Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10307
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Long đong phận "Bới rác mưu sinh"
LTS: Mặc dù đã được trang bị bảo hộ lao động, được hưởng một số ưu đãi, phụ cấp… nhưng công nhân vệ sinh môi trường thuộc doanh nghiệp nhà nước (hoạt động công ích) vẫn e dè khi tiếp xúc nguồn rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, nhiều năm nay, hàng trăm phận người vẫn nhọc nhằn mưu sinh trên những bãi rác khổng lồ mà không có đồ bảo hộ, không chế độ, chính sách đãi ngộ… Rất đơn giản, với họ, rác là... nguồn sống.

Bài 1: Bới rác mưu sinh

TP Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm trẻ mưu sinh bằng bới rác. Không chỉ nuôi sống bản thân, những đứa trẻ này còn gánh vác trọng trách với cả gia đình. Thất học, hằng ngày chúng phải đối mặt nguy cơ bệnh tật, thậm chí cả hiểm họa về tính mạng trên đường mưu sinh.

 
 
 
 
 
Trẻ bới rác để mưu sinh.

Gánh vác cả gia đình

Có mặt tại bãi rác Hiệp Thành (phường Hiệp Thành, Quận 12) vào một buổi trưa nắng như đổ lửa, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt xe chở rác ùn ùn kéo đến, kèm theo đó là mùi hôi nồng nặc, đặc quánh như thể vốc được bằng tay. Dù đã đứng cách xa hàng trăm mét kèm theo chiếc khẩu trang, chúng tôi vẫn có cảm giác ngộp thở. Theo các hộ dân sinh sống quanh khu vực bãi rác, những ngày nắng nóng, mùi xú uế từ bãi rác bốc lên khiến họ khổ sở vô cùng. Ở đây, người ta không trách nhau khi vừa đeo khẩu trang vừa nói chuyện. Ấy vậy mà, chính ở nơi là nỗi khiếp đảm với người dân sinh sống lân cận lại có rất nhiều đứa trẻ tìm kế sinh nhai.

Xung quanh "núi" rác khổng lồ, những đứa trẻ mải miết đào bới, tìm kiếm những thứ có thể bán được để đổi lấy bữa cơm cho cả gia đình. Vào giờ cao điểm, khi những xe rác chuẩn bị cất ben, trút rác xuống bãi, lũ trẻ nhanh chóng xúm lại mong tìm được những thứ giá trị nhất. "Chú ơi, chú đổ giùm qua đây giúp cháu với…!", cậu bé Nguyễn Văn Thành (13 tuổi, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12) giọng van lơn nói với người lái xe chở rác. "Mày giỡn hả? Đổ cũng phải đúng nơi, đúng chỗ chứ!", người lái xe cáu kỉnh. Dứt lời, khối rác to từ trên xe ào ào trút xuống đúng vị trí của nó. Thành cúi đầu không nói gì. Cậu bé lặng lẽ bới đào ở đống rác vừa bới trước đó. Ngày nào Thành cũng có mặt ở đây, lếch thếch đi dép đã mòn đế, thủng lỗ. Đôi dép không đủ che chắn cho em khỏi những mảnh sành, thủy tinh đầy ắp trong đống rác sinh hoạt trước mặt. Vì gia đình quá nghèo, Thành phải bỏ học đi làm mấy năm. "Bây giờ, em không nhớ mặt chữ, nhưng lớn rồi, ngại đi học lắm", vừa cắm cúi nhặt rác, Thành vừa nhát gừng kể với chúng tôi. Thành cho biết: "Em chỉ mong đi bới rác mỗi ngày kiếm ít tiền đủ ăn...".

