Họ là những công nhân tại những chung cư cao tầng, có người chấp nhận hiểm nguy treo mình lơ lửng trên những tầng cao để mưu sinh.
Chuyện của nữ công nhân
Trên tầng 7 một chung cư cao cấp đang lên tầng, tôi bắt gặp một phụ nữ người dân tộc thiểu số đẩy xe rùa cát vào, sở dĩ tôi biết là người dân tộc ít người vì chị ấy có búi tóc dày và dựng đứng lên mà tôi đã thấy trên truyền hình. Khuôn mặt chị khắc khổ và bụng đang mang thai chừng 4 5 tháng, chị bảo chị là người trên Lào Cai, cả hai vợ chồng xuống đây làm thời vụ, được vụ nào hay vụ đấy, chị dự định làm nốt tháng này mới nghỉ. Thấy chị bụng mang dạ chửa tôi bèn xắn tay áo lên đẩy cho chị chiếc xe đẩy ra khỏi tháng, chị nhanh nhảu đáp “ấy chết cứ để tôi kẻo bẩn quần áo của anh”. Miệt mài với công việc từ 5 giờ sáng, chị ngồi sõng soài trước bậc cầu thang thở hổn hển, có lẽ cái thai trong bụng chị cũng lấy đi của chị không ít sức lực.
Mệt là vậy nhưng chị bảo, cả hai vợ chồng em làm đủ công một tháng mới được có 9 triệu đồng, tiền thuê nhà trọ, ăn uống cũng gần hết, chẳng để dành được bao nhiêu. Mà, làm công nhân dự án nay có việc mai dự án hoàn thành lại phải đợi việc chỗ khác, không nhận được việc thì chắc chỉ đi ăn xin ở nơi đất khách quê người này thôi. Nói đoạn, chị lại đứng dậy xe cát tiếp cho đội trát tường, quần áo chị lem luốc vữa xây, may mà còn đi ủng nếu không ximăng sẽ ăn hết da dẻ. Có lẽ niềm hy vọng về một tương lai tốt hơn là động lực để chị lao động và chờ đón đứa con đầu tiên sắp lọt lòng.
Công trường lúc này mới bắt đầu đón ánh nắng sớm chiếu rọi nhưng với người công nhân thì họ đã lao động được 5 tiếng rồi (từ 5h sáng). Mỗi người một việc, ai nấy cũng hối hả, họ có lẽ cũng không biết nhau vì cứ hết một dự án là lại mỗi người một ngả, lúc làm thì ai nấy cũng cặm cụi mà ít nói chuyện.
Tôi giơ máy ảnh lên định chụp anh thợ quét vôi ngoài tường, anh kể là người Thanh Hóa tên là Phạm Bá Đạo, cũng tốt nghiệp cao đẳng báo chí nhưng tìm hoài không được việc bèn xin đi làm quét vôi theo dự án, “ở đâu ới em cái là em có liền nè”.
Trông anh Đạo lủng lẳng trên sợi dây thừng nhìn xuống là mấy chục tầng làm tôi thấy lo cho anh. Một tay giữ dây thừng thăng bằng nửa trước nửa sau người, một tay cầm chổi nhúng vào thùng sơn rồi quét. Tôi hỏi anh không sợ à? Anh cười tủm, “có sợ chứ anh, em sợ độ cao là đằng khác nhưng cái em sợ nhất là tết này về không có tiền, không sửa được mái nhà cho mẹ, bố em đi xây gặp tai nạn ở Sài Gòn mất mấy năm trước rồi, anh trai thì tai nạn giao thông cũng mất năm ngoái, giờ mẹ em chỉ còn trông chờ vào mỗi em thôi”.
Công việc nặng nhọc, vất vả là vậy mà hợp đồng lao động cũng là một điều xa xỉ với anh Đạo cùng với những người công nhân khác, không tấm thẻ bảo hiểm, không giấy tờ tùy thân, cứ làm rồi ngày mai trời lại sáng.
Rồi anh Đạo nhờ tôi kéo vào để xuống dây uống nước. “Chết hụt mấy lần rồi đấy anh, có lần buồn ngủ quá em ngáp nghiêng người về phía sau chút nữa thì lộn cổ xuống, nên em làm một lúc là cứ phải nghỉ uống cốc nước chè đặc ăn cái kẹo caosu cho đỡ buồn ngủ. Hỏi sao chủ biết các anh để mà gọi nhận việc, anh Đạo bảo, đi làm nhiều quen hết ấy mà anh, họ cần mình mà mình cũng cần họ, có người mấy tháng không có việc được gọi cái vui như dưa héo gặp mưa rào anh ạ.
