Công việc vất vả, nguy hiểm, độc hại nhưng những người thợ “leo”, nhất là ở khu vực ngoài Nhà nước, vẫn chưa được quan tâm đúng mức
Công nhân đang làm vệ sinh tại các tòa nhà cao tầng. Ảnh: THANH NGA
Tuổi thọ của nghề thấp
“Lau kính, sơn phết tòa nhà cao tầng là những công việc nguy hiểm, độc hại nhưng hiện nay chưa có chính sách nào dành cho họ, phần lớn vẫn tùy thuộc vào lòng tốt của chủ doanh nghiệp (DN). Thậm chí, các công việc này còn chưa được xếp vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại”. Nhiều năm giám sát và huấn luyện thợ lau kính tòa nhà, anh Nguyễn Viết Toàn, Công ty TNHH TM&DV Bắc Trung Nam, cho biết.
Anh Toàn cho hay ngành vệ sinh công nghiệp nói chung và lau kính tòa nhà nói riêng chỉ thịnh hành 10 năm trở lại đây do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều cao ốc mọc lên. Tại TPHCM, hiện có khoảng 500 DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực này, chưa kể các nhóm thợ làm việc riêng lẻ.
Đối với thợ lau kính tòa nhà ở Công ty Bắc Trung Nam, để có thể ra nghề, họ phải trải qua thời gian huấn luyện 3 tháng và phải vượt qua vòng kiểm định. Quá trình tuyển chọn gắt gao do công việc nguy hiểm và môi trường làm việc trên cao nên sau huấn luyện, chỉ 40% lao động mới có thể tiếp tục.
Tuy nhiên, đến nay, công tác huấn luyện vẫn chỉ do công ty tự xoay xở chứ chưa có một tiêu chuẩn chung nào cho công việc này và cũng chưa có chính sách nào bảo vệ và chăm lo cho thợ “leo”, phần lớn là do DN chăm lo để giữ người.
Anh Toàn cho biết: “Tôi nghĩ rằng công việc lau kính và sơn phết tòa nhà nên được đưa vào danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại để ràng buộc trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, tôi mong muốn Nhà nước sẽ quan tâm hơn đến nhu cầu thực tế này của xã hội để có chính sách hỗ trợ cho người lao động”.
Anh Phan Văn Thìn, công nhân (CN) Công ty Bắc Trung Nam, cho rằng do tính chất công việc nguy hiểm, nặng nhọc nên tuổi thọ của nghề rất thấp, nguy cơ mất việc khi sức khỏe không bảo đảm là rất cao. “Các công ty đều rao tuyển thợ lau kính từ 18-45 tuổi nhưng thực tế, lao động chỉ trụ được đến độ tuổi ngoài 30. Ở công ty tôi cũng vậy, thợ lớn tuổi nhất hiện nay chỉ tầm 30 tuổi” - anh Thìn cho biết.
Cải thiện môi trường làm việc
Không như lau kính tại các cao ốc, công việc chặt cây, mé cành và trong lĩnh vực viễn thông đã được quy định ở danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài mức phụ cấp độc hại, CNVC-LĐ làm nghề, công việc thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH ban hành được bồi dưỡng bằng hiện vật (sữa, suất ăn) ở 4 mức (từ 10.000 đến 25.000 đồng).
“Dù được trang bị dụng cụ
bảo hộ lao động nhưng do quá trình thao tác, vẫn có thể có những rủi ro như bị điện giật. Mặt khác, làm việc tại trạm thu phát sóng nên việc bị ảnh hưởng lâu dài bởi sóng điện từ cũng làm tôi thấy lo lắng. Vì vậy, tôi rất mong có cách nào đó giảm thiểu nguy cơ cho những người làm việc trong lĩnh vực viễn thông” - anh Trần Thiên Vũ, nguyên là CN Công ty Viễn Thông Đông Dương - TPHCM, đề đạt.
Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Lưới điện Cao thế TPHCM, cũng bày tỏ mong muốn điều kiện làm việc của CN ngành điện sẽ được xem xét cải thiện. Các cơ quan chức năng nên xem lại thời gian cắt điện để sửa chữa, nên hạn chế cắt điện ban đêm.
Như vậy, CN sẽ không phải làm đêm vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa nguy hiểm vì làm việc trong điều kiện thiếu sáng. “Để làm được việc này, mọi người phải tiết kiệm điện để lưới điện không bị sự cố do quá tải. Nếu không có tình trạng quá tải điện thì CN điện sẽ đỡ vất vả hơn” - ông Hồng mong mỏi.
Theo Người Lao động