Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có đến 160.000 - 170.000 người bị TNLĐ. Vì vậy giải quyết vấn đề làm thế nào để giảm TNLĐ đang là mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Tai nạn lao động (TNLĐ) là tai nạn làm chết người hoặc làm tổn thương bất kỳ bộ phận chức năng nào của cơ thể con người, do tác động đột ngột của các yếu tố bên ngoài dưới dạng cơ, lý, hóa và sinh học, xảy ra trong quá trình lao động. Mang mối đe dọa thường trực như vậy nhưng hiện nay, người lao động vẫn đang phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm cả nước có 160.000 -170.000 người bị TNLĐ. Vì vậy giải quyết vấn đề làm thế nào để giảm TNLĐ là mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2014 cả nước đã xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động làm 3.505 người bị nạn trong đó số vụ chết người là 258 vụ. So với 6 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn lao động tăng 132 vụ (tăng 3%), tổng số nạn nhân tăng 74 người (tăng 2%), số vụ chết người giảm 65 vụ (giảm 20%).
Đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân gây ra TNLĐ nặng, hầu hết trách nhiệm thuộc về cả người lao động, người sử dụng lao động cũng như phía cơ quan quản lý nhà nước. Về phía người sử dụng lao động, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tổ chức huấn luyện về an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động theo đúng quy định, hoặc có tổ chức thì chỉ mang tính hình thức, nội dung huấn luyện còn chung chung, chưa đi sâu vào lĩnh vực lao động đặc thù của doanh nghiệp. Các máy móc, thiết bị nhiều nơi không có hướng dẫn quy trình vận hành, nhất là những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, dẫn đến tình trạng người lao động không nhắm chắc quy trình vận hành nên để xảy ra tai nạn.
Cứu hộ vụ tai nạn tại Công ty than Đồng Vông rất khó khăn
Bên cạnh đó, do nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ nên nhiều chủ sử dụng lao động chưa có biện pháp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người lao động tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn lao động. Về phía người lao động, do không có nhận thức đúng đắn về công tác này nên nhiều người đã vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc, làm bừa, làm ẩu. Ngay cả những người được đào tạo cơ bản về an toàn vệ sinh lao động nhưng do chủ quan, ý thức chấp hành kỷ luật kém nên đã gây ra những tai nạn lao động đáng tiếc cho bản thân và doanh nghiệp.
Tập huấn PCCN tại Công ty TNHH Công nghiệp Youngsun Wolfram Việt Nam
Nhằm hạn chế lao động xảy ra, theo ông Bùi Huy Mao, cán bộ ATLĐ Công ty TNHH Công nghiệp Youngsun Wolfram Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Cần tuyên truyền, tập huấn thường xuyên”. Tăng cười công tác thông tin tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cơ sở SXKD và người lao động để mọi người có ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn. Cơ quan, ban ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ ở tất cả các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đối với doanh nghiệp, phải lấy biện pháp phòng ngừa là chính, tăng cười công tác tự kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục những nguy cơ mất an toàn lao động, đồng thời tổ chức tốt công tác
bảo hộ lao động, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Hàng năm, các cơ quan, doanh nghiệp phải nghiêm túc tổ chức huấn luyện công tác AT- VSLĐ, tăng cười tuyên truyền, giáo dục người lao động tự giác chấp hành quy định về bảo hộ lao động. Đặc biệt, đối với những lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động cần phải thường xuyên tập huấn và nhắc nhở thực hiện quy định của Luật Bảo hộ lao động.
Rõ ràng, tình hình tai nạn lao động ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Trong khi đó, những giải pháp đã và đang triển khai mới chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Để giải quyết tận “gốc” của vấn đề đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía người lao động cũng như người sử dụng lao động. Điều quan trọng hơn, rất cần sự vào cuộc của phía cơ quan quản lý nhà nước với những chế tài đủ mạnh. Có như vậy mới hạn chế được tai nạn lao động xảy ra.
Linh Linh