Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10558
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Lao động tự do vẫn phớt lờ các trang bị bảo hộ lao động
Từ năm 2005 - 2014, cả nước đã xảy ra 58.399 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 5.791 người, 14.298 người bị thương nặng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
 
 
Lao động tự do vẫn phớt lờ các trang bị bảo hộ lao động
 
Những năm gần đây, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng đang tăng nhanh. Trong đó, có khoảng 80% công nhân ngành xây dựng là lao động tự do, lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Lực lượng lao động này chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm nên ý thức tự bảo vệ mình chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.
 
Hiện nay, trên các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ người công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, mũ cối, ít sử dụng mũ bảo hộ, nhiều công nhân làm việc trên tầng cao cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ... Anh Đặng Văn Ngãi (37 tuổi, quê Hải Dương), thợ hồ đang làm việc tại Hà Nội cho biết: “Cánh thợ hồ chúng em khi đi làm thuê thì ai có đồ bảo hộ lao động gì thì dùng đó. Chủ đầu tư hầu như không quan tâm trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân. Đối với các công trình xây dựng nhỏ, chúng em làm quen rồi thì cũng không có nguy hiểm gì, đội mũ bảo hộ lao động vào nhiều khi vướng víu, mồ hôi ra rất khó chịu”.
 
Sự chủ quan, thiếu ý thức mà bỏ qua các quy định về an toàn lao động là nguyên nhân dẫn tới những vụ TNLĐ chết người thương tâm. Nhiều vụ tai nạn, sự cố công trình, thiết bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn Dương (dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương; các vụ tai nạn lao động trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao tuyến Cát Linh- Hà Đông…
 
Ông Nguyễn Ngọc Thức - Hiệu trường trường Cao đẳng Xây dựng số 1 cho biết: Lực lượng lao động trong ngành xây dựng trên thị trường hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, đặc biệt đối với các công trình nhà ở riêng lẻ. Lực lượng lao động này chủ yếu ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng. Đây là lỗi của người sử dụng lao động và của cả người lao động. Mặc dù biết mình chưa qua đào tạo, huấn luyện, nhưng vì mưu sinh nên họ vẫn làm việc. Hai nguyên nhân chính dẫn đến TNLĐ là lực lượng lao động tự do chưa qua đào tạo về an toàn lao động mà vẫn tham gia sản xuất và lao động chưa được học kỹ năng cơ bản trong nghề, quy trình thi công an toàn cho từng khâu khi tham gia xây dựng vì vậy họ coi thường an toàn lao động.
 
Ông Thức cho biết thêm: Văn bản nhà nước quy định rõ ràng là tất cả các công trình khi thi công thì công nhân trên công trường phải qua đào tạo, có chứng chỉ nghề… Việc hạn chế tai nạn trong lĩnh vực xây dựng phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Trường cao đẳng Xây dựng số 1 đã nhiều lần kiến nghị để hạn chế TNLĐ như thắt chặt khâu giám sát lao động trên công trường xây dựng. Lực lượng lao động phải đảm bảo các yêu cầu của nhà nước như phải có chứng chỉ nghề, qua lớp đào tạo về an toàn lao động. Nếu được như vậy thì người công nhân đã qua đào tạo sẽ có ý thức về an toàn lao động từ đó hạn chế những vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra.
 
Để hạn chế những TNLĐ đáng tiếc xảy ra, không chỉ riêng người lao động mà các chủ đầu tư cần ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng nguồn lao động, cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý mạnh hơn. Cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động.
 
Thành Luân
Tin bài liên quan
Loading...