Cũng như Thành, Tài sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Khi còn chưa kịp thông thạo bảng chữ cái, em đã phải rời lớp học. Cha mẹ Tài đều là ngư dân, thu nhập bấp bênh nên không đủ tiền cho con học. Hai năm trước, cha mẹ gửi em cho người cô ruột ở TP Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ đấy, Tài miệt mài với việc nhặt phế liệu kiếm sống. Khi những xe rác tiến đến bãi rác Hiệp Thành cũng là lúc công việc của Tài bắt đầu. Bất kể nắng mưa, Tài bấu víu vào bãi rác để kiếm ăn. Cậu bé cheo leo trên bãi rác khổng lồ, hì hục đào bới giữa những ngày tháng 5 gay gắt nắng. Nào chai nhựa, vỏ đồ hộp, bao nilon... tất cả đều trở thành món quà tuyệt vời cho những đứa trẻ như em. Vất vả mưu sinh nhưng mỗi ngày, Tài chỉ kiếm được chừng 100 nghìn đồng. "Số tiền Tài làm ra chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, quá ít để sống ở đây chứ đừng nói dư để gửi về nhà. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng nuôi cháu và hằng tháng để cháu trích ra chút ít gửi về quê cho mấy đứa em ăn học" - Người cô của Tài cho biết.

Ở TP Hồ Chí Minh, chưa có một nghiên cứu hay thống kê về tình trạng trẻ em kiếm sống trên những bãi rác. Trong khi những bạn bè cùng trang lứa vẫn đang vui chơi, tất bật với chuyện học hành và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè dài ngày, những đứa trẻ như Tài nai lưng bên đống rác, lo từng bữa ăn không chỉ cho bản thân mà cả gia đình. 

Bệnh tật rình rập

Những người "kiếm cơm" bằng nghề bới rác luôn than phiền vì ngày càng khó khăn. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bãi rác tự phát đầy ruồi nhặng, trong khuôn viên cả nghìn mét tại khu vực đường Tân Chánh Hiệp 21 (Quận 12), anh Nguyễn Văn Sơn (30 tuổi, quê ở huyện Hóc Môn) cay đắng: "Không học hành, không nghề nghiệp nên tôi làm cái công việc bới rác này từ năm 12 tuổi. 18 năm rồi, thu nhập chẳng thấm tháp vào đâu. Bây giờ, kiếm tiền từ nhặt mót rác cũng khó khăn lắm, các xe đã phân loại rác ngay tại nguồn nên cũng chẳng còn gì mà nhặt nhạnh". 

Chúng tôi tiếp tục tìm đến bãi rác tự phát khác bên đường Nguyễn Thị Kiểu (Quận 12). Chiếc xe máy vừa dừng vài phút đã bị ruồi nhặng bu đầy. Bước vào bãi rác, chúng tôi gặp được chị Phạm Thị Hà (quê Đồng Tháp, hiện ngụ tại đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, Quận 12), chân phải bị thương, băng trắng, ngồi thẫn thờ một góc. Chị Hà cho biết, chị bị xe ba gác đè vào chân mấy hôm trước, khi đang vào bãi để đổ rác. Bàn chân bị dập, vết cắt sâu ở giữa khiến chị khó khăn lắm mới làm việc được. "Biết vết thương ở chân đang sưng và nhiễm trùng bất cứ lúc nào, nhất là khi làm việc trực tiếp với rác thải nhưng cũng phải làm chứ. Nghỉ một ngày là đói một ngày." - Chị Hà thở dài.

