LĐLĐ tỉnh BR-VT: Phát huy vai trò công đoàn trong việc tổ chức Hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp
Những năm qua, phát huy vai trò của công đoàn trong việc phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp đã được các cấp công đoàn triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại các doanh nghiệp, đặc biệt tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
CNVCLĐ được tham gia tuyên truyền về pháp luật lao động và công đoàn
Công khai, thông báo đến người lao động
Trước tiên, đó là việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cụ thể đó là việc tổ chức đại hội công nhân viên chức tại những doanh nghiệp thực hiện tương đối đầy đủ, đúng theo quy định. Lãnh đạo doanh nghiệp và ban chấp hành công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện hội nghị người lao động hàng năm. Có thể khẳng định, thông qua hội nghị, NLĐ được cung cấp đầy đủ các thông tin, được đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động và đóng góp ý kiến về các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty; công tác quản lý lao động, vấn đề tiền lương, tiền thưởng; tình hình sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ xã hội từ thiện... Cũng tại đây, NLĐ được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc và được tham gia quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp. Chính điều đó đã góp phần rất lớn trong việc động viên, khuyến khích NLĐ hăng say trong công việc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tính đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã ban hành các quy chế, quy định về thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp với các nội dung như: nội quy lao động, nội quy an toàn vệ sinh lao động; thoả ước lao động tập thể; quy chế trả lương, tiền thưởng… Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn ban hành quy chế phối hợp trách nhiệm giữa Ban giám đốc và Ban Chấp hành công đoàn; quy chế thi đua khen thưởng; nội quy khám, chữa bệnh tại phòng khám của doanh nghiêp, nội quy bếp ăn tập thể; kế hoạch học tập, bồi dưỡng; kế hoạch
bảo hộ lao động… Tại các doanh nghiệp như công ty TNHH Bunge Việt Nam, công ty TNHH giày Uy Việt, công ty TNHH Baconco, công ty giấy Sài gòn- Mỹ Xuân... lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã chủ động công khai, thông báo với NLĐ về các chế độ, chính sách của Nhà nước về tiền lương, tiền thưởng; nội quy an toàn lao động, quy trình vận hành máy móc, ngay từ khi tuyển dụng lao động thông qua việc giới thiệu và tập huấn trước khi nhận vào làm việc. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được các doanh nghiệp thực hiện tốt thông qua nội dung ghi trong phiếu thanh toán tiền lương hàng tháng cho NLĐ. Không những thế, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của NLĐ thông qua đóng góp ý kiến tại Hội nghị NLĐ, tại các cuộc họp giao ban định kỳ nhằm phát huy được vai trò của NLĐ các tổ, đội, phân xưởng và NLĐ trong việc đề ra giải pháp, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Với những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ cụ thể như: việc ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thông qua văn bản trực tiếp; các nội dung chủ yếu của thoả ước lao động tập thể; nội quy công ty, công tác an toàn vệ sinh lao động…
Với các hình thức tổ chức như hội nghị riêng hoặc lồng ghép với tổ chức tổng kết công tác năm của doanh nghiệp, tại các doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành CĐCS đã chủ động phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ đạt từ 60-70% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Tính riêng từ năm 2010, có 197/365 doanh nghiệp tổ chức đạt 54%, đến năm 2013 có 255/352 doanh nghiệp tổ chức đạt 72,44%. Có thể khẳng định, thông qua Hội nghị NLĐ, các doanh nghiệp đã thực hiện khá tốt việc kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh; công tác kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành công đoàn; công tác thi đua, khen thưởng. Cũng tại hội nghị NLĐ, một số doanh nghiệp đã tổ chức lấy ý người lao động đối với các quy chế, quy định nội bộ trong hoạt động của công ty, gồm: Quy chế hoạt động; nội quy làm việc; quy chế trả lương; quy chế chi tiêu nội bộ; thoả ước lao động tập thể...
