Làm sao để tai nạn xây dựng không tỷ lệ thuận với phát triển đô thị?
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… các công trình xây dựng có ở khắp nơi và ở đó đã xảy ra nhiều tai nạn lao động thương tâm.
Trong những năm qua quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Sự phát triển của hệ thống đô thị trong đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên một số chủ đầu tư, nhà thầu lại chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kỹ thuật về an toàn nên nhiều vụ tai nạn xây dựng đáng tiếc đã xảy ra. Có thể nói, tai nạn xây dựng thực sự tỷ lệ thuận với phát triển đô thị.
Nhiều năm qua, tai nạn lao động trên các công trường xây dựng vẫn tiếp diễn. Nhẹ thì đứt tay, rách chân, xây xát do gạch, sắt va vào; còn nặng thì bị thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Số liệu ngành y tế báo cáo gấp 20 lần số 600 vụ tai nạn lao động chết người mỗi năm” – một con số đáng báo động.
Những vụ tai nạn lao động xảy ra từ những công trình xây dựng lớn, nhỏ thời gian qua như lời cảnh báo, nhắc nhở mỗi công nhân và người sử dụng lao động nhận thức rõ hơn về công tác
Bảo hộ lao động. Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động. Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động chiếm 24,6% như: người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. 21,3% còn lại là do các nguyên nhân khách quan khác.
30% tổng số vụ và 28% tổng số người chết vì tai nạn lao động do bị ngã từ trên cao
Ngày 10/11/2014 Bộ Xây dựng có văn bản số 2889/BXD - HĐXD gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị tăng cường đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ xây dựng đề nghị các tỉnh, các Bộ có liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn trong xây dựng.
Rất nhiều công trình xây dựng không tuân thủ luật an toàn vệ sinh lao động
Hiện ngành xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân, lực lượng lao động chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại. Lực lượng chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức an toàn vệ sinh lao động. Do ý thức bảo vệ mình và bảo hộ lao động chưa tốt nên tai nạn xây dựng luôn rình rập họ.
Ý thức bảo vệ mình và bảo hộ chưa tốt là nguyên nhận chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng
Đô thị hóa phát triển là điều đáng mừng, thể hiện sự phát triển tăng trưởng của nền kinh tế và của toàn xã hội. Tuy nhiên để niềm vui trọn vẹn thì những giải pháp để hạn chế những tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra rất cần thiết vào lúc này. Để làm được điều đó, không chỉ riêng người lao động mà các chủ đầu tư cần ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng nguồn lao động, cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động và có chế tài xử lý mạnh hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động. Như vậy, bài toán làm sao để tai nạn xây dựng không tỷ lệ thuận với phát triển đô thị mới có được lời giải thấu đáo.
Nguyên Ninh