Tại bãi rác Hiệp Thành (Quận 12), vừa thấy xe thu gom rác vào, chị Lâm Diễm Chi (40 tuổi, ngụ tại khu phố 4, Tân Thới Hiệp, Quận 12), lập tức lao ra lục tìm những thứ có thể đem bán. Hơn nửa đời người gắn liền với rác thì người phụ nữ quê gốc miền Tây này đã có tới 15 năm gắn bó với công việc thu gom rác. Do sức khỏe ngày một yếu, không thể khuân vác những bao tải nặng đổ lên xe, chị Chi quyết định bỏ việc, về bãi rác Hiệp Thành lượm và phân loại rác. Tuy công việc nhàn hơn nhưng thu nhập lại giảm đi. Chị Chi cho biết, trung bình chị thu khoảng 70.000-100.000 đồng/ngày. Cả tháng kiếm được khoảng 3 triệu đồng, món tiền đó không đủ cho gia đình sinh sống, bao gồm chi phí ăn uống, thuê phòng trọ và tiền lo ăn học cho 2 đứa con… Hằng ngày, bới móc trên những đống rác nhưng chị chỉ đeo một khẩu trang bình thường, không đồ bảo hộ. Cũng vì thế, căn bệnh viêm xoang và thấp khớp càng lúc càng hành hạ chị. "Những lúc trái gió trở trời, tôi phải nằm nhà triền miên, thuốc hình như cũng mất tác dụng. Bây giờ, cũng chỉ biết cố gắng cầm cự chứ tiền đâu mà chữa, chưa kể chả có bảo hiểm y tế thì đành an phận thôi" - Chị Chi ngậm ngùi.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phụ trách bộ môn Y học gia đình (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), hiện các công trình nghiên cứu liên quan đối tượng thu gom rác còn quá ít. Đặc biệt, đối với đối tượng trẻ em làm công việc bới rác, nhặt rác, chưa có khảo sát nào được thực hiện một cách chi tiết. "Các đối tượng này thuộc nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Nếu không được quan tâm đúng mức, ngoài việc các em không có tương lai tốt đẹp thì có thể tiềm ẩn các nguy cơ về sức khỏe, tính mạng. Báo động hơn, nếu rơi vào con đường cùng, các đối tượng này rất dễ "đi lạc hướng" - Bác sĩ Hiệp cảnh báo.


Bài 2: Long đong phận rác “dân lập”

Từ năm 2007 đến nay, TP Hồ Chí Minh triển khai công tác xã hội hóa thu gom rác, còn gọi là thu gom rác "dân lập". Tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng vấn đề bảo đảm sức khỏe cho người trực tiếp dọn vệ sinh lại chưa được chú trọng. Họ đều tỏ ra bức xúc vì không được hưởng bất kỳ một chế độ chính sách nào, thậm chí đơn giản nhất là được cấp đồ bảo hộ lao động sử dụng khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại...
 
Nghề nhặt rác luôn đối mặt với bệnh tật, rủi ro.
Nghề nhặt rác luôn đối mặt với bệnh tật, rủi ro.

Ngày nào cũng vậy, khi người Sài Gòn bắt đầu thảnh thơi vì đã hoàn tất công việc trong ngày, những người thu gom rác "dân lập" lại tất bật với công việc của mình. 23h, đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) vắng bóng người qua lại cũng là lúc vợ chồng anh Võ Văn Sơn (36 tuổi, ngụ tại ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) bắt đầu công việc của mình. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, vợ chồng anh lặng lẽ cúi nhặt từng túi rác được người dân để dọc các khu dân cư. Mệt mỏi, họ chẳng nói với nhau câu nào. Đêm khuya, tiếng bước chân chậm đều của vợ chồng anh Sơn làm cho phố phường bớt tĩnh lặng. "Những ngày thường, vợ chồng tôi chỉ phải làm ban ngày nhưng vào cuối tuần, lễ tết thì phải làm cả ngày lẫn đêm vì lượng rác phát sinh nhiều hơn", anh Sơn nói.

Với công việc này, mỗi tháng vợ chồng anh Sơn thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Anh Sơn và vợ đăng ký thu gom rác với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn (hình thức xã hội hóa) nhưng không được đóng bảo hiểm, cũng không có bất cứ chế độ đãi ngộ nào. "Chúng tôi chỉ biết đi thu gom rác và lấy tiền hằng tháng, còn các chế độ khác không có. Vẫn biết công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng vì cuộc sống nên chúng tôi phải chấp nhận, đến lúc già yếu thì xin nghỉ", chị Hạnh thở dài.