Một trong những nội dung quan trọng đó là công tác giám sát của NLĐ thông qua vai trò đại diện của Ban Chấp hành Công đoàn với hình thức trực tiếp đối với việc thực hiện các quy định, quy chế trong doanh nghiệp, nhất là đối với quy chế khen thưởng, quy chế lương và thoả ước lao động tập thể. Vai trò đại diện giám sát của công đoàn ngày càng được phát huy, song chủ yếu tập trung đối với những lợi ích thiết thực nhất, việc tham gia ý kiến của NLĐ thông qua các cuộc đối thoại với lãnh đạo công ty thường ít được thực hiện, hình thức triển khai lấy ý kiến đối với các quy định, quy chế của một số doanh nghiệp chưa phù hợp, NLĐ ngại tham gia, góp ý, thường mang tính đại diện, hình thức.
Phát huy hơn nữa vai trò tổ chức công đoàn
Để hạn chế tình trạng này, các cấp công đoàn trong tỉnh cần phát huy vai trò của công đoàn việc phối hợp, giám sát, kiểm tra thúc đẩy thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn và chuyên môn, làm cơ sở để tổ chức công đoàn tham gia thực hiện quy chế dân chủ. Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cần phải có kỹ năng, bản lĩnh đàm phán để giành được nhiều lợi ích cho NLĐ hơn so với quy định pháp luật, đồng thời cũng có cam kết ràng buộc trách nhiệm của NLĐ đối với doanh nghiệp. Song song, các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn về quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp cũng như CNVCLĐ. Việc xây dựng quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp cần phải thật cụ thể, quy định chi tiết và phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tránh hình thức, quy định chung chung. Quy định các nội dung và hình thức về việc công khai, lấy ý kiến, kiểm tra giám sát và quyết định của cán bộ công chức và NLĐ. Cùng với việc ban hành quy chế dân chủ là việc ban hành đồng bộ các quy chế nội bộ khác nhằm cụ thể hóa quy chế dân chủ để tạo ra bộ công cụ làm cơ sở giúp tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tốt hơn. Đặc biệt, các cấp công đoàn cần chú trọng xây dựng các quy chế về tiền lương, tiền thưởng, tuyển dụng, hợp đồng lao động, quy hoạch cán bộ, đào tạo, bổ nhiệm, các quy chế khen thưởng, xử lý kỷ luật; quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, quy chế phối hợp hoạt động giữa chuyên môn và hoạt động công đoàn; các quy chế công khai tài chính, quy chế sử dụng phương tiện vật chất, quy chế về chế độ nghỉ phép, nghỉ chế độ, phúc lợi; quy tắc ứng xử của cán bộ công chức và NLĐ…
CĐCS công ty TNHH Giày Uy Việt tổ chức chương trình văn nghệ bốc thăm trúng thưởng cho CNLĐ
Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa tính dân chủ, đặc biệt trong việc tổ chức Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị NLĐ. Việc tổ chức Hội nghị NLĐ và các hội nghị khác có sự tham gia của CĐCS, NLĐ phải thực sự là diễn đàn của NLĐ, là nơi phát biểu chứng kiến của NLĐ về hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp, về việc thực hiện các chính sách, chế độ của nhà nước và đơn vị về thực hiện pháp luật trong đơn vị. Bên cạnh đó, cần phải tôn trọng ý kiến cá nhân của NLĐ, cần phát huy tinh thần sáng tạo, những ý kiến đóng góp có tính cải cách của NLĐ để nghiên cứu áp dụng trong đơn vị. Đặc biệt là xây dựng cơ chế phản biện trong đơn vị, từ đó tổng hợp được những đề xuất, ý kiến hay đưa vào áp dụng trong đơn vị. Phải xem ý kiến NLĐ thực sự là tài sản quý nhất, phải đặt NLĐ là trung tâm của mọi hoạt động ở cơ quan, doanh nghiệp. Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp với việc ổn định và hài hòa quan hệ lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, làm cho NLĐ gắn bó với lâu dài với doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định.
Ngọc Bảo