Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10565
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Liên minh châu Âu sẽ sụp đổ?
Mới đây, Stratfor, công ty nghiên cứu an ninh của Mỹ, đã đưa ra bản báo cáo dự đoán tình hình thế giới trong một thập kỷ tới, giai đoạn 2015-2025. Theo đó, Stratfor cho rằng Liên minh châu Âu sẽ khó có thể tồn tại trong thời gian tới.

Đây là Bản dự đoán thập kỷ thứ 5 của Stratfor. Cứ năm năm một lần kể từ năm 1996, Stratfor đều đưa ra một bản dự đoán tình hình thế giới trong 10 năm. Trong nỗ lực đó, Stratfor đã dự đoán đúng một số sự kiện như cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu, sự suy thoái của Trung Quốc và cuộc chiến giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo.
 
Stratfor cũng thừa nhận có một số sai sót như việc không đánh giá đúng sự kiện 11/9 cũng như quy mô đáp trả của Mỹ. Tuy nhiên vào năm 2005, Statfor đã dự đoán về sự khó khăn mà Mỹ sẽ phải đối mặt cũng như việc cần thiết phải rút các hoạt động can thiệp quân sự nhắm vào thế giới Hồi giáo.
 
 
Stratfor đưa ra dự đoán 5 năm một lần. 

Stratfor không dự đoán tất cả mọi thứ mà chỉ tập trung vào những xu hướng chính và các khu vực nổi cộm của thế giới. Bản dự đoán tình hình thế giới 10 năm tới của Stratfor như sau:
 
Thế giới đang dần tái cơ cấu kể từ năm 2008 khi Nga can thiệp quân sự vào Georgia và cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra. Ba mô hình đã nổi lên từ đây. Đầu tiên, Liên minh châu Âu đã bước vào một cuộc khủng hoảng mà khối này không thể tự giải quyết được và ngày càng gia tăng mức độ trầm trọng. Stratfor dự đoán rằng EU sẽ không bao giờ có thể quay trở lại sự thống nhất như trước kia và nếu còn tồn tại được thì khối này sẽ chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ hơn và khá hạn chế trong 10 năm tới. Stratfor không cho rằng khu vực tự do thương mại sẽ tiếp tục hoạt động mà không cần gia tăng sự bảo hộ. Đức có thể hứng chịu một vài lần đảo lộn kinh tế nghiêm trọng trong thời gian tới và Ba Lan vì thế sẽ nâng cao được vị thế trong khu vực.
 
Sự đối đầu hiện tại của Nga về vấn đề Ukraine vẫn sẽ là trung tâm của hệ thống quốc tế trong một vài năm tới nhưng Moscow sẽ không duy trì được vị thế hiện tại trong toàn bộ thập kỷ tới. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và những kỳ vọng vào giá cả khiến Moscow sẽ khó duy trì được “thế thượng phong”. An ninh kho vũ khí hạt nhân của Nga cũng sẽ trở thành một mối lo ngại lớn trong tương lai gần.
 
Stratfor cũng dự đoán về thời kỳ thoái trào của các quốc gia do châu Âu tạo ra ở Bắc Phi và Trung Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng không còn nhiều sức mạnh ở các quốc gia khác như trước kia. Trong thời gian tới, thế giới có thể chứng kiến các cuộc nội chiến hoặc xung đột nội bộ sâu sắc hơn. Mỹ đã chuẩn bị để làm dịu tình hình với sức mạnh không quân và những lực lượng vũ trang hạn chế trên mặt đất nhưng sẽ không thể hoặc chưa sẵn sàng để can thiệp sâu hơn. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có phần biên giới phía Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Syria, có thể sẽ dần dần tiến sâu vào cuộc chiến. Đến cuối thập kỷ này, Ankara sẽ nổi lên như một cường quốc chính trong khu vực và kết quả là sự cạnh tranh giữa Iran-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng.
 
Trung Quốc đã hoàn thành vòng xoay là một nước có mức lương thấp nhưng tăng trưởng cao và bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn này bao gồm việc tăng trưởng chậm lại và sự gia tăng quyền lực lãnh đạo cũng như có thể tạo ra việc chia rẽ ở một số lực lượng do ảnh hưởng của nền kinh tế không khởi sắc. Trung Quốc vẫn duy trì là lực lượng kinh tế chính nhưng không còn là cỗ máy tăng trưởng của thế giới như trước đó. Vai trò này sẽ bị một nhóm mới thay thế mà Stratfor gọi là “Hậu Trung Quốc 16”, bao gồm các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Đông Phi và một phần Mỹ Latin. Bắc Kinh cũng sẽ không còn là một lực lượng quân sự hung hăng như trước nữa. Nhật Bản sẽ nổi lên là một đối thủ cho vị trí chủ chốt ở khu vực Đông Á bởi cả yếu tố địa lý cũng như nhu cầu nhập khẩu lớn.
 
Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò là nền kinh tế đầu tàu, là cường quốc quân sự và chính trị trên thế giới nhưng sẽ không can dự vào nhiều vấn đề như trước kia. Với tỷ lệ xuất khẩu giảm, sự phụ thuộc vào năng lượng gia tăng và những kinh nghiệm trong một thập kỷ qua là những nguyên nhân khiến Washington sẽ do dự trước khi can thiệp quân sự hay kinh tế vào bất kỳ nơi nào trên thế giới. Mỹ đã học được bài học rằng các nước xuất khẩu lớn sẽ ra sao nếu khách hàng của họ không thể hoặc sẽ không mua sản phẩm của họ nữa. Mỹ cũng nhận ra giới hạn của quyền lực khi cố hòa giải các nước thù địch. Mỹ có thể sẽ đối mặt với một vài mối đe dọa chiến lược chính với các cường quốc khác nhưng Washington sẽ không đóng vai trò là người đi đầu như thời gian qua.
 
10 năm tới sẽ chứng kiến một thế giới không theo trật tự với sự thay đổi ở rất nhiều khu vực. Chỉ có một điều không thay đổi đó là việc Mỹ vẫn duy trì vị thế là cường quốc “trưởng thành” nhưng với một sức mạnh sâu sắc hơn, không còn nông nổi và tận dụng nhiều như trước đây.
 
Châu Âu
 
Liên minh châu Âu sẽ không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản của mình, không chỉ là khu vực đồng tiền chung và còn cả khu vực tự do thương mại. Đức là trung tâm của EU với mức xuất khẩu đạt hơn 50% GDP và một nửa trong số đó đi tới các quốc gia châu Âu khác. Berlin đã tạo ra một nguồn hàng lớn vượt trên sức tiêu thụ trong nước mặc dù nền kinh tế nội địa đã được khuyến khích rất nhiều. Đức dựa trên lượng xuất khẩu đó để duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và ổn định xã hội. Cấu trúc của EU, bao gồm tỷ giá đồng euro và nhiều quy định khác, được tạo ra để thuận tiện cho ngành công nghiệp xuất khẩu đó.
 
Điều này đã chia châu Âu thành ít nhất hai bộ phận. Khu vực Địa Trung Hải và các nước như Đức, Áo hoàn toàn có thái độ cũng như nhu cầu khác nhau. Không một chính sách duy nhất nào có thể phù hợp với toàn bộ châu Âu. Đây là vấn đề cốt lõi ngay từ lúc mới hình thành nhưng đến nay nó mới đạt đỉnh điểm. Điều có lợi cho bộ phận này ở châu Âu lại gây hại cho các quốc gia còn lại.
 
 
Liên minh châu Âu đang trên bờ vực tan vỡ? Nguồn: Frumforum

Chủ nghĩa dân tộc cũng gia tăng một cách mạnh mẽ thời gian gần đây. Các sự kiện chứng minh cho điều này bao gồm cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc các nước Đông Âu tập trung vào ngăn chặn mối đe dọa từ Nga. Đông Âu lo ngại Nga sẽ tạo ra một châu Âu khác nếu không tính đến Anh và bán đảo Scandinavia. Với sự gia tăng của các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi thuộc cánh tả và cánh hữu cùng các đảng phân lập ngày càng nhiều ở châu Âu càng chứng tỏ những dự đoán của Stratfor về sự phân chia và chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu từ năm 2005 ngày càng rõ nét.
 
Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. EU có thể vẫn tồn tại nhưng các mối quan hệ quân sự, chính trị và kinh tế châu Âu sẽ bị thu hẹp lại ở một quy mô nhỏ hơn và không còn ràng buộc như trước đây. Một số quốc gia có thể duy trì tình trạng thành viên trong một liên minh mới nhưng sẽ không còn đại diện cho cả một châu lục.
 