Theo quan sát của chúng tôi, anh Sơn và chị Hạnh không sử dụng đồ bảo hộ lao động trong lúc làm việc. Chị Hạnh chỉ đeo đôi găng tay mỏng. "Làm nghề này khi còn khỏe thì không sao, chứ đến lúc có tuổi rồi, hay ốm đau bệnh tật, chả biết phải tính thế nào, vì vợ chồng tôi không bằng cấp gì cả. Nghỉ việc coi như mất cơm ăn. Chỉ cần một trong hai người đau ốm thì cả nhà khổ theo. Những ngày làm đêm, khi vợ chồng chúng tôi về nhà cũng gần 2h sáng, hai đứa con đã lăn ra ngủ. Có ngày, vợ chồng tôi chỉ gặp con vài giờ", chị Hạnh cho biết thêm.

Gia đình anh Sơn chỉ là một trong hàng nghìn người ở TP Hồ Chí Minh làm nghề thu gom rác dưới hình thức xã hội hóa. Theo một nghiên cứu gần đây của Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, lực lượng thu gom rác "dân lập" được xem là không thể thiếu trong lĩnh vực xử lý môi trường của thành phố, nhất là khi lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh. Đến nay, địa phương này đã có hơn 2.000 tổ thu gom rác "dân lập", hoạt động trên địa bàn 24 quận, huyện. Lực lượng này thu gom khoảng 60-70% lượng rác thải của toàn thành phố. Bên cạnh lực lượng "bán chính thức" này còn có các nhóm thu nhặt rác tự quản bằng "hợp đồng miệng" ở các vùng dân cư nhỏ lẻ lên đến cả nghìn người. Nhóm thu gom rác tự phát thường là người ngoại tỉnh lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Chỉ có hơn 35% người thu gom rác có hộ khẩu thường trú và có hơn 60% họ chưa học hết cấp 3. Vì vậy, họ chủ yếu sử dụng những phương tiện xe kéo nhỏ hoặc xe ba gác tự chế để chuyên chở rác, không hề có ý thức tự bảo vệ bản thân trong môi trường độc hại.

Chúng tôi gặp Nguyễn Hoàng Kha (14 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, Quận 12) khi em đang cùng anh trai thu gom rác tại khu vực Quận 12. Anh em Kha từ Tây Ninh lên TP Hồ Chí Minh đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Kha và anh trai gom góp tiền mua một chiếc xe ba gác nhỏ hằng ngày đi thu gom rác tại các khu dân cư, đồng thời thu lượm những gì có thể bán phế liệu được kiếm thêm. Kha cho biết, công việc này rất vất vả vì phải rong ruổi quanh khu vực dân cư được thuê để lượm rác và lúc nào cũng phải ngửi mùi hôi thối. Ban đầu, Kha còn mua găng tay và khẩu trang để dùng, nhưng sau cảm thấy ngột ngạt, em bỏ không dùng nữa. Cậu bé cho biết, hằng tháng hai anh em kiếm được 3-4 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh em Kha gửi về quê được khoảng 1 triệu đồng. "Thế là vui rồi, hai anh em trên này sống sao cũng được, miễn các em ở nhà được ăn học tử tế. Có tháng cũng phải đi vay mượn tiền khắp nơi mới đủ sống, lại phải gửi tiền về cho bố mẹ nuôi em nữa", Kha vô tư nói. Anh em Kha ký hợp đồng "miệng" với một đơn vị tư nhân (theo sự thỏa thuận với Công ty Dịch vụ công ích) nên mọi chế độ bảo hiểm xã hội hay y tế, chăm sóc sức khỏe đều không có.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng (46 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), người trông coi bãi rác Bà Điểm (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn) cho biết, những người tham gia thu gom rác tư nhân rất vất vả và luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Ông Dũng là công nhân trong biên chế công ty nên được hưởng chế độ đãi ngộ đầy đủ, nhưng với những ai chỉ được ký hợp đồng "miệng" thì họ chỉ làm bằng sức khỏe, rủi ro tự chịu chứ không có bất kỳ chế độ nào. "Có một số người tự bỏ tiền mua bảo hiểm, nhưng đa số không quan tâm đến điều đó. Làm ở đây, mùi rác thải, môi trường độc hại nên phần lớn lao động bị các bệnh liên quan đến hô hấp và ngoài da…", ông Dũng nói.
Tin bài liên quan
Loading...