Mỗi sáng bước ra khỏi nhà để đi làm đã trở thành thói quen của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trong tổng số 54 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động như hợp đồng và các phúc lợi BHYT, BHXH... Trong số 39 triệu lao động còn lại, có tới gần 10 triệu người thuộc đối tượng lao động tự do. Mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, khu vực này trở nên sôi động hơn và xuất hiện sự dịch chuyển lao động.
Ngoài việc không được hưởng các chế độ an sinh phúc lợi, các đơn vị, chủ sử dụng lao động thường không thực hiện các quy định về pháp luật lao động như: Xây dựng kế hoạch
bảo hộ lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; phân loại lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ bồi dưỡng… Số đông lực lượng lao động tự do cũng chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại bảo hiểm.
Việc các lao động này làm việc trong môi trường độc hại và phức tạp cũng không quá xa lạ. Chứng kiến một ngày làm việc tại bãi rác phế liệu thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, có lẽ nhiều người vừa khâm phục, vừa lo lắng cho những lao động tại đây. Mỗi tuần, gần 10 tấn phế thải kim loại được tháo dỡ và di dời đưa lên xe tải bởi 6 lao động tự do. Đống sắt vụn sau đó được chở đi Hà Nội tái chế. Khu vực thu mua đồng nát này đã hoạt động được 5 năm nay, nuôi sống gia đình 4 người cùng 6 lao động. Các lao động chủ yếu là nữ giới. Họ phải vận chuyển từng khối kim loại từ trong sân và khiêng lên xe tải. Công việc nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bị các thanh sắt cứa vào người. Trung bình, mỗi người di dời hơn 200kg kim loại mỗi ngày.
Thu nhập của lao động khu vực này rất thấp, công việc không ổn định. Nhiều chế độ chính sách của nhà nước dành cho người lao động cũng chưa được đề cập tới nhiều. Sự thừa nhận và hợp pháp hoá loại hình lao động phi chính thức này là rất cần thiết. Đặc biệt, cần có những chính sách và biện pháp để họ tham gia vào các loại hình bảo hiểm như bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Phụ nữ chuyển lên xe.
Bà bầu cũng phải làm việc.
Kết thúc một ngày làm việc.