Người công nhân chỉ có chữ “tình”
Tôi lên đến tầng cao nhất có sky bar, đi cùng tôi lúc này còn có một kỹ sư quản lý, anh này chịu trách nhiệm bố trí bối cảnh để tôi chụp ảnh làm truyền thông cho dự án. Thấy chúng tôi lên và có ý định chụp ảnh tổng thể, các anh em công nhân mới được nhắc nhở đội mũ
bảo hộ lao động lên đầu, một số người trộn vữa khô thì được nhắc đeo khẩu trang vào cho đỡ bụi. Từ xa, tôi thấy một cậu thanh niên khá lớn nhưng mặt rất ngây thơ đang đi thu dọn các bao ximăng, thanh gỗ thừa lại một đống, trước cái nắng chói chang mặt cậu bé dường như đã quá chai sạn với thời tiết.
Những giọt mồ hôi lăn dài trên má cậu bé Nguyễn Văn Phúc, quê Thanh Hóa, ở cái tuổi 16 lẽ ra cậu đang ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải nơi lao động cực nhọc này. Phúc kể, bạn bè em trên này cũng đông, tầm chục đứa nhưng mỗi đứa mỗi nơi, đi theo bố mẹ hoặc người trong thôn đi làm, chứ ở quê không đi học cũng chẳng có ai chơi cả, mọi người đều lên thành phố đi làm hết.
“Chúng em làm theo ca, một ngày 9 đến 10 tiếng, mùa hè nắng, nên làm từ 5h sáng, còn tối có lần làm đến 10 giờ đêm, cái nghề đi xây xáo này cứ ai khỏe là làm được thôi, đi làm chung cư còn được lâu chứ trước bố mẹ em đi làm nhà dân thì không có mấy việc để làm”. Nhìn cậu bé tuy còn non nớt nhưng dường như cũng là con “nhà nòi” nghề đi xây, tay chân to cuồn cuộn như người tập tạ.
Dàn dựng bối cảnh xong, tất cả mọi người đều làm như bình thường để tôi chụp ảnh, bức ảnh trông rất đẹp, công nhân lao động an toàn, kỷ luật. Nhưng đằng sau bức ảnh đó thì cũng cần bàn tay nhào nặn khá công phu.
Tôi chọn cách đi xuống bằng thang bộ, đi đến tầng nào cũng có công nhân đang làm việc, đàn ông có, phụ nữ có, người già có mà thiếu niên cũng có. Đến tầng 8, thấy một anh cán bộ đội mũ trắng đang mắng một chú công nhân vì làm bể vòi nước, chú công nhân vừa nghe vừa cặm cụi lấy dây chun đen buộc lại mà không nói lại một câu, chắc với đời người công nhân bị rầy la đã là một điều quá đỗi quen thuộc, hoặc ngày mai họ lại sang làm một dự án khác mà chẳng ai còn biết nhau.
Người phụ nữ đang lau cửa kính mới được lắp là chị Nguyễn Thị Thúy - quê Nam Định, 44 tuổi - công việc của chị là lau cửa kính, lan can cho luôn sáng bóng. Lương tính theo ngày, làm ngày nào tính ngày ấy, làm đủ 30 công một tháng thì được 4 triệu 3 trăm nghìn đồng. Con trai lớn chị đang học tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, cả nguồn sống của chị trông chờ vào đó, chị tự hào lắm. Chị kể, ở đây toàn những người nghèo khó, tha hương cầu thực nên hiểu nhau lắm, có cái gì cũng chia nhau mà ăn, tuy chẳng được sung sướng giàu có nhưng cũng được cái tình, cùng cảnh làm thuê xa nhà với nhau cả, chẳng ai bắt nạt ai. Chỉ thương chị Nhung cùng quê, tháng trước phải về nhà vì bị ung thư vú, không biết có qua được tết này không, người nghèo với nhau chỉ biết cầu nguyện cho nhau mà thôi.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Viết về người lao động - viết cho người lao động”
Báo Lao Động mời bạn đọc tham gia cuộc thi “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”
Đối với các ấn phẩm trên báo in Báo Lao Động
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan, kịp thời. Mỗi tác phẩm không quá 1.700 chữ và ít nhất 1 ảnh, khuyến khích tác phẩm gửi kèm nhiều ảnh.
- Tác phẩm dự thi ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thư điện tử (email) của tác giả.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email hay đường bưu điện phải ghi rõ: Bài dự thi cuộc thi viết “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”.
- Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự thi.
Đối với tác phẩm video:
- Tác phẩm dự thi có thời lượng không quá 5 phút.
- Ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, hòm thư điện tử (email) của tác giả.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi về: Ban TKTS, Báo Lao Động, số 6 phố Phạm Văn Bạch, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
(Bì thư ghi rõ: Tham gia Cuộc thi
Thư điện tử theo địa chỉ: thivietvelaodong@laodong.com.vn
Kính mời bạn đọc cả nước tham gia.
BBT BÁO LAO ĐỘNG
NGUYỄN VĂN CÔNG