngày 17/3/2015. Trong tổng số lao động 40 người (4 nữ) nhưng không có danh sách người lao động tham gia BHXH và nhất là sau 3 năm đi vào hoạt động vẫn chưa xây dựng được hệ thống thang, bảng lương. Chưa xuất trình kế hoạch bảo hộ lao động, chưa thành lập hội đồng bảo hộ lao động. Chưa xuất trình danh sách cấp phát, bảo hộ lao động. Không xuất trình hồ sơ đánh giá tác động môi trường...
 
 



Mỏ đá BMC Hoà Bình
Còn theo bản kiểm tra ngày 21/3/2016 thì số lao động làm việc tại doanh nghiệp là 44 người. Số lao động không thuộc diện phải ký HĐLĐ không có. Và vẫn chưa đăng ký hệ thống thang bảng lương với cơ quan quản lý cấp huyện (Phòng LĐ-TBXH).
 
Năm 2016 có 13/44 người tham gia BHXH. Trong đó cũng ghi rõ có một vụ tai nạn xảy ra ngày 29/2 làm một người chết lỗi do mất an toàn của người lao động, công ty đã lo toàn bộ chi phí cho gia đình nạn nhân. Kho vật liệu nổ chưa có hàng rào bảo vệ, chưa có người bảo vệ.
 
Trong phần đề nghị cũng nêu rõ: Lập sổ theo dõi quản lý lao động (trước ngày 30/3); xây dựng hệ thống thang, bảng lương (15/4); xử lý không để đá mồ côi gây mất an toàn cho người lao động. Ý kiến của chính quyền địa phương là khi nổ mìm cần quan tâm đến khối lượng nổ để đảm bảo an toàn cho nhân dân (công ty đồng ý giảm từ 500 kg xuống còn 200 kg).
 
Tuy nhiên, khi đối chiếu với Phòng BHXH huyện Lương Sơn thì trong năm 2015 dù trong biên bản kiểm tra không ghi trường hợp nào nhưng trong danh sách tham gia BHXH của đơn vị này là 7. Còn năm 2016 là 13 trường hợp trong tổng số lao động gần như không đổi.
 
Trường hợp tai nạn đối với nạn nhân Bùi Văn Thiếu đã làm việc ở mỏ đá hơn 1 năm mà theo gia đình là có hợp đồng và các điều khoản tham gia BHXH. Tuy nhiên, trong danh sách 7 người năm 2015 không có tên anh Thiếu. Bà Trần Thị Hường – Giám đốc BHXH huyện Lương Sơn cho biết: “Nếu có chúng tôi đã tiến hành thực hiện các chế độ tử tuất và hỗ trợ theo quy định của nhà nước đối với người tham gia BHXH”.
 
Ông Trần Xuân Phúc - Trưởng phòng LĐ-TBXH trả lời: “Năm 2016 công ty đã Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 26/44 người lao động (trong đó có 7 lao động làm công việc khoan nổ mìn). Trường hợp 2 vụ tai nạn vụ thứ nhất (29/2) Phòng LĐ-TBXH không nắm được. Riêng vụ thứ hai (15.4) phòng LĐ-TBXH nhận được thông tin từ cán bộ LĐ-TBXH xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn báo cáo (qua điện thoại), phòng đã cử lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác lao động việc làm xuống làm việc nắm thông tin về vụ tai nạn”.
 
Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Chính - Giám đốc Cty BMC Hoà Bình để tìm hiểu những thông tin liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên ông Chính đã từ chối trả lời.
 
Với những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đảm bảo ATVSLĐ và trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động của doanh nghiệp, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ. Bởi nếu không ai sẽ chịu trách nhiệm trước cái chết của những người lao động nghèo vô tội!?
 
Doãn Kiên-Mạnh Hùng
Tin bài liên quan
Loading...