Liên tiếp xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng: Làm gì để ngăn chặn “bà hỏa”?
Hiện trường đổ nát vụ cháy chợ Quang (Thanh Trì-Hà Nội). Ảnh: ĐC-AP
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mùa hè sắp đến, nguy cơ cháy nổ càng lớn, vấn đề cần làm gì để hạn chế tối đa hỏa hoạn đang được đặt ra một cách cấp bách.
Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina (Q.8 TPHCM) làm 13 người chết, 91 người nhập viện và thiệt hại về kinh tế chưa thống kê đầy đủ đã cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc xây dựng và vận hành quy chuẩn an toàn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bảo đảm an toàn các khu chung cư. Tại TPHCM và nhiều địa phương khác, thông qua kiểm tra phát hiện rất nhiều khu chung cư với hàng trăm nghìn căn hộ đang “có vấn đề” về PCCC.
Không chỉ chung cư, mà các khu vực khác như nhà riêng, chợ, siêu thị điện máy…vẫn xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, mà gần đây nhất là vụ cháy chợ Quang (Hà Nội), làm nhiều tiểu thương lâm cảnh trắng tay. Nguyên nhân vụ việc đang được làm rõ, nhưng để xảy ra hậu quả lớn như vậy, cho thấy công tác PCCC rất yếu kém.
Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về rủi ro khách quan, các vụ cháy xảy ra, đều có phần lỗi chủ quan. Trước hết là quy chuẩn kỹ thuật và vận hành chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý chưa nghiêm, quy trách nhiệm chưa cụ thể, nên dẫn đến nhiều “lỗ hổng” chết người.
Ý thức người dân trong việc cảnh giác, tích cực tham gia PCCC chưa cao. Rất nhiều người còn chủ quan, thờ ơ với sự an toàn, tính mạng của chính mình và cộng đồng như hút thuốc trong tầng hầm để xe, đốt vàng mã tại khu chung cư, để quên bếp nấu không tắt, để vật liệu che chắn cản trở cầu thang thoát hiểm. Thậm chí khi được tập huấn PCCC, người dân cũng tham gia thờ ơ, chiếu lệ.
Tại các khu vực chợ, ý thức PCCC của nhiều tiểu thương rất kém như hàng hóa dễ cháy bày tràn lan, bắt dây điện cẩu thả, không có vách ngăn chống cháy giữa các gian hàng…
Nhiều người lao động, công nhân chưa quan tâm, chưa ý thức đầy đủ về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ như không mang hoặc mang không đầy đủ các dụng cụ
bao ho lao dong, không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động. Trường hợp thợ hàn gây cháy quán Karaoke ở đường Trần Thái Tông (Hà Nội) năm 2017 làm 13 người chết là ví dụ.
Để phòng tránh cháy nổ, cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong các lĩnh vực, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tránh tình trạng thiếu hụt, “khoảng trống”, hoặc không cụ thể, “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải pháp truyền thông, để nâng cao ý thức cảnh giác, huy động toàn dân tham gia PCCC, bảo đảm an toàn trong lao động và cuộc sống.
QUANG ĐẠI