Điều làm nên một châu Âu trong 10 năm tới là sự tái trỗi dậy của các quốc gia dân tộc như một thực thể chính trị cốt lõi của lục địa. Thực tế, số lượng các quốc gia dân tộc sẽ gia tăng khi các phong trào ly khai phát triển. Điều này sẽ đặc biệt đáng chú ý trong một vài năm tới khi các áp lực về chính trị và kinh tế làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở châu Âu.
 
Đức đã nổi lên như một quốc gia dân tộc trụ cột với những ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị. Song Đức cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Là cường quốc kinh tế thứ 4 thế giới nhưng Đức đạt được vị trí này là dựa vào xuất khẩu. Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu thường dễ bị tổn thương bởi bị chi phối bởi mong muốn và khả năng mua sản phẩm của khách hàng. Nói cách khác, nền kinh tế của Đức là “con tin” của một môi trường kinh tế giàu có và cạnh tranh.
 
Có rất nhiều lực lượng chống lại Đức trong thời gian qua. Đầu tiên, sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu dẫn tới hình thành các thị trường lao động và tư bản bảo hộ. Các nước yếu hơn có thể áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát dòng vốn trong khi các nước mạnh sẽ giới hạn dòng di chuyển của các đối tác nước ngoài, bao gồm các công dân ở các quốc gia châu Âu khác. Stratfor dự đoán rằng những chính sách bảo hộ hiện hành trong EU, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp, sẽ được bổ sung trong thời gian tới bằng những rào cản thương mại do các nền kinh tế yếu hơn ở Nam Âu tại ra. Đây là điều cần thiết để tái xây dựng lại nền tảng kinh tế sau khi họ vừa trải qua một cuộc đại suy thoái.
 
Về phương diện toàn cầu, Stratfor cho rằng các nhà xuất khẩu châu Âu sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh nhiều hơn và nhu cầu khác nhau trong một môi trường không bền vững. Vì vậy, dự đoán của Stratfor là Đức sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế, dân đến một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội trong nước, từ đó làm giảm ảnh hưởng của nước này ở châu Âu trong 10 năm tới.
 
Đứng ở trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế cũng như ảnh hưởng gia tăng về mặt chính trị là Ba Lan. Ba Lan vẫn duy trì là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ấn tượng bên cạnh Đức và Áo. Thêm vào đó, mặc dù dân số của nước này có vẻ như bị thu hẹp nhưng mức độ vẫn chưa thấm thoát vào đâu so với các nước châu Âu khác. Khi Đức phải trải qua giai đoạn thay đổi về kinh tế cũng như dân số thì Ba Lan sẽ đa dạng hóa mối quan hệ thương mại với các quốc gia mới nổi ở khu vực chiến lược Bắc Âu.
 
Thêm vào đó, Stratfor cho rằng Ba Lan sẽ trở thành “lãnh đạo” của phong trào liên minh chống Nga, bao gồm cả Romania, được hình thành trong nửa đầu của thập kỷ tới. Ở nửa sau của thập kỷ, liên minh này sẽ đóng một vai trò chính trong việc tái định hình đường biên giới của Nga và sẽ lấy lại được những vùng lãnh thổ bị mất bằng cách chính thức và không chính thức. Khi Moscow yếu thế thì liên minh này sẽ gây ảnh hưởng không chỉ ở Belarus và Ukraine mà còn vươn tầm về khu vực xa hơn ở phía Đông. Điều này sẽ nâng cao vị thế kinh tế và chính trị của Ba Lan và đồng minh trong thời gian tới.
 
Ba Lan sẽ hưởng lợi từ việc làm đối tác chiến lược với Mỹ. Một khi cường quốc đứng đầu thế giới lập quan hệ với một đối tác chiến lược nào đó thì đối tác này sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới cũng như nhận được sự hỗ trợ của cường quốc đó để đảm bảo ổn định về mặt xã hội và tăng cường khả năng quân sự. Ba Lan sẽ có được vị trí đó khi đi cùng Mỹ, và Romania cũng vậy. Washington đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới khu vực này một cách rất rõ ràng.
 
Stratfor Global Intelligence là một công ty an ninh ở Mỹ, chuyên về nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ, tập đoàn và doanh nghiệp thương mại. Hàng ngày, công ty này xuất bản một bài viết liên quan tới các vấn đề an ninh và tình báo trên khắp thế giới. Khách hàng của Stratfor bao gồm Bộ Quốc phòng Mỹ, tập đoàn Lockheed Martin và ngân hàng quốc gia Mỹ.
 
 
Tuệ Minh (lược dịch)
Tin bài liên quan
Loading...