Vào thời điểm cuối năm, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều sôi động hơn để đáp ứng kịp tiến độ hay đơn đặt hàng. Vì thế, ngoài việc tăng ca, tăng kíp, rất nhiều doanh nghiệp phải sử dụng thêm lao động bổ sung, chủ yếu là lao động thời vụ, nông nhàn, không qua đào tạo nghề khiến nguy cơ mất an toàn lao động rất lớn.
Tai nạn lao động tăng 20%
Cuối tuần qua, một vụ tai nạn lao động do sạt lở núi đá nghiêm trọng đã xảy ra tại mỏ đá Trại Sơn (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), khiến 2 phu đá tử vong trong lúc đang làm việc. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, không chỉ khai khoáng mà thời điểm cuối năm hiện nay, hầu hết các lĩnh vực lao động đều có số vụ tai nạn lao động gia tăng. Nếu như mỗi năm cả nước có 6.000-7.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) được thống kê, với khoảng 600 người tử vong thì riêng 3 tháng cuối năm, số vụ tai nạn lao động thường tăng khoảng 20% so với các tháng trước đó. Đây cũng chính là thời điểm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, các công trình, dự án đều trở nên sôi động nhất trong năm, kèm theo nhu cầu sử dụng bổ sung lao động thời vụ gia tăng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, buôn bán, vận chuyển, xây dựng luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động bổ sung tăng nhiều nhất vào dịp cuối năm. Các lao động này chủ yếu là đối tượng nông nhàn, thanh niên, sinh viên tìm việc làm thêm, cũng có cả một số người lao động ở các tổ chức, cơ quan chính quy nhưng công việc cuối năm ít muốn tham gia làm thêm để tăng thu nhập và có tiền chi tiêu Tết. Điểm chung ở nhóm lao động thời vụ này là làm việc không thường xuyên, không được đào tạo chính quy về kỹ năng nghề, không được tập huấn về an toàn lao động và càng không được trang bị thiết bị
bảo hộ lao động đầy đủ, đúng quy định. Do vậy, nguy cơ mất an toàn lao động, xảy ra các vụ tai nạn lao động rất cao.
Ghi nhận của chúng tôi tại BV Việt Đức thời điểm này cho thấy, số ca tai nạn lao động nhập viện đang tăng nhanh. Trong đó, tai nạn do ngã giàn giáo chiếm khoảng 15%, tai nạn do máy móc chiếm 12,5%... Chẳng hạn tại khoa Phẫu thuật cột sống của BV hiện tiếp nhận trung bình 2-3 ca ngã giàn giáo/ngày. Phần lớn nạn nhân là lao động khu vực nông thôn, xong việc đồng áng đổ về thành phố kiếm việc làm thêm, đi phụ hồ cho các công trường xây dựng nhưng không có hợp đồng lao động.
Cốt cho được việc, hậu quả tính sau
Để hạn chế số vụ tai nạn lao động gia tăng, cứ vào dịp cuối năm Bộ LĐ-TB&XH lại có công văn đề nghị các địa phương, các Bộ ngành tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, vừa mới đây, ngày 11-12, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn chỉ đạo tăng cường đảm bảo an toàn lao động trong lĩnh vực nghề hàn cắt kim loại, bởi đây là nghề hoạt động mạnh vào dịp cuối năm và sử dụng nhiều lao động thời vụ. Bên cạnh việc ban hành chính sách, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động và có nguy cơ mất an toàn lao động cao. Quá trình kiểm tra, nếu các cơ sở có sai phạm nghiêm trọng sẽ kiên quyết xử lý, yêu cầu dừng hoạt động.
Dù vậy, các cơ quan chức năng không dễ phát hiện và xử lý các cơ sở này. Trong khi nhiều doanh nghiệp dù biết phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng vì hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm gấp rút, bận rộn nên họ chỉ cố tuyển được người chứ không quan tâm nhiều đến hướng dẫn, tập huấn quy trình an toàn vệ sinh lao động. Trong khi với người lao động vào làm thời vụ, họ ít quan tâm đến việc có được doanh nghiệp đảm bảo đúng quy trình an toàn vệ sinh lao động hay không, hoặc biết nhưng cũng lờ đi vì với họ, kiếm được việc làm để có thu nhập đã là đáng mừng.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa tới công tác an toàn vệ sinh lao động, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Điều này đồng thời cũng giúp chính các doanh nghiệp nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.