Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10547
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Lao động Việt trước ngưỡng cửa TPP hãy thôi ảo tưởng!
Tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) với những dự báo cơ hội việc làm sẽ tăng lên, cùng với đó các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện hàng loạt các điều khoản bảo hộ người lao động theo quy định của Hiệp định này. Có vẻ như rất nhiều lợi thế đang mở ra cho người lao động Việt Nam: nhiều việc làm, lương tăng, điều kiện lao động đảm bảo…; Nhưng không hẳn vậy, nếu không biết cách tận dụng những cơ hội thì rất có thể TPP sẽ trở thành “bi kịch” cho bài toán lao động Việt Nam.
 
Có hai yếu tố tác động rõ nhất vào nguồn cầu lao động tại Việt Nam. Thứ nhất là khi TPP có hiệu lực, việc có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn với mức thuế thấp có thể đến 0 đồng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, từ đó mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là với những cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, TPP sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là từ các tập đoàn lớn. 
 
 
Nếu biết tận dụng những cơ hội này, sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực như: may mặc, giày da, thủy hải sản, lắp ráp thiết bị điện tử... Không những thế, với những cam kết về lao động, sẽ tạo cho người lao động một môi trường làm việc tốt hơn, an toàn hơn, thu nhập có xu hướng cải thiện tốt hơn, cùng với các chính sách bảo hộ chặt chẽ…
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thuận lợi cũng đi kèm với thách thức, và vấn đề đào thải sẽ diễn ra gay gắt. Tự do hóa thương mại của TPP cũng sẽ làm cho một bộ phận lao động mất việc do các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất thậm chí giải thể, phá sản. Cụ thể là việc mở cửa thị trường, sẽ khiến lượng hàng hóa của các nước đặc biệt là hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn và đa dạng. Hàng nhập khẩu với nhiều ưu thế về chất lượng, giá cả và tâm lý thích dùng hàng ngoại của người Việt sẽ rất dễ chiếm lĩnh thị trường. 
 
Tình trạng này khiến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại, thu hẹp sản xuất, phá sản dẫn đến lao động trong các doanh nghiệp đó bị mất việc làm.
 
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ di chuyển lao động từ nông thôn tới thành phố và các khu công nghiệp. Sức ép về việc làm ở các khu đô thị sẽ tăng lên. Vấn đề mất cân bằng giữa cung và cầu lao động có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.
Ngoài ra, nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Điều này có thể gây thất nghiệp cao khi các ngành nghề phát triển mạnh nhờ TPP và đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng lao động. Bên cạnh đó, lao động từ các nước láng giềng có thể là sự cạnh tranh gay gắt cho Việt Nam khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành.
 
Lao động giá rẻ không còn là ưu thế
 
Đã đến lúc chúng ta thôi ảo tưởng về sức hút của lực lượng lao động trẻ, giá rẻ, những ưu thế đó có chăng chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn mà thôi. Trong tổ chức và phân công lao động, khi sản xuất còn cần nhiều sức lao động và vẫn có nhu cầu sử dụng lao động với giá rẻ hơn, thì các doanh nghiệp vẫn cần đến lao động giản đơn, đặc biệt là lao động trong dây chuyền. Thế nên trong những năm sắp tới có thể rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn một phần nhờ nguồn lao động giá rẻ. Trước mắt, với tỉ lệ thất nghiệp và nhu cầu việc làm của Việt Nam đang rất lớn thì việc tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để thu hút đầu tư, mang lại việc làm trong ngắn hạn là điều cần thiết.
 
Sự cần cù, chăm chỉ của lao động Việt Nam cũng chưa đủ để để hấp dẫn chủ sử dụng về dài hạn. Yếu tố quyết định là trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Còn ở ta, thực trạng chung hiện nay là trình độ chuyên môn kỹ thuật yếu, nếu có bằng cấp thì trình độ không tương ứng, chủ yếu là lao động giản đơn; kỷ luật công nghiệp kém, thiếu tính tự giác, thiếu đoàn kết; kém về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm; thể trạng thấp bé, sức khỏe yếu… Những hạn chế này dẫn đến năng suất, chất lượng lao động thấp. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. 
 
Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần… Như thế, chúng ta không nên tự hào về ưu thế lao động giá rẻ, mà nên biết xấu hổ, vì vô hình trung điều này đã đem đến những định kiến không hề tốt đẹp không chỉ về lao động Việt Nam mà còn về con người, văn hóa làm việc của người Việt.
 
Vì vậy, nếu người lao động không tự trau dồi, thay đổi mình thì việc bị “cho ra rìa” cũng sẽ là điều dễ tưởng tượng. PGS Hoa Hữu Lân (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Xã hội Hà Nội) cho rằng một trong những điểm đặc biệt của TPP là cho phép luân chuyển lao động trong các nước thành viên. Lao động Việt Nam có thể tìm kiếm những cơ hội việc làm ở các nước khác trong TPP, ngược lại, lao động các nước cũng có cơ hội tràn vào nước ta. 
 
Các nước thành viên TPP có nền kinh tế phát triển, trình độ lao động và quản lý rất cao, vì vậy họ cần những lao động có kỹ năng thao tác, tác phong công nghiệp chuẩn mực, chính xác. Bên cạnh đó phải có trình độ ngoại ngữ và sự am hiểu luật pháp quốc tế. Nếu lao động chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu này các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thu nhận và họ phải đưa lao động nước họ qua. Khi đó lao động có trình độ từ các nước sẽ tràn vào Việt Nam, đánh bật lao động Việt Nam ra khỏi những cơ hội việc làm tốt.
 
Doanh nghiệp Việt hãy cẩn thận dù kinh tế đã phục hồi phần nào, nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kêu than lâm vào cảnh trăm ngàn cái khó mỗi khi đến hẹn tăng lương cho người lao động. Không những thế là hàng loạt những hạn chế như môi trường làm việc kém chuyên nghiệp, nhếch nhác, không đảm bảo an toàn lao động, tình trạng nợ bảo hiểm, chế độ phúc lợi cho người lao động thấp… sẽ có nguy cơ đẩy nhiều doanh nghiệp Việt ra khỏi “guồng quay” của TPP. 
 
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định cụ thể về tiền công tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em. Nhưng hiệu quả thực tế của những chuẩn mực này vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu theo TPP. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt không cải thiện việc đáp ứng những quy định trên, sẽ khó mà được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước thành viên. Và vì vậy tất yếu họ sẽ khó mà cạnh tranh, tồn tại được.
 
Thứ hai là khi các doanh nghiệp ngoại tràn vào nước ta với một môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ tốt hơn thì tất nhiên họ sẽ thu hút hết những lao động có trình độ, kỹ năng tốt. Có thể nêu một ví dụ điển hình như trường hợp của Samsung. Tại Việt Nam, tập đoàn này hiện đang trả lương cho người lao động mức lương trung bình khoảng 11 triệu đồng/tháng, riêng với công nhân là 6 triệu đồng/tháng. 
 
Mức lương này cao hơn rất nhiều so với mức lương trung bình của lao động Việt Nam, khoảng 4 triệu đồng/tháng. Không những thế, Samsung còn đưa ra rất nhiều chế độ đãi ngộ khác cho người lao động như cung cấp hai bữa miễn phí/ngày, có chỗ ở đảm bảo tiện nghi… Dù vậy, theo lãnh đạo Samsung thì mức lương trả cho lao động Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức lương ở Hàn Quốc, chỉ bằng 1/4, trong khi năng suất lao động chỉ thấp hơn khoảng 20%. 
 
Không chỉ Samsung mà rất nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng đang được hưởng lợi lớn từ nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, có thể có nhiều tập đoàn nước ngoài khác sẽ tính đến chuyện tràn vào Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ này. Vì vậy, nếu người lao động Việt biết tự trau dồi, cải tiến mình (cần nhấn mạnh là người lao động Việt phải thay đổi mình) thì chắc chắn những cơ hội tốt hơn sẽ đến với họ. 
 
Còn đối với doanh nghiệp Việt, nếu họ không nâng cao khả năng cạnh tranh về nhân lực, bằng các chế độ, chính sách tốt cho người lao động thì hẳn là họ sẽ phải chấp nhận những lao động chất lượng kém, hiệu suất lao động thấp và khó cạnh tranh trên thị trường. Bởi nếu chủ doanh nghiệp “cò kè” về tiền lương, về điều kiện lao động và sinh hoạt của công nhân thì làm sao thu hút được người lao động tự nguyện cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho doanh nghiệp.
 
Tuy vậy, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng chúng ta không thể giữ mãi ưu thế về lao động giá rẻ mà cần tạo ra ưu thế về tiềm năng của người lao động trong tiếp thu công nghệ và dịch vụ hiện đại để tạo ra năng suất lao động cao - “Điều đó phụ thuộc vào cả một nền giáo dục của đất nước, trong đó có giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng như về tư duy của các chủ doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động”.
Tin bài liên quan
Loading...